Cơ Đốc Giáo – Niềm Tin Biện Giải (Mere Christianity by C. S. Lewis)

Cơ Đốc Giáo – Niềm Tin Biện Giải (Mere Christianity) là một trong những cuốn sách nổi tiếng của tác giả thần học C. S. Lewis nhằm giải thích và bênh vực niềm tin cốt lõi của Cơ Đốc giáo nói chung. Cuốn sách gồm nhiều chương ngắn, mỗi chương dựa trên một bài nói chuyện của Lewis trên đài BBC từ những năm 1941-1944. Cuốn sách được chia làm bốn phần, tập trung vào bốn chủ đề chính.

Phần I:  Ðúng và Sai Là Ðầu Mối Ý Nghĩa Vũ Trụ

C. S. Lewis lập luận rằng mọi người đều có lương tâm để nhận biết điều đúng và điều sai. Ý thức của con người về đúng và sai cho thấy phải có một Đấng nằm ngoài vũ trụ hữu hình tạo ra qui luật đạo đức này. Ý thức về cái đúng cái sai nằm ngoài khả năng và vai trò của khoa họcQui luật đạo đức, hay tiếng nói của lương tâm, hướng con người đến một nhà thiết kế tuyệt đối tốt lành quan tâm đến hành vi đúng đắn của con người.  Lewis viết, “Bạn tìm biết về Thượng Ðế bởi qui luật đạo đức hơn là từ vũ trụ tổng quát, cũng giống như bạn biết rõ về một người bằng cách nghe anh ta nói chuyện, hơn là bằng cách nhìn căn nhà anh ta xây” (I, 5).

Lewis nhấn mạnh rằng qui luật đạo đức cho thấy Ðấng ở sau vũ trụ rất quan tâm đến cách cư xử  đúng đắn. Ngài tốt lành tuyệt đối nên ghét hầu hết những gì con người làm, vì thế thông điệp Cơ Đốc về sự ăn năn và lời hứa tha thứ có ý nghĩa. Những đòi hỏi của luật đạo đức mà con người không thể đáp ứng đã được Thượng Đế đáp ứng qua việc Thượng Đế trở thành người.  Lewis cho rằng Chỉ khi nào bạn nhìn nhận rằng có một luật đạo đức thật sự, và một sức mạnh đằng sau luật ấy… thì lúc  đó Cơ Đốc giáo bắt đầu nói chuyện với bạn.”   Đốc giáo chỉ có ý nghĩa với những người biết mình cần được tha tội: “Khi bạn biết rằng bạn bịnh, bạn sẽ nghe lời bác sĩ.”  Vì thế Lewis nhấn mạnh rằng “Cơ-đốc giáo không bắt đầu bằng sự an ủi, ngược lại bắt đầu bằng sự khiếp đảm” để từ đó dẫn con người đến sự ăn năn và được tha tội (I, 5). Với ý tưởng này, Lewis hướng người đọc đi vào trọng tâm của thông điệp Phúc Âm.

Phần II: Niềm Tin Cơ-Ðốc

Phần này trình bày những điều Cơ Đốc nhân tin.  Lewis cho thấy phần lớn thế giới tin vào các loại thần thánh. Mở đầu, Lewis so sánh Cơ Đốc giáo với một số niềm tin khác. Thuyết phiếm thần (pantheism) nói chung tin rằng Thượng Ðế làm cho vũ trụ hoạt động và vũ trụ hầu như là Thượng Ðế, và bất cứ điều gì bạn tìm thấy trong vũ trụ đều là một phần của Thượng Ðế. Trong khi đó Cơ Đốc giáo phân biệt Đấng sáng tạo với tạo vật, giống như một họa sĩ vẽ một bức tranh nhưng họa sĩ không phải là bức tranh. Người vẽ tranh không chết nếu bức tranh bị phá hủy. Thuyết phiếm thần quan niệm Thượng Đế vượt trên thiện và ác, nhưng Cơ Đốc giáo quan niệm Thượng Đế là thiện.

