Chuyến Thăm Thư Viện Cơ Đốc Cộng Đồng Đầu Tiên ở Việt Nam

Đây là lần thứ hai tôi đến đây, nhưng không giống như lần thứ nhất, vì lần nầy những ký ức thời sinh viên của mình lại ùa về, có lẽ do lần này những kệ sách thư viện đã được lắp đầy bởi những hàng sách thẳng tắp!

Sau cuộc gọi điện thoại hẹn gặp trước đó một ngày, sáng ngày 1 tháng 7 năm 2022, tôi có mặt tại thư viện Cơ Đốc. Đây là lần thứ hai tôi đến đây, nhưng không giống như lần thứ nhất, vì lần nầy những ký ức thời sinh viên của mình lại ùa về, có lẽ do lần này những kệ sách thư viện đã được lắp đầy bởi những hàng sách thẳng tắp!

Rene Descartes, nhà toán học, triết gia, khoa học gia người Pháp thế kỷ 17 từng nói, “Đọc những cuốn sách hay cũng giống như trò truyện với các bộ óc tuyệt vời nhất của những thế kỷ đã trôi qua.” Từ những ngày bước vào trường Đại Học Ngoại Ngữ Đà Nẵng, ước mơ nhỏ bé của tôi là xây dựng một tủ sách của riêng mình. Mặc dù thời gian đó (những năm cuối 1980s và những năm đầu 1990s) cuộc sống vô cùng khó khăn và vất vả đối với mọi sinh viên đại học, nhưng có lẽ khó khăn và vất vả nhiều hơn đối với một sinh viên trong gia đình hầu việc Chúa như tôi. Dù vậy, Đức Chúa Trời biết rõ ước mơ của tôi, ban cho tôi những cơ hội dạy kèm tiếng Anh để dành tiền mua sách. Nhớ những buổi chiều đạp chiếc xe đạp mini dọc theo những con đường Bạch Đằng, Phan Châu Trinh và con đường đối diện Nhà Hát Trưng Vương ở Đà Nẵng, tôi ghé những tiệm sách để tìm và mua sách học tiếng Anh vừa mới xuất bản và được bày bán trên kệ. Lúc đó, tôi đã từng hài lòng với tủ sách nho nhỏ của mình và nâng niu mỗi cuốn sách như người bạn của mình.  

Rồi thời gian trôi qua, ước mơ tủ sách càng lớn hơn, đó là mong muốn có một thư viện mini cho riêng mình. Cảm ơn Chúa vì Ngài biết rõ ước mơ của tôi, và cho tôi cơ hội làm việc với sách vở khá nhiều – đọc, nghiên cứu, viết và chơi với những ý tưởng của các tác giả. Lawrence Clark Powell, thủ thư, nhà phê bình văn học người Mỹ thế kỷ 20, tác giả hơn 100 cuốn sách có tư tưởng nầy: “Viết để người ta hiểu, nói để người ta nghe, còn đọc để mình trưởng thành.” Nhìn lại, văn hoá đọc hiện nay đã dần bị mai một và thế hệ trẻ dường như thiếu đi chiều sâu của con người có nghiền ngẫm sách vở. Công nghệ mạng phát triển khiến người ta tìm thấy thông tin một cách nhanh chóng, đọc lướt, đọc nhanh, không còn thì giờ suy tư như con người của ba mươi năm về trước.

Trở lại với thư viện Cơ Đốc, được biết đây là thư viện Cơ Đốc cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam, tức là tín hữu và thân hữu có thể tiếp cận. Cũng được biết thư viện là hoài bão từ lâu của những con người cũng từng có ước mơ bắt đầu là một tủ sách như tôi. Sự kết hợp của những Cơ Đốc nhân này cùng với Thánh Kinh Hội đã mở ra được một cơ hội có một không hai cho cộng đồng Cơ Đốc người Việt, chẳng những ở trong nước mà còn ở nước ngoài, với sự tiếp cận nguồn tài nguyên thông tin Cơ Đốc thông qua thư viện sách điện tử sẽ được hoàn thiện trong tương lai. Hiện tại thì ngoài Thư Viện Thần học số có thể truy cập tại chỗ, độc giả có thể tham khảo và mượn nguồn sách in phong phú ở nhiều mức độ: sách phổ thông và sách nghiên cứu Cơ Đốc tiếng Việt lẫn tiếng Anh. 

