Ý NGHĨA TỪ CỨU RỖI – VÀ SỰ GIÀU CÓ TRONG NGÔN NGỮ VIỆT

Trong khi nghiên cứu Kinh Thánh, tôi chợt bắt gặp vài chi tiết ngôn từ mang tính chất soi rọi đặc biệt (particularly illuminating) so với các ngôn ngữ khác. Một ví dụ tâm đắc là từ CỨU RỖI, tiếng Anh là SALVATION. Trong các ngôn ngữ khác, ví dụ như tiếng Anh, Salvation có nghĩa là Cứu.  Nhưng trong tiếng Việt, các học giả khi phiên dịch Kinh Thánh đã dịch là Cứu Rỗi (1926).

Chúng ta hãy lược sơ qua các địa chỉ Kinh Thánh sử dụng từ ngữ Cứu Rỗi:

Giăng 4:22
Các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết, chúng ta thờ lạy sự chúng ta biết, vì sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến.”

Công vụ Các Sứ đồ 4: 12
Chẳng có sự cứu rỗi trong đấng nào khác; vì ở dưới trời, chẳng có danh nào khác ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ đó mà được cứu.”

Công vụ Các Sứ Đồ 28:28
Vậy, hãy biết sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời nầy đã sai đến cho người ngoại;  những người đó sẽ nghe theo vậy.”

Rô-ma 10:9-10
Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Giê-xu ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến người từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu;  vì tin bởi trong lòng mà được sự công bình, còn bởi miệng làm chứng mà được sự cứu rỗi.”

2 Cô-rinh-tô 6:2
“Vì Ngài phán rằng:
Ta đã nhậm lời ngươi trong thì thuận tiện, Ta đã phù hộ ngươi trong ngày c
ứu rỗi.”

2 Cô-rinh-tô 7:10
Vì sự buồn rầu theo ý Đức Chúa Trời sanh ra sự hối cải, và sự hối cải dẫn đến sự rỗi linh hồn;  về sự đó người ta chẳng hề ăn năn, còn sự buồn rầu theo thế gian sanh ra sự chết.”

1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:8
Nhưng chúng ta thuộc về ban ngày, nên hãy giè giữ, mặc áo giáp bằng đức tin và lòng yêu thương, lấy sự trông cậy về sự cứu rỗi làm mão trụ.”

2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:13
“Hỡi anh em yêu dấu của Chúa, còn như chúng tôi, phải vì anh em tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi, vì vừa lúc ban đầu, Ngài đã chọn anh em bởi sự nên thánh của Thánh Linh, và bởi tin lẽ thật, đặng ban sự cứu rỗi cho anh em.”

Hê-bơ-rơ 2:2-3
“ Vì nếu lời thiên sứ rao truyền đã vững chắc và sự trái phép nghịch mạng đã được báo ứng xứng đáng rồi, mà nếu ta còn trễ nải sự cứu rỗi lớn dường ấy thì làm sao tránh cho khỏi được? - là sự cứu rỗi Chúa đã truyền ra trước hết, rồi có những kẻ chứng nghiệm nó cho chúng ta.”

Hê-bơ-rơ 2:10
Thật, Đấng mà muôn vật hướng về Ngài và bởi Ngài, vì muốn đem nhiều con đến sự vinh hiển, thì đã khiến Đấng làm cội rễ sự cứu rỗi của những con ấy, nhờ sự đau đớn mà nên trọn lành, là phải lắm.”

Hê-bơ-rơ 5:8-9
Dầu Ngài là Con, cũng đã học tập vâng lời bởi những sự khốn khổ mình đã chịu, và sau khi đã được làm nên trọn vẹn rồi, thì trở nên cội rễ của sự cứu rỗi đời đời cho kẻ vâng lời Ngài.”

Hê-bơ-rơ 9:28
Cũng vậy, Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người;  Ngài  lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho kẻ chờ đợi Ngài.”

1 Phi-e-rơ 1:8-10
“ Ngài là Đấng anh em không thấy, mà yêu mến;  dầu bây giờ anh em không thấy Ngài, nhưng tin Ngài,  và vui mừng lắm một cách không xiết kể và vinh hiển: nhận được phần thưởng về  đức tin anh em, là sự cứu rỗi linh hồn mình. Về sự cứu rỗi đó, các đấng tiên tri đã tìm tòi suy xét,  và đã nói tiên tri về ân điển định sẵn cho anh em.”

