MA-RI: NIỀM VUI VÀ NỖI BUỒN

MA-RI: NIỀM VUI VÀ NỖI BUỒN 1
By Tish Harrison Warren

LỜI BAN BIÊN TẬP

Kính thưa Quý Độc Giả:

Chúng ta đang trong giai đoạn chuẩn bị kỷ niệm Chúa Cứu Thế giáng sinh cách đây 2024 năm, giai đoạn còn gọi là Mùa Vọng.2  

Chúng ta không chỉ trông vọng, chuẩn bị kỷ niệm sự nhập thế của Chúa trong Giáng Sinh đầu tiên, mà chúng ta cũng đang chuẩn bị tâm linh cho sự trở lại lần thứ hai của Ngài vào ngày sau rốt. Đây cũng là dịp để chúng suy gẫm về sự xuất hiện của Chúa trong thời điểm hiện tại – ở trong lòng chúng ta; bởi vì chúng ta kỷ niệm Thiên Chúa giáng sinh lần đầu để làm gì nếu hiện tại Chúa Giáng Sinh không ở trong lòng mình?

Như vậy, đây là thời gian để suy gẫm và có ý nghĩa đặc biệt cho từng con cái Chúa. Hãy đẩy lùi những nô nức, trang hoàng, vui thú bên ngoài và tập trung vào sự huyền nhiệm Chúa Giáng Sinh, để từ đó có thể kinh nghiệm sự hân hoan và bình an diệu kỳ đến từ sự kiện đã chia đôi dòng lịch sử nhân loại này.

Trong dòng suy gẫm trên, và như một sự chuẩn bị tâm linh cho thời khắc thiêng liêng này, chúng ta hãy cùng suy gẫm khởi nguồn câu chuyện Giáng Sinh, khi thiên sứ loan báo Tin Mừng cho Ma-ri. 

Chúng ta gặp Ma-ri lần đầu khi nàng là chỉ một thiếu nữ tại thôn làng bé nhỏ Na-xa-rét, một trinh nữ đã được hứa hôn. Và rồi một thiên sứ thình lình hiện ra với nàng, từ đó cuộc sống nàng hoàn toàn đảo lộn. Thiên sứ phán: “Này, ngươi sẽ chịu thai và sinh một con trai mà đặt tên là Giê-xu. Con trai ấy sẽ nên tôn trọng, được xưng là Con của Đấng Rất Cao…” (Lu-ca 1:31-32)

Theo tôi thấy, Ma-ri giống như hình mẫu về niềm đau sáng lòa (bright sadness). Khái niệm này (trong Chính Thống Giáo Đông Phương) nói về sự bất khả phân ly giữa niềm vui và niềm đau, một trạng thái mà tại đó ta nếm trải cả nỗi đau và niềm vui cùng một lúc.

Niềm đau sáng lòa của Ma-ri: Lời thiên sứ phán “Hỡi người được ơn, mừng cho ngươi, Chúa ở cùng ngươi” đúng ra là một tin mừng. Nhưng ta thấy phản ứng của Ma-ri đối với lời thiên sứ là cảm xúc “bối rối” hoăc “lo lắng.” Thiên sứ bảo “mừng cho ngươi” nhưng Ma-ri lại “run rẩy lo sợ.” Tuy vậy, nàng vẫn thuận phục trả lời: “Xin sự ấy xảy ra cho tôi như lời người truyền!” 

Nhưng ngay sau đó Ma-ri lại bắt đầu cảm thấy vui mừng. Và chẳng bao lâu sau đó nữa, nàng bắt đầu trổi tiếng hát bài ca ngợi nổi tiếng, bài hát được bắt đầu với những lời: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. Tâm thần tôi mừng rỡ trong Đức Chúa Trời là Cứu Chúa tôi. Vì Ngài đã đoái đến sự hèn hạ của tôi tớ Ngài. Này, từ rày về sau, muôn đời sẽ khen tôi là kẻ có phước. Bởi Đấng Toàn Năng đã làm các việc lớn cho tôi. Danh Ngài là thánh.” (Lu-ca 26:47-49)

Nhưng hãy để ý, lúc đầu nàng đã rất bối rối và căng thẳng – sự căng thẳng mà mỗi chúng ta đều trải nghiệm khi nhận ra Chúa đang hành động, dù chưa biết rõ đường lối của Ngài nhưng ta có thể thấy trước mắt sẽ là sự đau khổ.

“Còn phần ngươi, có một thanh gươm sẽ đâm thấu qua lòng ngươi…” Lu-ca 2:35

Ta thấy được nỗi khổ của hoàn cảnh: sự nguy hiểm, xáo trộn và nghèo thiếu lúc Ma-ri hạ sinh con Trời. Mặc dù các mục đồng báo tin về các dấu hiệu bình an từ Trời nhưng chẳng bao lâu sau khi hạ sinh Chúa, tại lễ cắt bì của Ngài, nàng được Si-mê-ôn báo rằng có “một thanh gươm sẽ đâm thấu” qua linh hồn mình. Lúc đó, chắc Ma-ri cũng không tưởng tượng ra rằng lời tiên tri này có nghĩa là một ngày nào đó nàng sẽ phải chứng kiến con mình bị tra tấn và chết đau đớn trên thập tự giá giữa hai tên cướp.