Với những người vô thần phủ nhận sự thực hữu của Thượng Đế vì sự bất công vẫn tồn tại, Lewis đặt câu hỏi, ý tưởng về sự công bằng và bất công đến từ đâu?  Ông lập luận rằng nếu thế giới là bất công, thì cần phải có ý thức về công bằng. Người ta sẽ không thể nói “bất công” nếu không có ý tưởng thế nào là “công bình.” Lewis cho rằng phải có cái thiện trước rồi mới có cái ác (II, 2).

Khác với thuyết nhị nguyên (dualism), Lewis lập luận rằng cái thiện và cái ác không thể có quyền lực ngang nhau. Cơ Đốc giáo đồng ý với thuyết nhị nguyên rằng vũ trụ này đang có xung đột, nhưng đây không phải là cuộc chiến giữa các cường quốc độc lập mà “đó là một cuộc nội chiến, một cuộc nổi loạn, và chúng ta đang sống trong một phần của vũ trụ bị quân nổi dậy chiếm đóng.” (II, 2).

Lewis cho rằng trong vũ trụ có một quyền lực tối tăm đứng sau sự chết chóc, bịnh tật, và tội lỗi. Quyền lực tối tăm này ban đầu là tốt lành nhưng rồi đi lầm lạc. Tuy không thể giải thích quyền lực tối tăm này đã lầm lạc như thế nào, nhưng Lewis cho rằng dựa vào kinh nghiệm của con người, chúng ta có thể đoán được rằng đó là lúc quyền lực này muốn đặt mình lên trên hết, đúng hơn là muốn thành Thượng Ðế.  Ðó là tội lỗi của ma quỉ, và ma quỉ đã dạy tội lỗi này cho loài người. Sa-tan đã gieo vào đầu của tổ tiên chúng ta ý tưởng họ có thể trở thành Thượng Đế, từ đó loài người luôn cố gắng tìm cái gì đó ngoài Thượng Ðế để có được hạnh phúc, nhưng con người không thành công. Tại đây, Lewis đưa ra một hình ảnh sống động để giải thích lý do: “Thượng Ðế tạo dựng chúng ta giống như một người chế tạo một cái máy. Chiếc xe được chế ra để chạy bằng xăng, thì nó khó chạy khi dùng chất gì khác. Bây giờ, Thượng Ðế chế tạo ra cái máy con người để chạy bằng chính Ngài.  Chính Ngài là nhiên liệu mà tâm linh chúng ta phải dùng để chạy, hay là thức ăn mà tâm linh chúng ta dùng để nuôi sống mình. Không có gì khác hơn được.” (II, 3).

Lewis cho rằng trước tình trạng sa ngã của con người, Thượng Ðế đã làm cho chúng ta ba điều. Trước hết, Ngài cho chúng ta có lương tâm để ý thức về thiện và ác; thứ hai, đặt trong con người điều mà ông gọi là “giấc mơ tốt lành,” chẳng hạn con người có mơ ước về đời sống mới sau cái chết; và thứ ba, Ngài chọn một dân tộc đặc biệt để từ đó Đấng Christ ra đời, tuyên bố rằng Ngài là Đấng hằng hữu, Ngài có quyền tha tội, và Ngài sẽ phán xét thế gian trong ngày cuối cùng. Lời tuyên bố này chỉ có ý nghĩa nếu Ngài thật sự là Thượng Ðế. Tại đây, con người đứng trước sự lựa chọn, hoặc tôn thờ Ngài như là Con Đức Chúa Trời, hoặc từ chối Ngài như một kẻ mất trí (II, 3).

Kết luận phần này, Lewis cho rằng trọng tâm của niềm tin Cơ Đốc là chính cái chết của Ðấng Christ để giúp chúng ta có mối liên hệ đúng đắn với Thượng Ðế và bắt đầu sự sống mới.  Ông cũng cho rằng cái chết của Ðấng Christ quan trọng hơn bất cứ sự giải thích nào về cái chết đó. Một người có thể chấp nhận những gì Ðấng Christ đã làm cho anh ta mà không cần biết điều này xảy ra thế nào, giống như một người có thể ăn cơm mà không cần hiểu thực phẩm nuôi dưỡng anh ta ra sao.

