TÌM HIỂU XỨ THÁNH QUA HÌNH ẢNH
Chủ trì xuất bản: UB Văn Hóa Giáo Dục Tổng Liên Hội – HT Tin Lành Việt Nam (miền Nam)
Số đăng ký xuất bản: 405-2011/CXB/17-44/PĐ Cục Xuất Bản ký ngày 21 tháng 04 năm 2011
Reviewer: Nguyễn Phúc Duy Tân
Nhân chuyến viếng thăm Do Thái vào cuối năm 2009, thời điểm có rất ít các cuộc du lịch được tổ chức để viếng thăm đất nước Israel và Palestine, tác giả Ngọc Anh đã thực hiện quyển “Tìm hiểu Xứ Thánh qua Hình Ảnh” nhằm giúp mọi người, dù đã tin Chúa hoặc chưa nhận biết Ngài, có thêm điều kiện biết rõ hơn về nơi được gọi là “Xứ Thánh.”
Thông qua tập sách “Tìm Hiểu Xứ Thánh qua Hình Ảnh” với những hình ảnh kèm chú thích hoặc nội dung diễn giải được tham khảo từ những nguồn tài liệu nghiên cứu Kinh Thánh đáng tin cậy [1], tác giả Ngọc Anh muốn giới thiệu đến độc giả những địa điểm gắn liền với cuộc đời Chúa Giê-xu trong 33 năm sống trên đất qua hình ảnh các địa điểm này trong hiện tại. Từ đây, bạn có thể tìm thấy hình ảnh những nhà thờ được xây dựng trên những vết tích cũ thời Chúa Giê-xu: Nơi thiên sứ báo tin cho Giô-sép và Ma-ri, Nơi Chúa sinh ra, Xưởng mộc của Ông Giô-sép…
Hình ảnh những di tích xung quanh biển hồ Ga-li-lê, có liên quan đến hành trình truyền giáo của Chúa Giê-xu càng giúp cho độc giả được sống gần với Kinh Thánh Tân Ước: Vết tích của những nhà hội tại vùng Ca-bê-na-um (t.39-49), Nhà thờ Beatitude (Nơi Chúa Giê-xu giảng về 8 phước lành), Hình ảnh vết tích tảng đá nơi Chúa bẻ bánh trong phép lạ 5 cái bánh và 2 con cá cho 5.000 người ăn. Những câu Kinh Thánh được trưng dẫn kèm theo hình ảnh sẽ giúp độc giả cảm nhận thêm về tính trung thực của Kinh Thánh.
Tác giả đã mang tới cho người đọc những địa danh được Kinh Thánh nhắc đến, như Bết-lê-hem, Na-xa-rét, Mộ La-xa-rơ, Vườn Ghết-sê-ma-nê… hay Tảng Đá – Nơi Chúa dọn bữa ăn sáng cho các môn đồ sau khi Người sống lại.
Với hơn 300 hình ảnh màu được trình bày trong tập sách, tác giả đã diễn tả gần như trọn vẹn cuộc đời Chúa Giê-xu kể từ lúc Ngài giáng sinh, rao giảng Tình Yêu của Đức Chúa Trời, cầu nguyện cùng Đức Chúa Cha trong thời khắc nhận chén đắng và sống cùng các môn đồ sau khi Ngài phục sinh.
Ngoài ra, trong tập sách ảnh hết sức đặc biệt này, người đọc sẽ không thể bỏ qua hình ảnh của “14 Chặng Đường Khổ Nạn của Chúa Giê-xu.” Một lần nữa, qua hình ảnh trong sách, người đọc sẽ bắt đầu chặng đường thứ nhất tại “The Chapel of Flegellation, là một nhà thờ nhỏ nơi khi xưa Chúa bị đem đến trước mặt quan tổng đốc Phi-lát, và bị chất vấn.”[2] Sau đó, trải qua những “vết tích của mặt đường đi theo kiểu La Mã”[3], người đọc sẽ như được vác trên mình “Thập tự giá của Đấng Christ” khi bước qua những chặng đường ghi lại dấu ấn Khổ Nạn của Chúa Giê-xu, nơi Ngài ngã xuống đất lần thứ nhất, thứ hai, thứ ba hay nơi “Chúa gặp những người đàn bà than khóc cho Ngài”[4] … cho đến Chặng đường Khổ Nạn thứ 14, “là nơi người ta để xác Chúa vào phần mộ”[5]
Đặc biệt nhất là hình ảnh Đồi sọ và Ngôi mộ trống có dòng chữ “He is not here – For he is risen.” Chúa Giê-xu đã Sống Lại.
