Xuân Bao Năm Xưa Lại Đến

XUÂN BAO NĂM XƯA
LẠI ĐẾN
i

Lời BBT: Tác giả bài này được để là Thánh Kinh Báo (TKB), có nghĩa Ban Biên Tập của TKB. Trong giai đoạn của bài viết này, Tổng Biên Tập TKB là cụ cố MS Ông Văn Huyên. Hơn nữa, căn cứ vào văn phong, tác giả là người am tường Nho Học, Hán Văn lẫn Việt Văn. Đây cũng chính là xuất thân của cụ Huyên (xem Tuyển Tập Tiểu Sử Người Hầu Việc Chúa (tr. 132). Nhà xuất bản Phương Đông, 2011.)
Từ đó có thể suy luận rằng tác giả bài “Xuân Bao Năm Xưa Lại Đến” là cụ cố MS Viện Trưởng Ông Văn Huyên.

***

Đời này qua, đời khác đến; nhưng đất cứ còn luôn luôn.
Nếu có một vật chi mà người ta nói rằng: Hãy xem, cái nầy mới,
vật ấy thật đã có rồi trong các thời đại trước ta. ii

       Chỗ giáp vòng của địa cầu đang vùn vụt trên quĩ đạo của nó vòng quanh mặt trời: nay lại đến, rồi đến một lần nữa trong thời gian vô tận, không biết từ bao ức triệu năm xưa. 

       Ta không thể ngăn trở, cũng như không thể giúp đỡ nó đừng đến hoặc đến mau hơn hay chậm hơn. Thời thế thế nào, nhân tâm ra sao, nó như không cần biết tới, nó luôn luôn hiên ngang cứ đến. Ai biết nó, nó cũng vậy; ai không biết nó, nó cũng thế; ai vui đón nó, nó vẫn điềm tĩnh; ai oán hờn nó, nó vẫn thản-nhiên. Trong chỗ không lời không tiếng và sắc thái hồn nhiên như thế, ta thử dò xem nó như có ngầm ngỏ ý gì với ta chăng.

       Ngẫm kỹ, ta có cảm xúc như nó đang ngỏ ý với ta rằng, nó hẳn đã đẩy lùi được mùa đông tuyết giá, xua tan cái lạnh cắt da, diệt sạch cái cảnh ảm đạm u sầu, đổi lốt già cho bao ngàn cây nội cỏ, quét sạch bao vết tiều tụy, cỗi cằn. Nó đã tung bao nhựa sống khí dương, khiến vô số cỏ cây chồi đâm lộc nứt, hoa nở hương bay đem lại vẻ mặt tươi sáng huy hoàng sau thời kỳ lạnh lạt buồn tẻ của vũ trụ, đến nỗi tiếng thác đổ, tiếng thông reo cũng đổi giọng, yến lượn oanh ca đầy thơ mộng.

       Xuân, phải, lúc nào nó cũng là Xuân. Nắng Hè gay gắt không khiến nó mất sức, gió Thu lạnh lẽo không khiến nó nao lòng, mưa Đông tầm tã không khiến nó kém vẻ. Nó đến, nó đi, rồi nó lại đến, với một dung quang đẹp đẽ, sắc thái trẻ trung, như nhà thơ nọ đã vì cảm nó mà ngâm lên “Xuân qua xuân lại chẳng bao già.” iii

       Xuân, xuân, khắp mọi chòm, xuân cả hoàn vũ chớ há có riêng ai. Tuy nhiên, cũng có kẻ đã phải than: “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu, người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.” iv

       Kẻ ấy là ai? Ta chưa vội lo cho người ấy, mà nên rờ lòng tự hỏi mình có phải chính là người đó không? Mong ta ai nấy đều mạnh dạn đáp lên: “Không, người ấy không phải là tôi, trái lại tôi là người lo vực người ấy lên, lo đưa người ấy cùng tôi vui hưởng cảnh muôn hồng nghìn tía đua tươi. Bởi tôi là kẻ bao giờ cũng tự hào trong ơn Đấng Chí Tôn toàn ái mà nói rằng: “Cảnh nào cảnh chẳng reo vui, người vui cảnh lại càng tươi vì người.” v

       Bởi ta là người đã được dựng nên mới trong Đấng Christ như Đức Thánh Linh đã dạy: “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, thì nấy là người được dựng nên mới; những sự cũ đã qua đi, nầy, mọi sự đều trở nên mới.” vi Chúa của chúng ta là “Jêsus Christ hôm qua, ngày nay và cho đến đời đời không hề thay đổi.” vii Ngài đã tạo nên cái XUÂN như đã nói trên, thì há không tạo nên trong ta một sức XUÂN muôn phần hơn sao?