Phần III:  Cách Cư Xử của Người Cơ-Ðốc

Trong phần này, Lewis nói về đạo đức Cơ Đốc và giải thích một số lựa chọn của Cơ Đốc nhân trong cuộc sống. Lewis chỉ ra rằng đạo đức liên hệ đến ba điều: (1) sự công bằng và hòa hợp giữa con người với nhau; (2) sự thánh sạch trong mỗi cá nhân; và (3) mục đích của đời sống, tức mối liên hệ giữa con người với Đấng tạo dựng con người. Khi nói đến đạo đức, chúng ta phải nghĩ đến cả ba phương diện, nhưng người ta thường chỉ nghĩ đến điều đầu tiên mà bỏ qua hai điều sau. Ông lập luận rằng nếu không có con người tốt không thể có một xã hội tốt, vì vậy, điều quan trọng là đạo đức bên trong mỗi cá nhân con người. Và con người chỉ có thể sống đạo đức khi biết mục đích của đời sống, tức biết con người được tạo ra để làm gì (III, 1).

Trong phần này, Lewis nêu ra bảy đức tính trong cách cư xử của Cơ Đốc nhân, gồm bốn đức tính “căn bản” và ba đức tính “thần học.” Các đức tính “căn bản” là những đức tính mà dân tộc văn minh nào cũng biết, đó là thận trọng, điều độ, công bằng, và can đảm. Các đức tính “thần học” là những đức tính mà chỉ có người Cơ Đốc mới biết, đó là bác ái, hy vọng, và đức tin.

Trong phần các đức tính “căn bản,” Lewis cũng bàn về đạo đức tính dục và hôn nhân, sự tha thứ, tính kiêu ngạo. Hôn nhân Cơ Đốc là ý tưởng từ Đức Chúa Trời cho một người nam và người vợ nên “một xương một thịt” suốt đời. Về sự tha thứ, chúng ta phải tha thứ kẻ thù, kể cả trong chiến tranh. Ông cho rằng chúng ta có thể trừng phạt nếu cần, nhưng không được thù ghét hay ưa thích sự trừng phạt. Nói cách khác, cảm giác căm phẫn và ý muốn trả thù cần phải bị hủy diệt đi. Trong đạo đức Cơ Đốc, Lewis cho rằng kiêu ngạo là “tội lỗi lớn,” ngược lại với khiêm nhường. Chính vì kiêu ngạo mà thiên sứ trở thành ma qủy. Tính kiêu ngạo dẫn đến mọi tính xấu khác, đó là tâm trí hoàn toàn chống lại Thượng Ðế (III, 8).

Kết thúc Phần III, Lewis nói về ba đức tính “thần học,” đó là Bác ái (yêu thương), Hy vọng, và Đức tin.  Yêu thương là trạng thái của ý chí chứ không phải của tình cảm. Chúng ta có trạng thái này một cách tự nhiên đối với chính mình, nhưng phải học để có thể yêu thương người khác.  

Về đức tính hy vọng, Lewis cho rằng chúng ta hướng về cõi đời đời không phải là mơ mộng hão huyền hay để trốn tránh trần gian.  Hy vọng không có nghĩa là chúng ta không quan tâm đến thế giới hiện tại. Lewis ghi nhận rằng, “Ðọc lịch sử bạn sẽ thấy những Cơ Đốc nhân hoạt động nhiều nhất ở thế giới này là những người nghĩ nhiều nhất đến thế giới về sau” (III, 10).  Ngoài ra, về đức tính hi vọng, ông viết, “Tôi phải làm sống động ở trong tôi niềm khao khát cho quê hương thật của tôi, mà tôi sẽ không thấy cho đến khi tôi qua đời; tôi không bao giờ nên để niềm khao khát này bị chôn vùi hay bỏ qua một bên; mục tiêu chính yếu của đời sống tôi là hướng về quê hương đó, và giúp đỡ để những người khác cũng làm như vậy” (III, 10).