Hành trình cuộc đời người Tin Chúa hôm nay cũng giống như là hành trình cuộc đời Chúa Giê-xu đã trải qua vì vâng lời Đức Chúa Cha. Trong hành trình đó, chúng ta đã phải trải qua vui buồn, cám dỗ, hạnh phúc, khổ đau thế nào, thì ngày xưa Chúa Giê-xu, vì vâng phục trọn vẹn Chúa Cha, cũng đã trải qua như thế. Bước chân trên con đường Thương Khó mà gần 2.000 năm trước Chúa đã đi qua, phần nào đó trong cả ý nghĩa thiêng liêng và trong thực tế, giống như được đặt chân trên con đường từng mang dấu chân Chúa, chúng ta sẽ cảm nhận được hết sự hy sinh của Chúa cho chính mình.
Mặc dù đã dành gần 100 trang sách ảnh cho những sự kiện gắn liền với cuộc đời Chúa Giê-xu, tác giả vẫn không quên dành hơn 70 trang sách ảnh tiếp theo trong Phần Năm “Thành phố Giê-ru-sa-lem” và Phần Sáu “Đất nước Israel” để giới thiệu đến người đọc những địa danh khác trong Cựu Ước và Tân Ước, cũng như những địa danh gắn liền với việc bảo vệ, gìn giữ niềm tin Cơ Đốc.
Độc giả sẽ được nhìn thấy những bình lớn chứa đựng những mảnh da thuộc là sách Tân Ước có niên đại gần 2000 năm, hình ảnh thành phố cổ Sê-sa-rê (Caesarea) với “Vết tích của những lâu đài tráng lệ”[6] và “nơi nhốt những con thú hoang dã”[7]dùng để trừng phạt những người Cơ Đốc đầu tiên chỉ vì giữ gìn đức tin của mình nơi Chúa Giê-xu. Ngoài ra, có những hình ảnh địa danh quen thuộc khác, như Bức Tường Than Khóc, Tháp Đa-vít, Masada, Giê-ri-cô… là những địa danh không chỉ có trong Kinh Thánh mà còn gắn liền với lịch sử phục quốc của người Do Thái.
Nhân dịp Kỷ niệm “100 Năm Tin Lành Truyền Đến Việt Nam”, tập sách ảnh “Tìm Hiểu Xứ Thánh qua Hình Ảnh” đã được Ủy ban Văn hóa Giáo dục – Tổng Liên Hội thuộc Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (MN) chủ trì xuất bản vào năm 2011. Bạn đọc có thể tìm đọc tập sách ảnh này tại Thư Viện Cơ Đốc (/sach/386-tim-hieu-xu-thanh-qua-hinh-anh). Bạn đọc có thể tham khảo tại chỗ hoặc mượn về nhà theo chính sách cho mượn sách của Thư Viện. Ngoài ra khi Thư Viện số được hình thành trong thời gian tới, bạn đọc sẽ có thể mượn sách này dưới dạng số.
------
[1] Ngọc Anh (2011), Tìm hiểu xứ Thánh qua hình ảnh, NXB. Phương Đông, tr. 191
[2] Ngọc Anh (2011), tlđd (1), tr. 82 ; [3] Ngọc Anh (2011), tlđd (1), tr. 88
[4] Ngọc Anh (2011), tlđd (1), tr. 94 ; [5] Ngọc Anh (2011), tlđd (1), tr. 103
[6] Ngọc Anh (2011), tlđd (1), tr. 148 ; [7] Ngọc Anh (2011), tlđd (1), tr. 151