       Kìa, bậc kinh nghiệm sức xuân cả 4 mùa kia đã quả quyết rằng: 

       Nếu Đức Chúa Trời thuộc bên chúng ta thì ai chống nghịch với chúng ta. Đấng đã không tiếc chính con mình, nhưng vì chúng ta hết thảy mà phó Con ấy cho, thì Ngài há chẳng cũng đem mọi sự luôn với Con ấy mà ban nhưng không cho chúng ta sao?

       Ai sẽ cáo kiện kẻ được chọn của Đức Chúa Trời? Há có phải Đức Chúa Trời là Đấng xưng nghĩa cho họ chăng? Ai sẽ định tội họ? Há có phải Christ Jêsus là Đấng đã chết, hơn nữa, cũng đã từ kẻ chết sống lại, hiện nay ở bên hữu Đức Chúa Trời cũng đương cầu thay cho chúng ta chăng? Ai sẽ phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương của Christ? Há có phải hoạn nạn khốn khổ, bắt bớ, đói kém, trần truồng, nguy hiểm hay là gươm giáo chăng? Như có chép: ‘Vì cớ Ngài chúng tôi bị giết cả ngày; Chúng tôi bị coi như chiên định để làm thịt. Trái lại, trong mọi sự ấy chúng ta nhờ Đấng thương yêu chúng ta mà đắc thắng có thừa. Bởi vì tôi tin chắc rằng bất cứ hoặc sự chết, hoặc sự sống, hoặc thiên sứ, hoặc chấp chánh, hoặc việc bây giờ hoặc việc hầu đến, hoặc việc quyền năng, hoặc bề cao, hoặc bề sâu, hoặc một vật thọ tạo nào khác, đều chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự thương yêu của Đức Chúa Trời vẫn ở trong Đấng Christ Jêsus, Chúa chúng ta.” (La-mã 8:31-39)viii 

       Vậy, học chim gọi đàn, ta nên bảo nhau hãy vui Xuân, thưởng Xuân và cùng vực ai kia cùng đến hưởng cảnh Xuân, rồi học theo Xuân mà “duy cứ làm một điều: Quên những sự ở đằng sau, vươn theo những sự ở đằng trước; tôi cứ bươn thẳng tới đích để giựt giải về sự kêu gọi từ trên của Đức Chúa Trời trong Christ Jêsus.” ix

Để thức tỉnh những ai dường như đang ngái ngủ, xin mượn một bài thơ của một con cái Chúa năm xưa đã từng trúng giải nhì của “Cuộc Thi Thơ” do báo THANH NGHỆ TĨNH chủ trương; bài thơ có đầu đề:

BÌNH MINH
Sương bạc đầu cành nhặt nhặt sa,
Bên sân túc tục tiếng gà nhà.
Tư bề trời đất giăng màn mới,
Muôn tuổi non sông đổi lốt già.
Thằng mục cày trâu nơi nội vắng,
Khách du lên ngựa khoảng đường xa.
Khò khò ai đó còn mê ngủ,
Sao chẳng theo thời mở mắt ra.x

THÁNH KINH BÁO

__________________

 Trích Thánh Kinh Báo #256, tháng 2, 1958. Phần chú thích là của BBT TVCĐ
 ii Truyền Đạo 1: 4,10
 iii Trích thơ thiền tông “Cáo Tật Thị Chúng” của Thiền Sư Mãn Giác (Trung Hoa)
 iv Trích truyện Kiều của Nguyễn Du (nói về tâm trạng của Thúy Kiều ở Lầu Ngưng Bích)
 v Câu này là câu tác giả đối lại với câu thơ Nguyễn Du ngay phía trên
 vi II Cô-rinh-tô 5:17
 vii Hê-bơ-rơ 3:18
 viii Đây là đoạn Kinh Thánh duy nhất trong bài viết được tác giả trích dẫn địa chỉ. Tuy vậy, địa chỉ được viết là La-mã thay vì Rô-ma. Có thể trong thời gian này sách Rô-ma được gọi là La-mã?
ix Phi-líp 3:13-14
x Bài thơ “Bình Minh” được đoạt giải nhì trong cuộc thi thơ của báo Thanh Nghệ Tĩnh. Rất có thể chính tác giả bài viết là người đoạt giải!

 

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2025 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 843,656 | Online: 2