Con hủi

THUVIENCODOC.ORG - Khi nhắc đến những tác phẩm văn học kinh điển về tình yêu được chuyển thể thành phim điện ảnh hoặc truyền hình, những người say mê thể loại chuyển thể đặc biệt này sẽ nghĩ ngay đến: Kiêu hãnh và định kiến, Romeo và Juliet, Cuốn theo chiều gió, Đồi gió hú, … và có lẽ là cả “Con hủi” nữa.

“Con hủi” một tựa đề tác phẩm không mấy văn vẻ nhưng lại khơi gợi lên quá rõ ràng cho người đọc qua nhan đề này những hình ảnh mang nghĩa đen về một con người có thể mang chứng bệnh từng là nỗi ám ảnh của mấy trăm năm lịch sự loài người: bệnh phong hay tên gọi khác là bệnh cùi. Tuy nhiên, ngoài những hình ảnh đớn đau của “con hủi” có thể nhìn thấy ngoài thể xác, thì đôi khi, chứng bệnh đó, tên gọi gớm ghiếc đó lại dành cho cả tâm hồn bên trong của con người hoặc của người bị người khác cay nghiệt áp dụng cho. “Con hủi” – tác phẩm ra đời vào đầu thế kỷ XX, là tác phẩm tiêu biểu và đặc sắc nhất của nữ văn sĩ người Ba Lan Helena Mniszek (1878-1943) đã lột tả một cách chân thực hình ảnh bên trong đó. 

Khi xuất bản vào năm 1909, trái với những bình luận tiêu cực và có phần thờ ơ của giới phê bình lúc đó, cuốn tiểu thuyết “Con hủi” ngược lại đã tạo ấn tượng mạnh với xã hội Ba Lan thời bấy giờ và là tác phẩm được xuất bản nhiều nhất giữa hai cuộc chiến tranh thế giới trên bình diện quốc tế. Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng và 17 năm sau ngày xuất bản đầu tiên, “Con hủi” được chuyển thể thành phim điện ảnh, tiếp tục được dựng thành hai phim điện ảnh và một bộ phim truyền hình vào cuối thế kỷ XX. Bấy nhiêu cũng đủ nói lên tầm ảnh hưởng và giá trị của tác phẩm.

Với “Con hủi”, tác giả đã dệt tình yêu đôi lứa thành những áng văn đặc sắc, tuyệt đẹp nhưng cũng nhuộm màu bi thảm, đau đớn giữa một bên là đại công tử quyền quý nhất Ba Lan – ngài Waldemar Michorowski, và một bên là nàng Stefcia Rudecka – chỉ là con gái của một điền chủ nhỏ, cho dù nàng tài sắc vẹn toàn. 

Đây sẽ là một câu chuyện tình thơ mộng, đắm say và hạnh phúc nếu như chuyện tình ấy không vấp phải sự phản đối của những con người tự coi mình thuộc tầng lớp trên của xã hội, tầng lớp quý tộc, tầng lớp ‘thượng lưu’. Chính những định kiến, sự xấu xí trong tâm hồn và cái gọi là ‘đẳng cấp quý tộc’ đó đã khiến chuyện tình của hai nhân vật chính kết thúc trong bi đát đến nao lòng… Câu chuyện tuy buồn nhưng vô cùng thực tế giữa bối cảnh hệ tư tưởng giai cấp đã in sâu vào tận xương tủy của rất đông những người đã lớn lên trong xã hội thời bấy giờ.

Nữ văn sĩ Helena Mniszek đã dựng nên những khung cảnh tuyệt đẹp của thiên nhiên hài hòa cùng những nhân vật mang sức sống nội tâm quá đỗi sâu sắc. Ngòi bút khéo léo của tác giả khiến người đọc như mường tượng ra rõ ràng những khung cảnh mà tại đó mọi thứ đều thật thơ, thật mộng… Rồi, cũng chính ngòi bút đó, tác giả lại âm thầm đụng đến tận cùng nỗi đau, chạm đến tận cùng nỗi thất vọng đã ít lần ẩn hiện với người đọc trong suốt tác phẩm, để đến nỗi chúng ta sẽ bật khóc, tiếc thương khi chứng kiến nàng Stefcia gục ngã, ra đi mãi mãi vào cái ngày đáng lẽ phải là ngày hạnh phúc nhất của đời người – ngày nàng được kết hôn với chàng quý tộc cao quý đã hết lòng thương yêu mình bất chấp những định kiến cổ hũ bấy giờ!

