Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 04 - Tháng 12/2023

Từ Thơ Thánh (1936, 1941) đến Thánh Ca (1950, 2010) và Thánh Ca Điện Tử (2015)

Lời BBT – Mùa Giáng Sinh là mùa nhân loại trổi tiếng hát, khởi đầu từ bài hát của các thiên binh năm xưa khi Chúa chào đời; và từ đó trở đi bao nhiêu ca khúc đã được sáng tác để ca tụng Chúa và được truyền lại qua ngàn năm: “Hòa bình dưới đất hỉ hân cho người vì hôm nay Giê-xu đến. Ngài là Cứu Chúa của muôn muôn người hạ sinh đem theo ân điển. Đưa dắt tội nhân ra khỏi bến mê của nơi trần gian ô tối. Từ trời cao các thiên binh đem Tin Vui này. Ô Tin Mừng Vui, ngày nay Giê-xu giáng thế đem an vui cho người…”

Có khi nào chúng ta dừng lại để suy gẫm từ đâu chúng ta có được những bài hát vượt thời gian, làm rung động tấm lòng - điều mà chúng ta xem gần như đương nhiên có? Nhân dịp mùa cất tiếng hát, mùa của Tình Yêu, Hân Hoan và Hy Vọng, Thư Viện Cơ Đốc xin giới thiệu bài viết về lịch sử phát triển quyển Thánh Ca của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam qua biên khảo của nữ Truyền Đạo LTLT. 

------------------------

Như bông hoa và hương thơm của nó, một bài thánh ca có giai điệu là một sinh phẩm, một giá trị có thể ảnh hưởng đến tâm tư. Giai điệu là một khúc nhạc hay, không có giai điệu thì lời ca sẽ chẳng có cảm xúc dâng trào. Làm sao tín hữu có thể hát những lời ca mà không có nhạc? “Nghe kinh khủng quá, ghê gớm quá, khủng khiếp quá!” là lời thốt lên của giáo sĩ P.E. Carlson, một người tinh thông âm nhạc khi nghe hội chúng người Việt hát lên những bài Thơ Thánh không có nốt đờn (tiền thân của Thánh Ca).

Thánh Augustine định nghĩa một bài thánh ca là “sự ngợi khen Đức Chúa Trời bằng bài hát.” Một tác giả khác xem việc “hát thánh ca là cách tiếp cận Đức Chúa Trời bằng cảm xúc tôn kính." Thật vậy, sự ngợi khen đến từ cả lời lẫn nhạc. 

Trong bối cảnh sơ khai của Hội Thánh khi Tin Lành mới được truyền đến Việt Nam, ông bà giáo sĩ William Charles Cadman đã có đóng góp lớn cho nền Thánh Ca Việt Nam bằng cách dịch những bài thánh ca tiếng nước ngoài sang tiếng Việt để tín hữu Việt Nam có thể hát ca ngợi Chúa, nhưng các bài hát này được trình bày theo dạng bài hát chỉ có ca từ không nhạc, không phải dưới dạng “ngôn ngữ ngũ âm.” Quyển “Thơ Thánh” chỉ toàn lời ca đã được xuất bản vào khoảng những năm đầu thế kỷ 20 (1917-1918). 

Việc soạn thảo thánh ca có giai điệu có vẻ là cách tự nhiên và thỏa đáng nhất, vì trong hầu hết các trường hợp, không thể tách rời hai yếu tố ca từ và giai điệu với nhau. Giáo sĩ P. E. Carlson đã được Đức Thánh Linh cảm thúc làm gì đó để thay đổi tình hình “Thơ Thánh” chỉ toàn lời ca. Ông đã tìm hiểu, trích dịch nhiều bài thánh ca và soạn thảo lại những chữ có dấu cho hợp với âm vực. Thánh Ca có nốt đờn sẽ giúp người nghe hiểu được ý nghĩa, tăng phần cảm xúc trong sự ngợi khen. 

Công việc được giáo sĩ P. E. Carlson khởi sự từ năm 1930 cùng với các nhà soạn nhạc Việt Nam. Lúc đó, sinh viên Vũ Văn Cư  tại Trường Kinh Thánh Đà Nẵng đã có dịp góp phần trong việc đặt nền cho sự ca ngợi Chúa qua âm nhạc.

