Bởi chính hành trình tâm linh của mình: Lewis đã đi qua con đường vô thần kể từ năm 15 tuổi. Ông tranh chiến với khái niệm về Thượng Đế. Sau này ông chia sẻ về sự giận dữ nghịch lý của mình: “Tôi tức giận vì Thượng Đế không hiện hữu, đồng thời cũng tức giận vì Thượng Đế đã tạo ra thế giới loài người.”[1] Nhưng ông đã được vực dậy từ những suy tư khắc khoải, nghi hoặc triền miên, người bạn thâm giao J.R.R. Tolkien[2] và Hugo Dyson đã giúp đưa ông trở về với niềm tin Cơ Đốc.[3]
Một khi trở lại với niềm tin, ông trở thành một nhân chứng sống động nhất về lý do đầu phục Thượng Đế. Giống như Phao-lô trải qua giai đoạn bắt bớ đạo Chúa, đến khi được Ngài bắt phục thì trở nên vị sứ đồ lừng danh.
Lewis có sức thu hút với tư cách tác giả và diễn giả thần học. Là một giáo sư văn chương tại Oxford và Cambridge, hai đại học nổi tiếng tại Anh, ông đã vận dụng văn tài uyên bác nhưng dễ hiểu khi nói, viết về thần học. Văn tài, óc logic cùng với kinh nghiệm vô thần giúp Lewis trở thành diễn giả và tác giả biện giáo lý tưởng.
Tác phẩm Cơ Đốc Giáo-Niềm Tin Biện Giải (Mere Christianity) là tập hợp những bài nói chuyện của ông cho thính giả đài BBC trong giai đoạn khốc liệt của Thế Chiến II, được phát thanh buổi tối đôi khi giữa lúc nước Anh đang hồi hộp không biết khi nào thì bị bỏ bom. Tâm thế người dân Anh lúc đó chuẩn bị cho sự sống – chết cách nhau chỉ gang tấc. Trong bối cảnh này, loạt bài phát thanh của Lewis trở thành nguồn tiếp trợ tâm linh và được đón nhận nồng nhiệt. Chúa quả đã dùng ông cách đặc biệt.
Mere Christianity biện giải cho niềm tin cốt lõi của Cơ Đốc giáo nói chung, trở thành cuốn sách bán chạy nhất của Lewis, chỉ đứng sau tác phẩm thiếu nhi Biên Niên Sử Narnia (The Chronology of Narnia), và đã được dịch ra hơn ba mươi thứ tiếng. Cuốn sách này cũng như những cuốn sách về sau của ông như Thư Quỷ (The Screwtape Letters) là sự tuôn trào từ một bộ óc lỗi lạc, kết hợp hài hòa trí tưởng tượng[4] và logic, và vẫn còn tiếp tục lôi cuốn độc giả thời nay.
Một số học giả đặt vấn đề về việc Lewis không trưng dẫn Kinh Thánh trong biện giáo. Nhưng nhiều học giả khác cho rằng đây chính là phương pháp tiếp cận những người chưa tin của ông. Ông hiểu được một người vô thần suy nghĩ gì, dẫn họ qua hành trình ông trải qua, chạm đến họ ở những nơi rối rắm nhất và gỡ mối cho họ từ đó.
Lewis được xem là tác giả thần học vĩ đại và được trích dẫn nhiều nhất của thế kỷ hai mươi. Ông thật đã chiếu rọi ảnh tượng của Chúa qua nhân tánh của mình: bác ái và học thức, lương tâm và lòng can đảm, nghệ thuật và trí tưởng tượng.
Xin trân trọng giới thiệu Mere Christianity hay Cơ Đốc Giáo – Niềm Tin Biện Giải.
------------------------------------
[1] Suy nghiệm từ thiên nhiên thì biết có Đấng sáng tạo, tuy nhiên do chưa kinh nghiệm Chúa cho cá nhân nên không nghe được tiếng Chúa, không cảm nhận Chúa hiện hữu và hành động.
[2] Tác giả bộ truyện Lord of the Ring.
[3] C.S. Lewis trở thành tín hữu Anh giáo, trong khi J.R.R Tolkien là tín hữu Công giáo.
[4] Trí tưởng tượng phong phú là phẩm chất đặc biệt giúp văn sĩ có thể hình dung sự việc và tình huống trong tác phẩm.