Trong các câu chuyện Phúc Âm về cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-xu, chúng ta nhận thấy trong câu chuyện của Ma-ri, niềm vui và niềm đau quyện lẫn với nhau. Niềm vui của Ma-ri là ký ức đầy ắp về đứa con mình sinh ra, được hòa quyện cùng lúc với nỗi buồn phải chờ đợi giây phút linh hồn mình sẽ bị gươm đâm thấu. Câu chuyện của Ma-ri nói lên về sự yếu đuối sâu xa của một người mẹ khi nhận biết rằng tình thương bao la của mình cho con không thể bảo vệ con tránh khỏi được đau khổ trong đời (mà ở đây là cái chết đau đớn trên cây thập tự.)

Ma-ri đã được Chúa kêu gọi, và cuộc đời bà nhắc nhở tôi rằng hành trình theo Chúa của mỗi chúng ta không tránh khỏi niềm vui lẫn niềm đau. Tình yêu và sự mất mát là hai trạng thái đi đôi như một khối xoắn ốc khi chúng ta còn ở thế gian. 

Trong cuốn “Cầu Nguyện Giữa Đêm Khuya”3  tôi có viết: “Bạn không thể có niềm vui mà không có nỗi buồn. Sự kêu gọi của Chúa trên đời sống chúng ta bao gồm đau khổ lẫn hạnh phúc. Có lẽ chúng ta từng trải nghiệm thực tế này qua những biến cố quan trọng nhất trong cuộc sống: trong đời sống hôn nhân, đời sống độc thân, trong việc nuôi dạy con cái, trong công việc làm, trong sự phục vụ hội thánh,” và ngay cả trong tình bằng hữu thân cận nhất.

Thi sĩ kiêm nhạc sĩ Rich Mullins có nêu vấn đề: “Làm sao ta nhận biết Chúa đang kêu gọi mình? Vâng theo tiếng gọi của Chúa có nghĩa là chấp nhận những khoảng trống nào đó trong cuộc sống, và thay vì cố gắng khỏa lấp những khoảng trống đó, ta hãy để chúng trở thành cánh cửa mà qua đó chúng ta gặp được Chúa.”

Trong mùa Giáng Sinh, chắc chắn có nhiều khoảng trống cần được lấp đầy. Trong bài ca ngợi Chúa của mình, Ma-ri đã hát rằng “Ngài đã làm cho kẻ đói được đầy thức ngon, và đuổi kẻ giàu về tay không.” (Lu-ca 1:53)
Trong câu chuyện giáng sinh, ta thấy tử cung trinh nữ đã được làm đầy; đêm khuya thanh vắng bỗng chốc đầy dẫy muôn vàn thiên binh. Máng cỏ trống trải bỗng chốc chiếu lòa Ánh Sáng của Thế Giới. 

Khi chờ đợi kỷ niệm Chúa giáng sinh, chúng ta cần nhớ lại rằng chúng ta không thể chạy trốn những khoảng trống trong cuộc đời mình, nhưng cần chờ đợi để được lấp đầy đúng cách, đúng thời điểm. 

Khi cảm thấy cô đơn, mất mát hoặc trống trải trong cuộc sống (vốn được mọi người xem là tốt đẹp của mình) là tôi vội tìm cách khỏa lấp chúng. Tôi biến những thời khắc sống của mình thành những giờ bận rộn, lên mạng xã hội, lý luận, làm việc và mua sắm. Đây là những nỗ lực cạn cợt để tìm vui, hoặc là ít nhất là cách làm tê liệt cảm giác buồn.

Nhưng câu chuyện của bà Ma-ri cho ta thấy rằng khó có thể đạt được niềm vui bằng những nỗ lực nông cạn. Sự đau khổ trong thế gian khó có thể được giải quyết bằng cách lấy giấy trùm lên nó và phía trên đó trang hoàng những hình ảnh tươi đẹp. Sự trống trải trong thế giới và trong chính cuộc sống của chúng ta không thể được lấp đầy trong vội vã, bằng khả năng chi tiền, bằng những lần “likes” và những tin tức được tweet qua lại. 

Chúng ta chỉ có thể được đầy trọn với sự ra đời của Chúa Giê-xu, Đấng được gọi là Em-ma-nu-ên, nghĩa là Đức Chúa Trời ở cùng chúng ta; khi Ngài ở trong chúng ta thì chúng ta sẽ được lấp đầy. Chúng ta hãy cùng chờ đợi với Ma-ri: với sự ra đời của Em-ma-nu-ên thì những khao khát của chúng ta sẽ được thỏa mãn, những khoảng trống của chúng ta sẽ được lấp đầy.

----------

[1] Bài viết đã được tác giả cho phép trích dịch đoạn từ nguồn https://www.nytimes.com/2021/12/12/opinion/what-mary-can-teach-us-about-the-joy-and-pain-of-life.html?searchResultPosition=10. Tác giả là nữ Mục Sư Tish Harrison Warren thuộc giáo hội Episcopal tại Bắc Mỹ. Mọi chú thích là của Ban Biên Tập TVCĐ.
[2] Mùa Vọng, tiếng Anh là "Advent". Advent đến từ tiếng La-tinh "adventus," có nghĩa là “tới nơi” hay "sự đến”
[3] Prayer in the Night: For Those Who Work or Watch or Weep ( tạm dịch Cầu Nguyện Giữa Đêm Khuya: Viết cho Những Ai Làm Việc hoặc Thức Canh hoặc Than Khóc) – tác phẩm đoạt giải Sách của Năm 2022 của báo Christianity Today. Bạn đọc có thể tìm đọc Prayer in the Night nguyên bản tiếng Anh tại Thư Viện Cơ Đốc.

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2024 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 338,106 | Online: 2