Giu-đe 3
Hỡi kẻ rất yêu dấu, vì tôi đã ân cần viết cho anh em về sự cứu rỗi chung của chúng ta, tôi tưởng phải làm điều đó, để khuyên anh em vì đạo mà tranh chiến, là đạo đã truyền cho các thánh một lần đủ rồi.”

Khải-huyền 7:10
“…cất tiếng lớn kêu rằng: “Sự cứu rỗi thuộc về Đức Chúa Trời ta, là Đấng ngự trên ngôi, và thuộc về Chiên Con.”

Khải-huyền 12:10
Tôi lại nghe trên trời có tiếng lớn rằng: “ bây giờ sự cứu rỗi, quyền năng và nước Đức Chúa Trời chúng ta đã đến cùng quyền phép của Đấng Christ Ngài nữa;  vì kẻ kiện cáo anh em chúng ta trước mặt Đức Chúa Trời, nay đã bị quăng xuống rồi.”

Bản Kinh Thánh Truyền Thống Hiệu đính (2010) cũng giữ nguyên Cứu rỗi trong các phần Kinh Thánh trích dẫn trên đây.

Định nghĩa qua các Tự điển hoặc Từ điển:

1. Dictionnaire Annamite-Francais 
par J. F. M. Génibrel. Missionnaire Apostolique.
Deuxième Édition.Saigon.
Imprimerie de la Mission à Tân Định 1898

Từ điển Việt Pháp này là sưu tập của các tu sĩ Công Giáo Bìa trước có ghi:

Từ điển Việt Pháp này là sưu tập của các tu sĩ Công Giáo

Bìa trước có ghi:

Comprenant:

  1. Tous les caractères de la langue annamite vulgaire avec l’indication de leurs divers sens propres ou figurés, et justifiés par de nombreux exemples.
  2. Les caractères chinois nécessaires à l’étude des Tứ Thơ ou Quatre Livres classiques chinois.
  3. La Flore et la Faune de l’Indo-chine

Không có chữ Cứu Rỗi.

Chỉ có chữ Cứu với các từ như: Cứu lấy, cứu chữa, cứu vớt, vô cứu, cứu giúp, cứu chuộc, Chúa Cứu Thế, cứu viện, cứu bịnh, cấp cứu, cầu cứu, cứu thục, cứu can, cứu can binh vực, tiếp cứu, Xin Chúa cứu lấy tôi cho khỏi kẻ nghịch thù tôi, cứu cấp chẩn cơ.

Rỗi theo Dictionnaire Annamit-Francais
Của J. F. M. Génibrel
1898

1. Salut, m. Sauver, délivrer, a. Tirer d’embarras. --- linh hồn, Sauver son ame. Faire son salut.
Phần---, Le salut.
Phóng lịnh tiễn mà ---, Envoyer, tendre le sceptre, le baton en signe de grace.
Xin --- cho nó, sauver-le; Tirez-le d’embarras de ce mauvais pas.
Truyền ---, Faire grace à un condamné.
Đặng---, Pouvoir se sauver; Pouvoir sauver.
Việc --- linh hồn, L’affaire du salut. Lo việc --- linh hồn, S’occuper de son salut; Travailler à son salut.

2. --- (T), Repos, loisir, m.
---việc,id.
Lúc ---, Moment de repos, de loisir.
Khi ---, id

3. Tằm ăn ---(T), les vers  à soie mangent les feuilles entières du murier.

Từ Điển Tiếng Việt. 1992

Cứu rỗi. Cứu vớt linh hồn, theo một số tôn giáo.

Các từ điển Hán Việt chỉ có chữ Cứu không có chữ Rỗi.

Từ Điển Công Giáo  500  mục từ - Nhà Xuất Bản Tôn Giáo  2011

Chỉ có các từ:
Cứu Chuộc, Cứu Độ

Điển Ngữ Thần Học Thánh Kinh (Vocabulaire de Théologie Biblique)

Có dành 8 trang (399-408 ) giải nghĩa về Cứu Rỗi, tuy nhiên cũng chỉ giải nghĩa chữ cứu, không đề cập chữ Rỗi, cũng như các thứ ngôn ngữ khác.

