Đoàn công tác Thư Viện Cơ Đốc (TVCĐ) và một số bạn hữu đã có chuyến thăm các Hội thánh ở huyện Đơn Dương và HT Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu về các Hội Thánh, sưu tầm tư liệu lịch sử Tin Lành và trao tặng sách Cơ Đốc. Nhật Ký Hành Trình này ghi lại một nơi đến tiêu biểu là HTTL Ka Đơn, dân tộc K’ho.
Dân số người K’ho ở Việt Nam khoảng hơn 200.000 người, đa số người K’ho (88%) sinh sống tại tỉnh Lâm Đồng, gồm 4 nhóm chính: K’ho Mạ, K’ho Cill, K’ho Lạch và K’ho Srê. Dù có chung ngôn ngữ nhưng mỗi nhóm có những đặc trưng văn hóa riêng. Trong tổng dân số 176.000 người K’ho tại Lâm Đồng, có khoảng 90.000 là tín hữu Tin Lành, trong đó 80.000 tín hữu nhóm lại trong 258 chi hội và điểm nhóm thuộc HTTLVN, số còn lại thuộc nhiều giáo phái Tin Lành khác nhau.
Hội Thánh Tin Lành Ka Đơn
- Sơ lược tình hình hiện nay
Ka Đơn là tên Hội Thánh lấy theo địa danh thôn và xã Ka Đơn, thuộc huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt chừng 40km về phía nam. Trưa ngày 16/7/2022, đoàn công tác TVCĐ từ sân bay Liên Khương đi xe đến thị trấn Thạnh Mỹ, nằm dọc theo Quốc lộ 22, rồi đi đường nhỏ khoảng 6km để đến Ka Đơn.
HT Ka Đơn có hơn 400 tín hữu. Cơ sở nhóm lại là nhà nguyện với vách và mái bằng tôn 150 chỗ ngồi, có mái che bên phải để có thêm 150 chỗ nữa. “Người chăn bầy” hiện tại nơi đây là Thầy Ha Năm, 62 tuổi.
- Sự phục hồi và duy trì HT Ka Đơn
Tháng 12 năm 1989, Thầy Ha Năm, lúc đó đang làm việc cho chính quyền thôn, đã xin chính quyền cho gia đình được nhóm lại vào lễ Giáng Sinh, và cứ thế mỗi năm xin phép lễ Giáng Sinh 1 lần. Đến năm 1994 thì bắt đầu có nhiều bà con trong làng cũng đến nhóm lại và Hội Thánh Ka Đơn xem như được hồi phục, dù không chính thức.
Thời gian sau thầy Ha Năm đã xin nghỉ việc ở thôn để chăm lo công việc Hội Thánh. Lúc này cũng có thầy Truyền Đạo Tình Nguyện Bon Dơng Ha Năm đang hầu việc Chúa cách thầm lặng ở các làng dân tộc K’ho đã đến để cùng Thầy Ha Năm lo cho HT Ka Đơn.
Tuy nhiên với sự nhóm lại đông hơn thì sự khó khăn cũng tăng lên. Dù lúc ấy chưa được Địa Hạt công nhận, Hội thánh vẫn cứ nhóm lại mỗi sáng Chúa nhật hàng tuần. HT cũng chưa được chính quyền công nhận nên có lúc đang nhóm thì bị vây ráp. Con cái Chúa thường nhóm lại rất sớm, lúc 2,3 giờ sáng để không gây chú ý. Nhưng lạ thay, thời gian khó khăn hội thánh phát triển rất mạnh, có nhiều người thêm vào HT.
Sau ba năm hầu việc Chúa tại Ka Đơn, năm 1997 Thầy Bon Dơng Ha Năm về với Chúa. MS Ha Hương (thân phụ MS Ha Hack, hiện quản nhiệm HT Đạ Ròn) đã đến thay thế. Mục sư Ha Hương được phong chức Mục sư trước 1975, và trong giai đoạn có nhiều khó khăn Mục sư đã âm thầm hầu việc Chúa nhiều nơi. Từ năm 1997, thầy Ha Năm phụ tá cho Mục sư Ha Hương và trực tiếp chăm lo cho HT hằng ngày, MS Ha Hương đến vào Chúa nhật đầu tháng để ban tiệc thánh, làm lễ dâng con và các linh vụ cần đến chức vụ mục sư. Sau khi MS Ha Hương về nước Chúa năm 2009 thì Thầy Ha Năm một mình phụ trách HT cho đến nay.