Về đức tin, người Cơ Đốc dùng chữ đức tin với hai ý nghĩa khác nhau. Theo nghĩa thứ nhất, đức tin là niềm tin chấp nhận giáo lý Cơ Đốc là đúng, điều này khá giản dị.  Theo nghĩa thứ hai, đức tin là sự phó thác. Ðức tin theo nghĩa này là sự thay đổi từ sự tự tin ở sức mình đến chỗ thấy mình bất lực và phó thác cho Chúa.  Nhưng phó thác cho Chúa không có nghĩa là ngưng cố gắng làm tất cả những gì Ngài dạy chúng ta làm. Nếu bạn thật sự đã phó thác chính bạn cho Ngài thì bạn sẽ thật sự cố gắng vâng phục Ngài, nhưng là cố gắng theo cách mới. Không phải bạn làm những điều này để được cứu rỗi, nhưng vì Ngài đã bắt đầu cứu rỗi bạn rồi. Không phải để hy vọng được lên thiên đàng, nhưng bạn muốn hành động như vậy vì một phần thiên đàng đã ở trong bạn, dù còn mờ ảo (III, 12).

Phần IV - Vượt Qua Nhân Cách Tính: Các Bước Ðầu của Giáo Lý Ba Ngôi  

Phần này đề cập đến những suy tư thần học của Lewis, đặc biệt về giáo lý Ba Ngôi. Mặc dầu nhiều tín hữu chỉ muốn nói về một tôn giáo giản dị và thực dụng hơn là nói về thần học, nhưng Lewis cho rằng ai suy tư về Thượng Ðế cũng đều muốn biết về Ngài rõ ràng và chính xác hơn. Ông ví thần học như một tấm bản đồ hướng tới sự hiểu biết sâu sắc hơn về Cơ Đốc giáo.

Theo Lewis, Thượng Ðế là Đấng có thân vị (personal God) nhưng không dừng tại đó. Vượt qua nhân cách tính (personality), Thượng Ðế trong bản chất là Thượng Đế Ba Ngôi. Ngôi Nhất là Ðức Chúa Cha và Ngôi Hai là Ðức Chúa Con. Nhưng đáng tiếc là chữ “Cha” làm chúng ta có ý niệm Ngài hiện hữu trước, giống như một người cha trên đất có trước con mình. Nhưng ở đây không có vấn đề trước hay sau. Ðức Chúa Con hiện hữu vì Ðức Chúa Cha hiện hữu, giống như ánh sáng từ ngọn đèn, sức nóng từ lửa. Nhưng hình ảnh ánh sáng và lửa lại cho chúng ta có cảm tưởng như Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con là hai vật thể khác nhau. Theo Lewis, Tân Ước dùng hình ảnh Cha Con để mô tả hai Ngôi có cùng bản thể và có mối liên hệ yêu thương. Lewis lập luận rằng câu “Chúa là tình yêu” không có ý nghĩa gì trừ khi Thượng Đế là ít nhất hai Ngôi. Tình yêu giữa Ðức Chúa Cha và Ðức Chúa Con hoạt động trong con người.  Theo Lewis, Ðức Thánh Linh là sự nối kết giữa Chúa Cha và Chúa Con. Tâm trí chúng ta thường nhận biết Chúa Thánh Linh mơ hồ hơn Chúa Cha và Chúa Con, nhưng Thánh Linh là Đấng hành động trong chúng ta và qua chúng ta.  Ông hình dung Thượng Đế Ba Ngôi như một không gian ba chiều, tạo nên hình khối có sáu mặt nhưng chỉ là một khối (IV, 2). Tuy nhiên, Lewis thừa nhận rất khó để hiểu được khái niệm Thượng Đế Ba Ngôi.

Cuối cùng, Lewis giải thích ý nghĩa việc trở thành một Cơ Đốc nhân.  Trong mối quan hệ với Chúa, những Cơ Đốc nhân trở thành những “Christ nhỏ” chia sẻ sự sống của Ngài. Cơ Đốc nhân không phải được cải thiện nhưng được biến đổi để trở thành con người mới giống như Đấng Christ, từ tạo vật của Thượng Ðế  trở thành con Thượng Ðế.  Lewis kết thúc cuốn sách bằng lời kêu gọi: “Hãy tìm Ðấng Christ, bạn sẽ tìm được Ngài, và với Ngài, bạn có tất cả.”