***

Cứu Rỗi Là Gì?

Tiếng Việt chúng ta khi nói đến cứu rỗi là hàm hai ý: Cứu và Rỗi.
Trong thần học thì chữ Cứu đã rất đầy đủ, tuy nhiên trong phúc âm của Chúa Giê-xu còn phần an nghỉ sau khi được Cứu nữa, đó là Rỗi.

Chúa Giê-xu chú trọng rất nhiều đến phần này:
Chúa từng kêu gọi:“Hỡi những ai mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho các ngươi được an nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường;  nên hãy gánh lấy ách của Ta và học theo Ta thì linh hồn các ngươi sẽ được an nghỉ.   Vì ách Ta dễ chịu và gánh Ta nhẹ nhàng.” Ma-thi-ơ 11:28-30

Ví Dụ về Cứu Rỗi

Một người bị rơi xuống biển sâu, cần được vớt lên.
Một người sống trong biển đời tăm tối của tội ác, tin nhận Cứu Chúa Giê-xu để bước sang cuộc đời ánh sáng của thánh khiết trong niềm tin, thương yêu và hy vọng.
Không phải họ chỉ được cứu, nhưng còn được hưởng an bình, thương yêu và hy vọng. Đó là cứu rỗi. Nghĩa là sau khi được cứu còn được an nghỉ trong vương quốc của Chúa.

Thư Rô-ma trong Kinh Thánh Tân Ước chương 6 câu 22 ghi rằng:
Nhưng bây giờ anh em đã được giải phóng khỏi tội lỗi và trở nên nô lệ của Đức Chúa Trời (đó là được cứu),
thì kết quả mà anh em được là sự thánh hóa, và cuối cùng được sự sống đời đời
 (đó là được rỗi).

Phần Rỗi (sau khi được Cứu) gồm cả chữa lành, biến đổi thành một người mới như trong 2 Cô-rinh-tô 5:17:  “Vậy, nếu ai ở trong Đấng Christ, người ấy là tạo vật mới, những gì cũ đã qua đi, nầy mọi sự đều trở nên mới.”

Không những thế, Sứ đồ Phao-lô trong Rô-ma chương 8 nói đến sự sống mới trong Thánh Linh, đó là phần Rỗi của những người đã tin Chúa và được cứu. Thánh Linh ngự trong tâm hồn người đã được cứu xui khiến làm những điều thích hợp xứng đáng để sống một cuộc sống vĩnh hằng.

Câu 4 đến câu 8 ghi:

…để sự công chính mà luật pháp đòi hỏi được thực hiện đầy đủ trong chúng ta, là những người không sống theo xác thịt, nhưng sống theo Thánh Linh. Thật thế, những ai sống theo xác thịt thì chú tâm vào những việc thuộc về xác thịt; còn những ai sống theo Thánh Linh thì chú tâm vào những việc thuộc Thánh Linh, chú tâm vào xác thịt thì sinh ra sự chết, còn chú tâm về Thánh Linh sinh ra sự sống và bình an; vì tâm trí hướng về xác thịt thì thù nghịch với Đức Chúa Trời, bởi nó không thuân phục luật pháp của Đức Chúa Trời; thực ra nó không có khả năng để thuận phục. Người nào sống theo xác thịt thì không thể nào đẹp lòng Đức Chúa Trời.”

Nhiều người tin Chúa đã lâu nhưng vẫn khao khát phép lạ. 
Vẫn lo sợ, và vẫn không yên tâm về các mối liên hệ của mình. 
Những người ấy đã được Chúa cứu, nhưng chưa được an nghỉ. Những người theo phong trào đầy dẫy Thánh Linh thì cho rằng chưa được đầy dẫy Thánh Linh, vì vậy phải đọc Kinh thánh nhiều hơn và nhất là phải theo Kinh Thánh mà cầu nguyện. 

Nhiều người đã làm đủ cách, nhưng vẫn thấy thiếu và vẫn khao khát. 

Thật ra người ấy đã được Chúa cứu nhưng chưa được an nghỉ.

Vậy Chữ Save/Salvation Không Có Phần Rỗi Sao?