Đôi Điều về Thầy Ha Năm
Chúng tôi để từ “người chăn bầy” trong ngoặc kép như trên là vì cho đến nay Thầy Ha Năm vẫn chưa được chính thức phong chức, nhưng trong thực tế thì từ hơn 25 năm qua thì Thầy đã đảm nhiệm công việc của một người chăn bầy ở đây.
- Tinh Thần Học Hỏi Lời Chúa
Thầy Ha Năm hiện đang theo học chương trình Bổ Túc Thần Học do Tổng Liên Hội tổ chức, sau khi tốt nghiệp sẽ được công nhận là Truyền Đạo và sẽ đủ tiêu chuẩn để được bổ nhiệm làm Quản nhiệm HT chính thức.
Năm 1997, sau khi được Chúa thức tỉnh qua biến cố “thập tử nhất sinh”, đời sống của thầy đã được thay đổi và thầy đã dâng mình hầu việc Chúa trọn thời gian. Lúc ấy thầy bị đau ruột thừa, may mắn vào giờ chót tìm được chiếc xe hơi chở đến bệnh viện cách nhà 30km trong thời kỳ rất khó khăn. Khi vừa đến bệnh viện thì chỗ viêm bị vỡ, bác sĩ vừa kịp mỗ và nói chỉ cần chậm ít phút sẽ không cứu chữa được. Thầy đã nhận ra ơn Chúa và vâng theo tiếng kêu gọi của Ngài.
Sau biến cố đó, Thầy đã tìm và theo học các lớp Thần Học và Kinh Thánh do các MS Bùi Phụng, MS Phan Phụng Thanh, MS Lưu Tự An, MS Ha Hack, Ms Ha Wan… dạy, được tổ chức âm thầm tại các địa điểm thay đổi mỗi lúc một khác. Trong giai đoạn trước năm 2001 khi HTTL VN chưa có tư cách pháp nhân, do đó chưa mở được các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho người muốn hầu việc Chúa. Nhiều người dự học phải đi xe đạp hai ba mươi cây số, dù giữa tiết trời nắng gắt hay mưa dầm. Sau năm 2001, Thầy Ha Năm tiếp tục theo học lớp Thánh Kinh Căn Bản khóa đầu tiên được Ban Đại Diện tỉnh Lâm Đồng tổ chức (2006-2009). Sau đó theo học khóa Bổ Túc Thần Học 2018 -2021.
- Trung Tín và Dâng Hiến
HT Chúa trong những năm 1975-2000 có nhiều khó khăn. Thầy Ha Năm cũng gặp nhiều thử thách, nhưng nhờ ơn Chúa, thầy vẫn luôn trung kiên với đức tin nơi Chúa và sự chân chính của niềm tin Cơ đốc, không tham gia tổ chức chính trị nào, chỉ thuần túy chăm lo đức tin cho các con cái Chúa và bày tỏ ơn cứu rỗi của Chúa cho đồng bào.
Thầy Ha Năm không những đã chăm lo thuộc linh cho các con cái Chúa tại Ka Đơn, mà còn có lòng dâng hiến rời rộng. Mảnh đất 800m2 mà trên đó là cơ sở của HT Ka Đơn hiện nay là do gia đình của Thầy dâng cho Chúa, được biệt riêng trong số 1.200m2 đất do Thầy sở hữu. Thầy chỉ giữ lại 400m2 làm nhà ở cho gia đình. Thầy Cô có 7 người con, hiện tại 6 người con đã lập gia đình và có mái ấm riêng, còn gia đình một người con gái sống chung với Thầy Cô và phụ lo công việc Chúa.
Chúng tôi được biết giữa vòng người dân tộc cũng có nhiều người hầu việc Chúa với tâm tình như vậy. Họ bỏ mọi công ăn việc làm, bắt lấy cơ hội học lời Chúa và dâng hiến cuộc đời cho Chúa, chịu lao nhọc, chịu khổ và dành ra những điều tốt nhất để mở mang nước Chúa và lo cho bầy chiên mà mình chăm sóc.
