Giới thiệu sách: Túp lều Bác Tom


 

Sẽ rất khó để tìm thấy một thư viện nào đó không có tác phẩm “Túp lều Bác Tom” của nhà văn người Mỹ Harriet Beecher Stowe trong bộ sưu tập tài liệu của mình. Vì đây là một tác phẩm văn học kinh điển và dù đã xuất bản từ năm 1852 nhưng đến hôm nay vẫn còn nguyên ý nghĩa với cuộc sống, xã hội. Ngoài những giá trị nhân văn bất hủ về phẩm giá và quyền con người được thể hiện trong tác phẩm, “Túp lều Bác Tom” còn được ca ngợi là “Kinh Thánh của người nghèo” vì lòng kính Chúa của nhân vật chính – Bác Tom.

Ra đời vào giữa thế kỷ XIX tại nước Mỹ, vào thời kỳ luật pháp của quốc gia này vẫn bảo vệ chế độ chiếm hữu nô lệ và đặc biệt tại miền Nam nước Mỹ, tình trạng bất công này còn được thi hành một cách cay nghiệt hơn. Sự bất công về quyền con người tại nước Mỹ lại khác biệt hoàn toàn với xã hội công bằng, dân chủ của Canada – quốc gia giáp với nước Mỹ ở phía Bắc. Chính sự khác biệt này đã phần nào làm cháy lên ngọn lửa khát khao tự do của những người Da Màu đang gánh chịu sự bất công và những người Mỹ Da Trắng có lương tri, nhận thức về một sự bình đẳng cần phải có cho những người đồng loại khốn khổ của mình.

Trong bối cảnh xã hội nước Mỹ đầy bất công đó, nhà văn Harriet Beecher Stowe đã viết nên tác phẩm “Túp lều Bác Tom” để thông qua những nhân vật của mình, lên án chế độ chiếm hữu nô lệ của nước Mỹ, sự cay nghiệt của các bang miền Nam nước Mỹ với người Da Màu và góp phần như tạo nên một bản tuyên ngôn của những người Mỹ Da Trắng ở miền Bắc ủng hộ việc xóa bỏ chế độ chiếm hữu nô lệ bất bình đẳng.

Kết thúc tác phẩm, nhân vật chính – Bác Tom, do bảo vệ nhân phẩm của mình, đã bị đánh chết trong một đồn điền trồng bông khủng khiếp ở miền Nam nước Mỹ, như bao cuộc đời của những người Da Màu lầm than khác. Nhưng, chính trong cái chết để bảo vệ nhân phẩm của mình đó, bằng một lòng kính sợ Chúa trên hết, Bác Tom đã đưa ra bản tuyên ngôn của riêng mình, rằng dù xã hội và pháp luật có thể bất công nhưng phẩm giá của một con người được Chúa dựng nên thì không thế lực nào có thể chà đạp lên được.

Với cái chết của Bác Tom, tác giả đã phản ánh trung thực một cách chua xót về số phận của những người Da Màu đã trải qua hằng thế kỷ trước đây, nhưng với ánh mắt và sự cương nghị, cùng lòng quyết tâm và tình yêu thương vợ con vô bờ bến, nhân vật chàng thanh niên Gioócgiơ lại là hình ảnh tiêu biểu cho niềm tin của tác giả và những người Mỹ vào một xã hội vẫn có lương tri của sự bình đẳng, của sự tự do không phân biệt màu da và sự khao khát về một ngày không còn chế độ nô lệ hiện diện trên nước Mỹ…

Cùng với hình ảnh chàng thanh niên Da Màu Gioócgiơ đầy cương nghị, tác giả còn khéo léo xây dựng nên hình ảnh cô bé Eva mang màu da của những người Mỹ thống trị với trái tim tinh khôi đầy tình yêu thương của Đấng Tạo Hóa. Khi Bác Tom bị bán và phải rời xa vợ con cùng người chủ đáng thương của mình ở miền Bắc nước Mỹ là ông Senbi, thì sau những tháng ngày bị đánh đập tàn nhẫn trong các đồn điền miền Nam, bác Tom như được sống những tháng ngày bình an, bình đẳng trong ngôi nhà của chủ mới là ông Ôguýtxtanh cùng cô bé Eva. Những lời cầu nguyện của bác Tom sau khi thấy ông Ôguýtxtanh không đến nhà thờ vào ngày Chúa Nhật đã hiệu nghiệm khi ông chủ của bác đã phải hứa: “Tôi lấy danh dự hứa từ nay không chơi bời bừa bãi nữa.” . Người nô lệ Da Màu đã cầu nguyện cho chủ của mình và người chủ đã biết ơn về điều đó, đã lấy danh dự của một người thống trị để cảm ơn người bị trị!