 

* * * * *

Với cách tiếp cận thính giả, độc giả dựa trên tính hợp lý, C. S. Lewis trình bày cho người ngoại đạo lý do tại sao Cơ Đốc giáo tốt hơn bất kỳ đức tin nào khác, đồng thời ông cũng muốn độc giả hiểu được ý nghĩa của việc trở thành một Cơ Đốc nhân. Với tinh thần cởi mở, C. S. Lewis cố gắng giải thích Cơ Đốc giáo bằng lời lẽ nhẹ nhàng nhưng rất sâu sắc. Lewis không cho mình có tất cả các câu trả lời, và ông thừa nhận đôi khi ông cũng đã phải vật lộn với một số khía cạnh của việc trở thành một Cơ Đốc nhân.

Điều thú vị khi đọc quyển sách này là mặc dầu C. S. Lewis dùng nhiều lý luận, nhưng ông cũng thường xuyên dùng những hình ảnh ví von để minh hoạ những khái niệm trừu tượng, hoặc những ẩn dụ để giải thích những chân lý sâu sắc. Ông đã đơn giản hóa những ý tưởng thần học và triết học khó hiểu trở thành dễ hiểu, giúp người đọc tiếp thu được những điều ông muốn nói.

Vì cách tiếp cận dựa trên logic và tính hợp lý nên việc trình bày những chân lý về Thượng Đế và Cơ Đốc giáo chắc hẳn bị hạn chế. Cơ Đốc giáo không chống lại lý trí và logic, nhưng tư duy của con người có giới hạn và không phải là cơ sở cuối cùng của đức tin. Vì thế chúng ta cần đến mặc khải đặc biệt của Đức Chúa Trời qua Kinh Thánh. Trong sách này, Lewis không dùng nhiều Kinh Thánh, có lẽ vì ông đang cố gắng tiếp cận với những người chưa tin Kinh Thánh, hoặc ông muốn trình bày chân lý như một tín hữu chứ không phải một nhà thần học Thánh Kinh, vì ông thường xem mình không phải là nhà thần học.  

 Đốc Giáo, Niềm Tin Biện Giải” là quyển sách đáng đọc và cần đọc. Nếu bạn chưa phải là Cơ Đốc nhân, cuốn sách sẽ thúc đẩy bạn tìm hiểu sâu xa hơn cốt lõi của niềm tin Cơ Đốc, thay vì gạt bỏ Cơ Đốc giáo quá sớm. Với luận chứng đạo đức học, Lewis sẽ thuyết phục bạn về sự thực hữu của Thượng Đế như là khởi điểm để bạn bắt đầu tìm hiểu những vấn đề tâm linh.

Đối với Cơ Đốc nhân, quyển sách giúp bạn nhận ra tính hợp lý của niềm tin Cơ Đốc và hiểu rõ hơn lý do vì sao bạn tin. Quyển sách cũng giúp bạn hiểu được thế nào là trở thành một Cơ Đốc nhân. Lewis sẽ giải thích cho bạn tại sao trở thành một Cơ Đốc nhân quan trọng nhất là trở nên một “Christ nhỏ” – và thế nào điều này sẽ giúp bạn “trở nên trọn vẹn giống như Cha trên trời là trọn vẹn” (Mat 5:48).

Nếu bạn là tín hữu muốn giúp những người bạn chưa tin tìm hiểu về Cơ Đốc giáo, thì đây cũng là quyển sách thích hợp để bạn sử dụng, bằng cách cả hai cùng đọc và thảo luận với nhau.  Quyển sách này cũng có thể dùng để thảo luận trong các nhóm. Bạn có thể thảo luận theo từng chương, đối chiếu với Kinh Thánh để việc học hỏi được hữu hiệu hơn.

“Cơ Đốc Giáo, Niềm Tin Biện Giải” là quyển sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng, được hàng triệu người đọc và tán thưởng. Tuy nhiên đây không phải quyển sách dễ đọc, so với các tác phẩm của cùng tác giả như bộ truyện thiếu nhi “Biên Niên Sử Narnia” (The Chronicles of Narnia) hay “Những Bức Thư Quỷ” (The Screwtape Letters).  Nhưng nếu bạn đọc chậm rãi, vận dụng tư duy, nắm bắt được ý tưởng và lập luận của tác giả, chắc chắn bạn sẽ thấy thích thú với tác phẩm giá trị và đáng đọc này.

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2024 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 360,816 | Online: 1