Những điều này bày tỏ phần nào lý do đạo Chúa đã có nhiều kết quả giữa vòng các dân tộc trên cao nguyên, trong đó tiêu biểu là người K’ho ở Lâm Đồng. “Người nào gieo giống trong nước mắt sẽ gặt hái cách vui mừng. Người nào vừa đi vừa khóc, đem giống ra vãi, chắc sẽ trở về mang bó lúa mình” (Thi 126:5-6).
HT Chúa trải các đời được phát triển trong những giai đoạn khó khăn nhất bởi lòng tận hiến của tôi con Chúa. Chắc chắn bởi sự hy sinh, chịu khổ, bền lòng, trung tín và những lời cầu nguyện của những tôi con trong các hoàn cảnh ấy mà Chúa đã nhậm lời, bày tỏ quyền năng, ơn lành lạ lùng của Ngài, cho HT được mở mang dù giữa muôn vàn sóng gió bão giông.
HT KA ĐƠN VÀ NHỮNG HOẠT ĐỘNG CHO CỘNG ĐỒNG
HT Ka Đơn đã thực hiện sống đạo, có những công trình đóng góp rất có ý nghĩa cho dân chúng tại thôn Ka Đơn:
Làm Điện Đường cho Thôn
Năm 2018 Chúa thăm viếng HT Ka Đơn cách mạnh mẽ, nhiều gia đình quay về ăn năn và tin nhận Chúa, Chúa đã chữa lành tấm lòng và tật bệnh của nhiều con cái Chúa. Mỗi buỗi sáng khoảng 4h30, nhiều con cái Chúa đến nhà thờ để cầu nguyện.
Đầu năm 2019, khi thấy cả thôn không có điện vì hệ thống điện chung chỉ mới lắp tới các trục đường chính, Thầy Ha Năm và Ban Chấp sự HT đã kêu gọi con cái Chúa trong Hội thánh đóng góp tài chánh theo khả năng và đã trồng trụ điện, lắp đặt đường dây điện và đèn đường từ đường cái vào thôn với chiều dài khoảng 2km, làm sáng cả hai phần ba thôn Ka Đơn. Khi đèn đường sáng thì trong thôn cũng bớt lo trộm cắp và tệ nạn, người dân có thể sử dụng nhiều tiện nghi sinh hoạt. Sự tích cực về công tác xã hội của HT Ka Đơn đã giúp 300 hộ dân nơi đây hưởng được một phương tiện văn minh tối thiểu.
Hợp Tác với Chính Quyền Làm Đường
Con đường vào thôn trước đây là đường đất, có đoạn có đổ đá lởm chởm, đi lại hết sức bất tiện. Người đi bộ, xe đạp, xe gắn máy hay xe hơi chịu xóc bởi ổ gà, mùa nắng thì bụi mù, mùa mưa thì bùn lầy. Nhà nước có chủ trương nhà nước và dân cùng làm đường bê tông cho vùng nông thôn.
Năm 2017, các tín hữu HT Ka Đơn, với sự khích lệ của Thầy Ha Năm, đã góp công, góp tài chánh làm con đường bê tông xi măng sạch đẹp với chiều dài 1.000m. Đoạn đường này có 70% vốn nhà nước tài trợ và 30% do người dân đóng góp. Sự tích cực của HT đã đem lại kết quả tốt cho xóm làng.
Trồng Hoa và Cây Xanh
Năm 2019 HT bắt đầu trồng hoa và cây kiểng hai bên đường để làm đẹp chung cho thôn xóm.
Tại đây chúng tôi đã hết sức thú vị khi chứng kiến những hàng hoa tươi đẹp với hệ thống tưới tự động chạy suốt hai bên con đường bê tông. Hỏi thăm mới biết sau khi làm xong con đường, HT đã cùng mua cây và hoa trồng để người dân trong thôn được hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên mà Chúa ban tặng. Thời gian đầu các con cái Chúa thay nhau cầm vòi tưới cây, khoảng ba tháng trước đây (tháng 4, 2022) có một tín hữu dân tộc Jơrai ở Gia Lai nhân chuyến thăm người quen ở đây, thấy các con cái Chúa mỗi ngày phải tốn công sức tưới cây với chiều dài hai bên đường 2.000m quá vất vả, anh tín hữu này đã tài trợ kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tự động. Đến giờ mở, hệ thống tưới tự động phun nước thành vòng tròn ướt đều cành lá và gốc cây.