Ôguýtxtanh cùng cô bé Eva là những người Mỹ tốt bụng và đáng kính trọng với những người nô lệ như Bác Tom, nhưng khi Ôguýtxtanh chua chát nói với chị mình là Mari rằng: “Thế nhưng, tôi không thể mua bất cứ người khốn khổ nào tôi gặp ở đường. ” thì dường như tác giả lại một lần nữa cho người đọc nhìn thấy một xã hội bất bình đẳng đến trần trụi, khi pháp luật lại bảo hộ cho sự bất bình đẳng đó để chà đạp nên những người sinh ra với Màu Da được Chúa ban tặng, thì không còn cách nào khác để xóa bỏ sự bất bình đẳng đó ngoài việc mà vị tổng thống tương lai Abraham Lincoln sẽ làm vào tháng 4 năm 1861…

Tại chương thứ 37 của tác phẩm, tác giả đặt tên chương là “Tự do” để viết về những tháng ngày cuối cùng của Bác Tom sau những trận đòn đau đớn của người chủ mới (gã chủ Lơgri) và những tháng ngày bình minh đầu tiên trong tự do của chàng thanh niên Da Màu Gioócgiơ cùng vợ mình – Êliđa, với lời xác tín vào Chúa rằng: “Nếu Chúa không định cứu chúng mình thì sao Chúa để cho mình đến được tận đây? ”. Và bằng niềm tin không lay chuyển đó, Gioócgiơ đã giữ lời hứa của mình ở đầu tác phẩm, khi đã tìm được Bác Tom – dù bác đang hấp hối trên giường bệnh, để chuộc lấy cuộc đời bác khỏi gã chủ ghê tởm. Trong vòng tay của Gioócgiơ, bác Tom đã “chắp hai bàn tay đầy chai cứng và những dòng nước mắt chảy trên má”  để cảm ơn Gioócgiơ vì đã giữ lời hứa với bác, để “yên lòng nhắm mắt” vì “Người ta không quên tôi”…

Với tác phẩm của mình, tác giả đã góp một phần vào việc tố cáo chế độ chiếm hữu nô lệ đầy bất công tại nước Mỹ vào thế kỷ XIX và cổ vũ, khích lệ những người Da Màu cùng những người Mỹ có lương tri đấu tranh xóa bỏ chế độ bất bình đẳng đó vào năm 1861. Những nhân vật như Gioócgiơ, bác Tom là hiện thân cho những giá trị tốt đẹp mà bất kỳ xã hội nào cũng luôn hướng tới, cũng như thời đại hôm nay vẫn luôn hướng đến giá trị tốt đẹp đó: quyền bình đẳng giữa người và người không phân biệt màu da.

Bạn đọc có thể tìm đọc tác phẩm “Túp lều Bác Tom” tại Thư viện Cơ Đốc theo đường link (/Tup-leu-bac-Tom) và được mượn về nhà theo chính sách của Thư viện Cơ Đốc.

-----------------------------------
  Harriet Beecher Stowe ; Đỗ Đức Hiểu dịch (2015), Túp lều bác Tom, NXB. Văn học, tr. 215 
  Harriet Beecher Stowe ; Đỗ Đức Hiểu dịch (2015), tlđs (1), tr. 233
  Harriet Beecher Stowe ; Đỗ Đức Hiểu dịch (2015), tlđs (1), tr. 370
  Harriet Beecher Stowe ; Đỗ Đức Hiểu dịch (2015), tlđs (1), tr. 396

 

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2024 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 336,256 | Online: 0