Sách “Đạo Tin Lành Trên Thế Giới và Ở Việt Nam”
Tác giả: Nguyễn Thanh Xuân
Nhà xuất bản: NXB Tôn Giáo
Năm xuất bản: 2019
Số trang: 542tr
Người điểm sách: Nguyễn Phúc Duy Tân
Sách có lịch sử khởi nguồn từ năm 1992 như sau:
- Năm 1992, tác phẩm “Một Số Tôn Giáo Ở Việt Nam” chủ yếu sơ lược về các tôn giáo chính tại Việt Nam ra đời.
- Sau quá trình gần 10 năm biên khảo mở rộng cuốn “Một Số Tôn Giáo Ở Việt Nam” nói trên, tác phẩm “Bước Đầu Tìm Hiểu Đạo Tin Lành trên Thế Giới và Ở Việt Nam” được ra đời vào năm 2001, nhưng chỉ lưu hành nội bộ trong hệ thống cán bộ làm công tác tôn giáo.
- Đến năm 2019, tác phẩm “Đạo Tin Lành Trên Thế Giới và Ở Việt Nam” được chính thức xuất bản. Tác giả Nguyễn Thanh Xuân xem đây là tác phẩm hoàn thiện nhất của mình về đề tài nghiên cứu đạo Tin Lành tại Việt Nam.
Một điểm cần lưu ý là vào năm 2008, một tác phẩm nổi tiếng khác về đạo Tin Lành, nguyên bản tiếng Đức, "The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism" của tác giả Max Weber, xuất bản 1920, đã được dịch sang tiếng Việt từ phiên bản tiếng Anh, và xuất bản tại Việt Nam dưới tựa đề "Nền Đạo Đức Tin Lành và Tinh Thần Chủ Nghĩa Tư Bản". Tác phẩm này có thể được xem là tác phẩm kinh điển khi nghiên cứu về tôn giáo Tin Lành trong mối liên hệ với nền kinh tế tư bản chủ nghĩa. Điều này cho thấy vấn đề nghiên cứu về Tin Lành tại Việt Nam ngày càng được quan tâm sâu sắc từ cộng đồng.
Thời điểm ra đời của tác phẩm “Đạo Tin Lành Trên Thế Giới và Ở Việt Nam” của tác giả Nguyễn Thanh Xuân trùng hợp với thời điểm đạo Tin Lành ở Việt Nam và trên thế giới kỷ niệm “500 Năm Ngày Cải chánh Giáo Hội – 1517 - 2017”. Do đó, xét về quá trình nghiên cứu chuyên sâu và lâu dài của một tác giả Việt Nam và thời điểm ra đời, tác phẩm “Đạo Tin Lành Trên Thế Giới và Ở Việt Nam” đã đáp ứng được nhu cầu về tìm hiểu đạo Tin Lành trong bối cảnh văn hóa, lịch sử riêng biệt của Việt Nam.
Sách dài gần 550 trang và bao gồm bốn chương. Trong đó, chương IV với tựa đề Đạo Tin Lành ở Việt Nam chiếm hơn 130 trang và là phần đặc biệt nhất, trình bày khái quát về quá trình hình thành, phát triển và lớn mạnh của đạo Tin Lành tại Việt Nam. Chương I đến chương III giúp người đọc có góc nhìn cụ thể về quá trình ra đời, phát triển, giáo lý, lễ nghi và những hệ phái Tin Lành trên thế giới. Thông qua nội dung ba chương đầu của tác phẩm, người đọc dù là nhà nghiên cứu trên quan điểm của một Cơ Đốc nhân hay người ngoại đạo, vẫn có thể tìm được những dẫn chứng khoa học đáng tin cậy để phục vụ cho nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của mình.
Trong Chương III, qua trình bày về nguồn gốc và quá trình phát triển của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (C&MA), tác giả cho người đọc biết được đây là tổ chức tôn giáo và xã hội có đặc điểm “nhấn mạnh việc Phúc âm hóa,… đề cao tính thiêng liêng và vị trí của Kinh Thánh… Nói tóm lại là đi theo hướng của giáo thuyết Calvin.” Tác giả cũng nhận định về phương diện quản lý, trước khi tổ chức “Hiệp Hội Thân Hữu Thế Giới” (Alliance World Fellowship – AWF) ra đời vào năm 1975, thì “giáo quyền của Hội Truyền Giáo C&MA vẫn rất mờ nhạt”. Nhận định trên rất tinh tế và phù hợp, vì khởi điểm của Hội C&MA là một tổ chức truyền giáo chứ không phải là một giáo phái. Những luận điểm này được đúc kết từ những nghiên cứu đã được trình bày cách rõ ràng trong tác phẩm.
Ngoài ra, tác giả còn trình bày những nội dung quan trọng khác như: sự khác nhau giữa Tin Lành và Công Giáo trên cơ sở nghiên cứu các sự kiện lịch sử trong nội bộ mỗi tôn giáo, quá trình Tin Lành đến châu Phi, trường hợp Hàn Quốc và đạo Tin Lành, tổ chức Thánh Kinh Hội tại Việt Nam, hay nhận xét “Đạo Tin Lành đang trở thành một thực thể tôn giáo lớn ở Việt Nam”… Đây là những luận điểm cụ thể được trình bày trong tác phẩm “Đạo Tin Lành Trên Thế Giới và Ở Việt Nam” dựa trên quá trình nghiên cứu lâu dài của tác giả, giúp người đọc có cái nhìn tổng quát và toàn cảnh về đạo Tin Lành tại Việt Nam cũng như trên thế giới.
Là một nhà nghiên cứu chuyên sâu về Tin Lành tại Việt Nam và có học hàm Phó giáo sư và học vị Tiến sĩ, tác giả Nguyễn Thanh Xuân đã trình bày tác phẩm của mình dựa trên một quan điểm, góc nhìn cụ thể để đưa ra những nhận xét, đánh giá rõ ràng nhất cho những hiện tượng, giả thuyết nghiên cứu về đạo Tin Lành của mình. Do đó, “Đạo Tin Lành Trên Thế Giới và Ở Việt Nam” là một tác phẩm nghiên cứu có giá trị và rất hữu dụng cho những nhà nghiên cứu tôn giáo về Tin Lành hoặc các sinh viên thần học muốn tìm hiểu chuyên sâu hơn về đức tin của mình từ góc nhìn ngoài xã hội.
Bạn đọc có thể tìm đọc tác phẩm “Đạo Tin Lành Trên Thế Giới và Ở Việt Nam” tại Thư Viện Cơ Đốc và được mượn về nhà theo chính sách của Thư Viện Cơ Đốc theo đường link này.
----------
[1] Tác giả Nguyễn Thanh Xuân đã tham khảo "The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism" trong nghiên cứu biên khảo mở rộng "Đạo Tin Lành Trên Thế Giới và Ở Việt Nam". Bạn đọc cũng có thể tìm đọc sách này tại Thư Viện Cơ Đốc.
[2] Nguyễn Thanh Xuân (2019), "Đạo Tin Lành Trên Thế Giới và Ở Việt Nam", NXB. Tôn giáo, tr. 318
[3] Nguyễn Thanh Xuân (2019), tlđd (1), tr. 321
[4] Nguyễn Thanh Xuân (2019), tlđd (1), tr. 149
[5] Nguyễn Thanh Xuân (2019), tlđd (1), tr. 124
[6] Nguyễn Thanh Xuân (2019), tlđd (1), tr. 130
[7] Nguyễn Thanh Xuân (2019), tlđd (1), tr. 479
[8] Nguyễn Thanh Xuân (2019), tlđd (1), tr. 506