Các cấp chính quyền địa phương đã có lời khen ngợi HT Ka Đơn và công nhận nơi đây là một thôn văn hóa kiểu mẫu. HT vui vì đã đóng góp nhiều điều ích lợi cho đồng bào địa phương,
Tin Lành của Chúa từ chỗ bị nghi kỵ, bị ác cảm nay đã xây dựng được mối quan hệ tốt với cộng đồng xã hội cũng như chính quyền địa phương. Tất cả là do nếp sống chân thật, sống đạo bằng những việc lành cụ thể như lời Chúa dạy.
Thầy Ha Năm thuật lại rằng buổi sáng trước khi khởi công làm đường dây điện và trồng hoa hai bên đường, HT đã nhóm lại cầu nguyện.
Thầy chia sẻ lời Chúa: “Đức Chúa Giê-xu phán: các ngươi là muối của đất, ánh sáng của thế gian...”( Ma thi ơ 5:13), vậy bây giờ chúng ta hãy vâng theo lời Chúa dạy đi ra làm những việc có ích cho thôn làng.
Các con cái Chúa đã hưởng ứng tích cực. Đàn ông thì làm điện, làm đường, phụ nữ thì trồng cây, trồng hoa hai bên đường và những việc phụ khác.
Với con đường bê tông, hệ thống điện và đèn đường, với cây xanh và hoa nở, bộ mặt của thôn Ka Đơn đã thay đổi hẳn. Tin lành của Chúa không chỉ thay đổi tấm lòng mà còn thay đổi cả lối sống và môi trường sống của cả một cộng đồng. Sự việc cho thấy dầu vẫn còn nghèo đi nữa, nếu biết tổ chức cũng sẽ hưởng được những cái đẹp mà Chúa ban tặng, và HT luôn có thể góp phần tích cực vào những công tác hữu ích cho cộng đồng.
Những Nét Văn Hóa Đặc Trưng và việc Bảo Tồn Văn Hóa K’ho
Chúng tôi hỏi thầy Ha Năm: Với 7 người con ở nơi thôn quê này, thầy cô sống bằng nghề gì, và tiền đâu cho các con ăn học? Thầy Ha Năm cho biết thầy cô làm rẫy trên núi cách đây hơn 5km và có nghề đan lát thủ công. Thầy cô đưa chúng tôi đến chái sau nhà và cho chúng tôi thấy khung dệt đang dệt chiếu, giới thiệu một cái gùi hết sức đẹp với những sợi lạt tre nhỏ, chuốc đều, đan tay tinh xảo, thể hiện một sự kiên nhẫn, khéo léo của một nghệ nhân. Thầy nói đan cái gùi này hết 4 ngày mới xong. Ngoài ra thầy cô còn đan những dụng cụ khác theo công cụ sinh hoạt của người K’ho.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để bảo tồn và phát triển nghề truyến thống của người K’ho? Thế hệ trẻ có ai tiếp nối tay nghề như Thầy cô Ha Năm? Làm sao nghệ nhân sống được với nghề này?
Chúng tôi có một số suy nghĩ về giải pháp như sau:
Làm thế nào để sử dụng máy móc cho công đoạn chuẩn bị nguyên liệu để giảm sự vất vả của nghệ nhân và tăng công suất làm sản phẩm. Hiện nay việc vót tre, chuốc nẹp, chuốc mây... đều bằng tay rất tốn thời gian. Làm thế nào để bàn tay nghệ nhân chỉ tham gia và khâu cuối của sản phẩm, dành thì giờ chăm chút các kiểu đan và họa tiết trên sản phẩm.
Làm thế nào tăng thêm hàm lượng văn hóa bản địa trên sản phẩm. Nếu thiết kế thêm một số hoa văn, họa tiết đặc trưng K’ho thì sản phẩm sẽ có hàm lượng văn hóa, nghệ thuật cao hơn, giá trị sản phẩm sẽ cao hơn.
Làm thế nào để có thêm được đôi nét đặc trưng Cơ Đốc. Nếu có người nghiên cứu thêm vào sản phẩm một số họa tiết có tính cách Cơ Đốc cho hài hòa và thẩm mỹ thì giá trị của sản phẩm sẽ tăng thêm và đáp ứng nhiều khách hàng giới Cơ Đốc hơn.