Nếu vậy thì hóa ra sự cứu rỗi được ban cho cách phân biệt dựa trên … ngôn ngữ sao? Và cả hệ thống thần học phương Tây chỉ được Cứu mà không có phần vui hưởng Đức Thánh Linh về sau sao?
Thưa chắc chắn không phải như vậy.
Chữ Save/Salvation tự thân đã phải hàm ý hưởng an nghỉ như là hệ quả nghiễm nhiên của sự chuộc tội rồi.  Được an nghỉ, được đầy dẫy Đức Thánh Linh nghĩa là được rỗi. Nhưng từ Salvation này không hàm súc, không “soi rọi” như chữ Cứu Rỗi, nó không được phát ra tượng thanh và tượng hình, làm mạnh cho giác quan cảm nhận.

Tôi cho rằng lý giải cho việc này là tính giàu có và hàm súc trong ngôn ngữ Việt khiến chúng ta là những tín hữu người Việt thật được trọn hưởng sự cứu rỗi với trọn ngữ nghĩa của từ ngữ này.

Ban Dịch Thuật Kinh Thánh

Ông bà giáo sĩ Cadman khi cất công dịch thuật quyển Kinh Thánh ra tiếng Việt, ông bà được soi dẫn để mời các học giả lỗi lạc của Việt Nam góp phần. Chúng ta thường nghe nói học giả Phan Khôi tham gia dịch Kinh Thánh. Thật ra, dịch giả chính là ông bà giáo sĩ Cadman, với vốn hiểu biết thần học lẫn ngôn ngữ Hê-bơ-rơ  mới có thể  chuyển ngữ nổi cuốn Kinh Thánh. Nhưng các học giả như Phan Khôi, Trần Văn Dõng… với vốn tiếng Việt sâu rộng và phong phú đã đóng vai trò làm tròn, đẹp khái niệm thiêng liêng bằng ngôn từ thuần Việt. Không những chỉ sử dụng ngôn từ thuần Việt mà họ còn vươn ra, giúp ngôn ngữ đạt đến tầm cao mới. Họ đã suy nghĩ, tìm tòi và sáng tạo. Vâng, không chỉ là “cứu” như họ có quyền làm, nhưng còn là “cứu rỗi.”

 

Ông Trần Văn Dõng (hàng sau, đứng thứ 2 bên trái), thành viên ban phiên dịch Kinh Thánh với giáo sĩ Cadman, ở đây chụp hình cùng với ông bà GS Jackson, các MS Ông Văn Huyên, Duy Cách Lâm, Phạm Văn Năm tại Đà Lạt 1955.

 

Học giả Phan Khôi (1887-1959)

Chắc cần phải có một cuộc nghiên cứu chi tiết để xác định học giả Phan Khôi và đồng sự có phải đã đặt ra (coin) từ “cứu rỗi” hay không, nhưng tôi đoan chắc thế. Như đã thấy qua phần lượt qua các tự điển tiếng Việt thời đó đều không có chữ cứu rỗi. Riêng Tự Điển tiếng Việt (1992) của nhà Xuất Bản Văn Hóa Xã Hội (?) được xuất bản rất lâu sau khi KT được dịch, lúc đó từ cứu rỗi đã có mặt trong tiếng Việt từ lâu.

Như đại văn hào Nguyễn Du đã nâng tầm tiếng Việt qua truyện Kiều, Phan Khôi và các học giả Việt Nam đã giúp nâng tầm ý niệm của chúng ta về từ cứu rỗi.

Chúng ta hãy nghe và cảm nhận tính tượng hình, tượng thanh, hàm súc, soi rọi của từ này một lần nữa qua mấy câu Thi-thiên sau đây và cầu nguyện:

Thi-thiên 91 câu 14-16:
Vì người kính mến Ta nên Ta sẽ giải cứu người; Ta sẽ bảo vệ người vì người biết danh Ta.  Người sẽ kêu cầu Ta, Ta sẽ đáp lời người; trong cơn gian truân, Ta sẽ ở cùng người, giải cứu người và tôn quý người.  Ta sẽ cho người thỏa lòng sống lâu và chỉ cho người thấy sự cứu rỗi của Ta.”

Nguyễn Sinh

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2024 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 104,457 | Online: 1