Như trình bày bên trên, giáo sĩ P. E. Carlson bắt đầu công việc với quyển “Thơ Thánh” không có nhạc và triển khai thành quyển Thơ Thánh có nhạc, được đặt tên là “Thơ Thánh có Nốt Đờn, với những ca từ mộc mạc chân thành. Mục sư Vũ Văn Cư, với ân tứ về âm nhạc, đã góp phần to lớn cho tiền đồ của Hội Thánh Chúa tại Việt Nam. 
Những nỗ lực của các giáo sĩ và mục sư đầu đàn đã cho ra đời các ấn bản Thánh Ca như sau:

Đầu năm 1931, quyển “Thơ Thánh có Nốt Đờn” gồm lời ca lẫn nốt nhạc, với 200 bài thánh ca được xuất bản.
Năm 1936, “Thơ Thánh có Nốt Đờn” với 245 bài được xuất bản lần thứ II. 


Năm 1939, “Thơ Thánh có Nốt Đờn” với 245 bài được xuất bản lần thứ III.
Năm 1941, “Thơ Thánh có Nốt Đờn” với 250 bài và 7 đoản ca  được xuất bản lần thứ IV.



Năm 1944, “Thơ Thánh có Nốt Đờn”  được xuất bản lần thứ V.

Hát ngợi khen là sự tuôn tràn tự nhiên từ tấm lòng tín hữu trong các buổi thờ phượng Chúa. Tuy nhiên bản "Thơ Thánh có Nốt Đờn" vẫn còn cần được chỉnh sửa. 

Năm 1943, Giáo Hội Tin Lành Việt Nam đã cố gắng cùng các giáo sĩ thử nhuận chánh các bài Thơ Thánh đã có, nhưng công việc bất thành. Mãi đến năm 1948, Ban Nhuận Chánh Thánh Ca được thành lập, trong đó giáo sĩ John D. Olsen là chủ biên, Mục sư Phan Đình Liệu là trưởng ban, cùng các thành viên gồm Mục sư Ông Văn Huyên, Truyền Đạo Vũ Văn Cư, và Truyền Đạo Nguyễn Văn Vạn. Bên cạnh đó, cũng có ông Nguyễn Văn Tư, Truyền đạo sinh Lê Khắc Cung và Truyền đạo sinh Nguyễn Lĩnh dự phần vào công tác của Ban Nhuận Chánh. TĐS Lê Khắc Cung phụ trách việc ghi nốt nhạc, kẽ khuôn và chép lời quyển Thánh Ca. 

Sau hơn hai năm làm việc cật lực, tức là vào năm 1950, bản “Thánh Ca Tôn Vinh Đức Chúa Trời” khổ lớn (26 x 18cm) đã được xuất bản với 455 bài Thánh Ca và 55 bài Kinh Thánh Đối Đáp, ấn bản đầu in 10.000 quyển. 


Sáng Chúa nhật ngày 10-12-1950 là Lễ Cung Hiến Thánh Ca được cử hành tại giảng đường trường Kinh Thánh Đà Nẵng, với sự hiện diện của Mục sư Lê Văn Long, Chủ nhiệm địa hạt Bắc Trung phần cùng với các vị mục sư, truyền đạo và các tín hữu.

Do quyển Thánh Ca ban đầu (1950) có khổ lớn bất tiện, nên sau tám (8) năm phát hành, tức là vào năm 1958, quyển "Thánh Ca" này được tái bản lần 2. Với lần tái bản này, "Thánh Ca" có khổ thu nhỏ và được bổ sung thêm một số bài từ 456 đến 509 bài. Từ đó trở đi, quyển "Thánh Ca" với 509 bài được tái bản nhiều lần và được sử dụng trong suốt nửa thế kỷ từ 1958 đến 2008.

Giáo sĩ Olsen trong Ban Nhuận Chánh Thánh Ca là người luôn tìm cách phổ biến quyển Thánh Ca qua việc đi hát khắp các Hội Thánh. Ông hay đi cùng MS Nguyễn Sơn Hà, một Mục Sư nữa có ân tứ âm nhạc đến các Hội Thánh để hát phổ biến Thánh Ca. 