Làm thế nào có những sản phẩm có kích thước nhỏ thuận tiện cho du khách. Nên chia phần sản phẩm làm hai loại: Một loại có kích thước thực cho nhu cầu sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày của người dân. Loại này cần chắc chắn, không cần tinh xảo, có giá thành thấp phục vụ thị trường địa phương. Loại có kích thước thu nhỏ, cần tinh xảo, dễ đem đi xa, phục vụ du khách.
Làm thế nào để mở một số điểm làm hàng truyền thống dân tộc để truyền nghề và quảng bá văn hóa, giới thiệu sản phẩm đặc trưng dân tộc như sản phẩm đan lát, mỹ nghệ, điêu khắc, tranh tượng, dụng cụ âm nhạc, dệt thổ cẩm và may trang phục dân tộc, giới thiệu đặc sản...
Đồng bào Tây Nguyên có nhiều nét văn hóa rất đặc trưng, độc đáo cần trân quí, gìn giữ và phát triển, vừa bảo tồn văn hóa dân tộc, làm phong phú văn hóa Việt Nam, vừa đem lại công ăn việc làm cho người dân, tận dụng những thì giờ nhàn rỗi, những ngày mưa không ra đồng, ra rẫy được.
Sau bữa ăn chiều, phu nhân của thầy Ha Năm lấy ra 5 dây cườm màu rất đẹp đeo vào cổ chúng tôi, con gái của thầy cô thì lấy nhẫn bạc đeo vào tay 2 phụ nữ trong đoàn, còn thầy Ha Năm lấy 3 cái nhẫn bạc đeo vào ngón tay của 3 người nam chúng tôi. Chúng tôi ngạc nhiên thích thú và cảm động nhận được cách biểu tỏ lòng hiếu khách của người K’ho.
Ngày hôm sau khi chúng tôi thăm HT Đạ Ròn, sau bữa ăn trưa, phu nhân MS Ha Hack cũng đem dây cườm tặng chúng tôi, và khi đến thăm Quả phụ MS Hà Wan thì bà cũng tặng thêm cho chúng tôi như vậy. Vậy là chuyến đi này chúng tôi không chỉ biết thêm về công việc Chúa, hiểu thêm về văn hóa K’ho, mà còn được những món quà của lòng yêu thương, quí mến của các gia đình đầy tớ Chúa. Cảm ơn Chúa đã cho một chuyến đi với nhiều kỷ niệm khó quên.
Căn Chòi để Giao Tiếp và Những Câu Chuyện về Đức Tin
Để tiếp khách đến thăm, HT Ka Đơn đã dựng một cái chòi sườn gỗ, mái lá đơn sơ ở sân trước bên phải nhà thờ. Cái chòi này có dáng dấp một chút kiến trúc K’ho, cái bàn dài là miếng gỗ tự nhiên, vách là những cây gỗ tròn giằng cột với nhau, che bằng màn ny lông. Thầy Ha Năm cho treo một số dụng cụ sinh hoạt và thổ sản địa phương như trái bầu khô, gùi tre, rổ tre, cung tên, đầu con linh dương đã phơi khô...
Những món đồ trên gợi ra một số ý cho việc trưng bày văn hóa K’ho. Khi chúng tôi hỏi thì nhiều người cho biết văn hóa K’ho đã bị mai một rất nhiều, cả thôn này hầu như không ai xây nhà sàn theo kiến trúc K’ho nữa. Chúng tôi mong từ sự gợi ý này, HTTL dân tộc K’ho ở tỉnh Lâm Đồng sẽ cùng nhau suy nghĩ và thành lập một số nơi sưu tầm, trưng bày những công cụ văn hóa K’ho tại chính cộng đồng K’ho.
Tại cái chòi này chúng tôi có dịp ngồi hỏi chuyện MS K’ Tốt, MS An và một số mục sư khác ở Di Linh.
Chúng tôi hỏi thăm về những năm trước đây của các HT và công việc của các mục sư, truyền đạo và truyền đạo tình nguyện. Họ đã chia sẻ những kinh nghiệm hầu việc Chúa và qua đó thấy có bao nhiêu việc kỳ diệu Chúa đã làm, những câu chuyện hết sức cảm động về những cuộc đời tận hiến cho Chúa, chịu khổ khi hầu việc Chúa và những câu chuyện về đức tin cùng sự sốt sắng của các con cái vùng cao nguyên nhưng rất tiếc hầu như không được ghi lại. Các tư liệu về lịch sử HT thật quá ít ỏi.