Qua giới thiệu của thầy Phạm Hữu Thiên và chị Bích Thu, tôi được tham quan các phòng sách ở  các tầng theo chuyên mục (thần học, giáo dục, khoa học xã hội và nhân văn, v.v…). Đặc biệt tôi được tham quan phòng lưu trữ lịch sử Tin Lành Việt Nam, nơi sưu tầm và lưu trữ tư liệu về các hội thánh, người hầu việc Chúa, và các cơ quan, tổ chức Cơ Đốc. Thật cảm kích khi được xem những nét chữ viết tay của nhạc sỹ Vĩnh Phúc (trong phần Người Hầu Việc Chúa) trên những trang giấy nhạc (music sheets) đã ố màu thời gian, cùng với những bài hát xưa quen thuộc! Sau đó, tôi được hướng dẫn vào phòng trưng bày sử liệu của thư viện.

Bên cạnh những ấn phẩm lâu đời, những cuốn Thánh Kinh Báo nguyên thủy đã cũ nát, ấn tượng nhất là cuốn “Thiên Lộ Lịch Trình” ấn bản năm 1923 nằm trong tủ kính trưng bày. Được biết cụ giáo sĩ Cadman đã bắt tay vào việc phát triển văn phẩm và báo chí Cơ Đốc ngay sau hoàn tất dịch thuật Kinh Thánh. Thật quý báu! Hầu hết các ấn phẩm lâu đời nầy nói lên câu chuyện về sự phát triển hội thánh, gợi cho chúng ta lòng biết ơn tiền nhân qua học biết về sự khổ nhọc của họ để gây dựng nhà Chúa. Các thế hệ tương lai sẽ nhìn vào mà biết đến nguồn cội đức tin của cha ông. Thật là những giá trị tinh thần lớn lao.

Những nhân viên làm việc tại thư viện khá thân thiện. Tôi rất thích không gian tĩnh lặng của những phòng làm việc của các nhân viên cũng như các phòng đọc. Cũng đúng thôi, đối với những nhân viên, làm việc trong thư viện nầy đòi hỏi sự nhẫn nại, trầm ổn, và yên tịnh.

Dù còn hơi sớm, nhưng có thể khẳng định thư viện Cơ Đốc nầy là nơi lý tưởng mà nhiều sinh viên thần học, sinh viên Cơ Đốc, nhân sự Hội Thánh và ngay cả tín hữu và thân hữu ham đọc sách mong muốn ở đó – đọc, học, trau dồi kiến thức,  nghiên cứu cũng như tìm về nguồn cội. Cũng nơi đây, người Cơ Đốc có cơ hội nhen lại văn hóa đọc và phát huy tinh thần nghiên cứu Lời Chúa như Sứ đồ Phao-lô đã từng khuyên Ti-mô-thê, học trò tinh thần của ông: “Hãy chăm chỉ đọc sách” (1 Ti-mô-thê 4:13a).

Kết thúc cuộc tham quan thư viện Cơ Đốc, tôi được tặng cuốn sách do một nữ tác giả viết với tựa đề: “Phép Màu để Vượt Lên Chính Mình,” một cuốn sách dễ đọc nhưng không kém sâu sắc, để lại nhiều suy tư không những cho giới nữ mà còn cho cả những ai muốn trải nghiệm vượt lên chính mình trong tư tưởng và kinh nghiệm sống bởi sức thiêng từ Đấng Christ (Phi-líp 4:13).

Nguyện xin Đức Chúa Trời Ba Ngôi khiến thư viện Cơ Đốc mỗi ngày phát triển càng hơn để vương quốc của Đức Chúa Trời được mở mang. Xin hẹn gặp lại thư viện một ngày không xa. Còn cả tầng dành cho Thiếu Nhi, một đầu tư đáng kể của TVCĐ cho thế hệ tương lai, mà tôi chưa có dịp ghé qua!

Sài Gòn ngày 14/7/2022

Nữ Truyền Đạo Tiến Sỹ Lê Thị Lệ Thanh
Ủy Ban Văn Hóa- Giáo Dục-Dân Tộc thuộc Tổng Liên Hội, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam)

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2025 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 478,979 | Online: 5