Vào năm 2008, trong tinh thần hướng đến kỷ niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam, cùng với nhu cầu có thêm bài thánh ca mới, một Ban Soạn Thánh Ca được thành lập, trong đó Mục sư Nguyễn Lâm Hương là Trưởng Ban, cùng với các tôi con Chúa trong các Hội Thánh. Ban soạn Thánh Ca lần nầy đã tham khảo các tập thánh ca khác như "Phúc Âm Ca", "Ca Khúc Muôn Đời", "Ca Khúc Xanh", "Khúc Hát Tâm Linh"… và từ đó đã chọn lọc thêm một số bài hát khác để đưa vào Thánh Ca.

Thông qua sự duyệt lãm của Ban trị sự Tổng Liên Hội lúc bấy giờ, cuối cùng quyển "Thánh Ca" gồm 903 bài và "100 bài đọc Kinh Thánh Đối Đáp" được hoàn chỉnh vào cuối năm 2010.


Năm 2011, Hội Thánh Tin Lành Việt Nam tổ chức Kỷ Niệm 100 Năm Tin Lành đến Việt Nam. Đây cũng là dịp Hội Thánh hân hoan đón nhận quyển "Thánh Ca" 903 bài được phát hành năm 2010. Quyển "Thánh Ca" 903 bài này được hội thánh sử dụng cho đến nay qua hình thức quyển thánh ca giấy hoặc thánh ca điện tử. 



Nhìn lại chặng đường lịch sử ra đời của "Thánh Ca Tôn Vinh Đức Chúa Trời" (Thơ Thánh – Thơ Thánh có nốt đờn – Thánh Ca) , mọi tín hữu Tin Lành Việt Nam thật không thể đủ lời đủ tiếng để cảm tạ việc lớn Chúa làm cho Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Cảm tạ Đức Chúa Trời, Đấng đáng được ngợi khen, chúc tụng như tác giả Thi Thiên đã cất tiếng: “Ha-lê-lu-gia! Hãy hát cho Đức Giê-hô-va một bài ca mới! Hãy ca ngợi Ngài trong hội các thánh Ngài.” (Thi Thiên 149:1-TTHĐ)

Thư Viện Cơ Đốc hiện đang trưng bày "Thơ Thánh Có Nốt Đờn" phiên bản năm 1936 và 1941, và "Thánh Ca" 1950 và 2011. Kính mời quý độc giả quan tâm đến chiêm ngưỡng lịch sử. 

Tài liệu tham khảo:
- Lê Hoàng Phu, "Lịch Sử Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (1911-1965)". Hà nội: Nhà xuất bản tôn giáo, 2010. 
- Phan Đình Liệu, "Lịch Sử Tin Lành Truyền Đến Việt Nam", 1966.
- Tổng Liên Hội, "Thánh Ca Qua Các Thời Kỳ: Kỷ niệm 100 năm Tin Lành truyền đến Việt Nam", 2011. 
- Trần Thái Sơn, "Những Người Đi Trước Tôi", 2014 
http://vietnamesetheologicalreview.org/vi/tap-chi-than-hoc/Loi-Chung/Nhung-Nguoi-Di-Truoc-Toi-11/, (accessed on 6 September 2017).

-----------------------
[1] Sau này là Mục sư Vũ Văn Cư.
[2] Một kỷ niệm đau buồn có liên quan đến vị Giáo sĩ khả kính Olsen là vào dịp khánh thành nhà thờ Tin Lành Nguyễn Tri Phương ngày 6/2/1954, Giáo sĩ Olsen sau khi giảng bồi linh cho Hội Thánh tối ngày 9/2/1954, trên đường về nhà bằng xe xích lô máy, ông đã bị tai nạn xe và qua đời. (Theo lời thuật của bà QPMS Nguyễn Sơn Hà ngày 4/12/2023).
[3] Phòng Truyền Thông Tổng Liên Hội HTTL VN, với sự tài trợ của một số tín hữu, đã cho ra đời ứng dụng Thánh Ca điện tử vào năm 2015 (ứng dụng điện tử cho Kinh Thánh ra đời năm 2016) để đáp ứng nhu cầu tôn vinh Chúa trong thời đại mới.
[4] Quý bạn đọc có thể tham khảo các phiên bản Thánh Ca qua từng thời kỳ tại Phòng Trưng Bày Lịch Sử Hội Thánh tại Thư Viện Cơ Đốc.

CÁC NỘI DUNG TRONG SỐ NÀY

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2024 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 104,445 | Online: 1