Cố MS Ha Sao A, nguyên Chủ Nhiệm Nam Thượng Hạt là một mục sư có ơn cầu nguyện chữa bệnh, phấn hưng Hội Thánh và đóng góp rất nhiều cho HT dân tộc K’ho trong những thập niên 50, 60... của thế kỷ trước. Ông đã về nước Chúa năm 1976, vậy mà tiểu sử của Mục sư còn rất sơ sài, không có người ghi chép. Tương tự, cố MS Ha Wan, người đã đóng góp rất lớn vào việc phát triển HT Đạ Ròn lên 1.700 tín hữu và đặt nền móng cho sự xây dựng ngôi nhà thờ lớn, khang trang với 800 chỗ ngồi hiện nay, mục sư đã về nước Chúa tháng 6/2021 nhưng cũng chưa có tiểu sử đầy đủ. Và còn rất nhiều giáo sĩ, mục sư truyền giáo, mục sư, truyền đạo, nhân sự khác đã vượt qua nghịch cảnh, được Chúa ban những ân tứ đặc biệt để gây dựng và phát triển HT trên vùng cao nguyên, nhưng công việc Chúa qua các vị ấy và qua HT chưa được ghi nhận để truyền lại cho thế hệ hiện nay cũng như tương lai.
Làm sao để những việc kỳ diệu Chúa đã làm giữa vòng HT các dân tộc sẽ không như lá cây khô, rơi rụng rồi trôi theo những cơn mưa rừng không ai biết đến?
Làm sao để lịch sử công việc Chúa không bị chôn vùi dưới lớp bụi thời gian? Làm sao những việc lớn Chúa đã làm sẽ như những cây lan rừng nở rộ với sắc màu tươi đẹp và hương thơm lan tỏa?
Làm sao để có thể bóc được các tầng phủ bên trên để lộ ra những viên đá quý, những viên ngọc của những “bàn chân đã rao truyền tin lành trên các nơi cao”?
Chúng tôi được biết gần đây đã có một số Mục sư người dân tộc đang sưu tầm và biên soạn về tiểu sử người hầu việc Chúa giữa vòng các hội thánh dân tộc, cũng như ghi chép lại lịch sử HTTL dân tộc. Hy vọng các công trình này sẽ sớm hoàn thành và tiếp tục bổ sung để ngày càng đầy đủ, phong phú. Hy vọng HT sẽ có tư liệu để thấy Chúa tể trị trên lịch sử cách cụ thể thế nào? Ngài đã dùng những đầy tớ Ngài ra sao? Những việc Chúa làm lâu nay bị “để dưới cái thùng” sẽ được “để trên chân đèn” để chiếu rạng ra sự vinh hiển Chúa cho mọi người chiêm ngưỡng.
Mong rằng mỗi khi nghĩ về anh chị em trong các HT ở Tây nguyên mọi người sẽ không còn suy nghĩ nơi đây là còn nghèo, có nơi còn lạc hậu.. mà nhận ra đây là nơi Chúa đã ban các ơn đặc biệt, Ngài “đang ngự” giữa HT Ngài, Ngài “đang đi” giữa HT Ngài, Ngài đã làm những việc lớn lao mà chúng ta không ngờ được.
Tin mừng của Chúa đã lên vùng cao hơn năm bảy mươi năm, và tin mừng ấy bày tỏ biết bao vẻ đẹp, quyền năng, ân tứ và đã cứu rỗi hằng trăm ngàn đồng bào. Biết bao cuộc đời đã được biến đổi, bao hủ tục đã được xóa bỏ nhờ Tin Lành bình an, Tin Lành lẽ thật, Tin Lành quyền năng.
Xin Chúa cho những cơn mưa ơn phước “tầm tã trên đồng xanh”, những dòng nước mát của Chúa từ các hội thánh ở núi rừng Tây Nguyên sẽ tuôn chảy đến những khu vực đồng bằng. Xin Chúa cho “núi rừng” cũng cất tiếng ca ngợi khen Đấng Tạo Hóa và Chúa Cứu Thế vì những gì Ngài đã, đang và sẽ làm trên vùng cao nước Việt.
Đoàn Công Tác TVCĐ
15/8/2022