Với chàng quý tộc, chính ngày cưới, ngày tưởng chừng là ngày kết thúc những chuỗi ngày can đảm chống lại định kiến xã hội, lại là ngày chàng chứng kiến ‘Stefcia... kho báu của anh, em duy nhất của anh”  ra đi mãi mãi trong vòng tay mình, trước những người thật lòng yêu quý và chúc phúc cho tình yêu bất diệt của mình. Trong tác phẩm, đôi lần nàng Stefcia chùn bước trước những thử thách nhưng chính sự kiên định và mạnh mẽ của chàng tiếp thêm sức lực cho nàng, như lời chàng quý tộc thượng lưu đã cầu xin rằng, “… xin em chớ nghĩ rằng niềm hạnh phúc chúng ta sẽ gặp phải một chướng ngại vật nào đó do giới của anh dựng nên. Thế giới của anh cũng là thế giới của em: Không có sự khác biệt đẳng cấp ở nơi tình yêu hiện diện” . 

Tính cách mạnh mẽ ấy thể hiện sáng chói nhất khi một mình chàng phải chống lại với thân bằng quyến thuộc trong buổi họp gia đình về chuyện hỏi cưới nàng “May mà tôi không phải là thằng nhát, tôi hiểu rõ quyền của bản thân và không cho phép ai tước đoạt những quyền ấy, tôi cũng không tự nguyện từ bỏ tước hiệu đại công tử, cương vị và chức vị của mình, dẫu là để tỏ lòng ngưỡng mộ người phụ nữ yêu dấu này” .

Sự mạnh mẽ của chàng quý tộc trẻ Waldemar – qua ngòi bút miêu tả nội tâm phong phú của nữ nhà văn, đã khiến bà ngoại của chàng, người luôn đề cao môn đăng hộ đối, người coi trọng đẳng cấp, truyền thống, người phụ nữ quyền quý cứng rắn bậc nhất cũng phải mềm lòng trước tấm chân tình và thái độ khiêm nhường của cháu mình. Tất cả chính là nhờ tình yêu chân thành, thuần khiết mà chàng đã dành cho Stefcia.

Tuy nhiên, Stefcia là một cô gái xinh đẹp, tài sắc vẹn toàn và chẳng mắc phải chứng bệnh nào cả. Từ ‘con hủi’ cũng chỉ xuất hiện vào giữa sau của truyện, càng lúc càng xuất hiện nhiều hơn với những âm mưu của giới quý tộc và “con hủi” vẫn hiện hiện trong những cơn mê sảng vào cuối đời của… nàng Stefcia. Stefcia không vướng phải bệnh. Chẳng có ai mắc căn bệnh này, giới quý tộc cũng thế… nhưng, tác giả có lý do khi đã miêu tả hình ảnh “con hủi” một cách chân thực trong tác phẩm của mình!

 “Con hủi” đề cao ý chí và niềm tin vào cuộc sống, nơi những con người dù có khác biệt về giai cấp, địa vị, xuất thân trong xã hội nhưng vẫn dành cho nhau một tình yêu trọn vẹn và cao thượng. Nàng Stefcia dù đã ra đi mãi mãi, nhưng với chàng quý tộc Waldemar và những người đã chứng kiến tình yêu của hai người, nàng vẫn “... sẽ sống mãi vĩnh hằng trong đẳng cấp ấy” . Đó là đẳng cấp nào!?

Bạn đọc có thể tìm đọc tác phẩm “Con hủi” tại Thư viện Cơ Đốc theo đường link (/Con-hui) và được mượn về nhà theo chính sách của Thư viện Cơ Đốc.

--------------------

1. Helena Mniszek ; Nguyễn Hữu Dũng dịch (2017), Con hủi, NXB. Văn học, tr. 564
2. Helena Mniszek ; Nguyễn Hữu Dũng dịch (2017), Con hủi, NXB. Văn học, tr. 367
3. Helena Mniszek ; Nguyễn Hữu Dũng dịch (2017), Con hủi, NXB. Văn học, tr. 474
4. Helena Mniszek ; Nguyễn Hữu Dũng dịch (2017), Con hủi, NXB. Văn học, tr. 610

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2024 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 338,106 | Online: 2