Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 04 - Tháng 12/2023

Giáng Sinh Đã Thay Đổi Thế Giới Như Thế Nào [1]

Bài giảng vào dịp Giáng Sinh thường rất khó soạn, bởi vì sau 2,000 năm thì câu chuyện Giáng Sinh— câu chuyện vốn làm chấn động thế giới về việc Thượng Đế giáng thế và trở thành một hài nhi — đã không còn gây kinh ngạc nữa. Câu chuyện bị che lấp bởi sự quen thuộc và sự phân tâm, khi mà vào mùa này xung quanh chúng ta là các con tuần lộc trang trí Giáng Sinh và những quảng cáo dày đặc của mùa lễ hội.

Nhưng câu chuyện Giáng Sinh về cốt lõi là một câu chuyện đáng kinh ngạc. Không những thế, đây còn là một câu chuyện thật kỳ lạ. Đây là dịp chúng ta kỷ niệm Thiên Chúa — một Thượng Đế đích thực mang trọn vẹn thần tính — đã mặc lấy thân xác con người: người đó có lông chân, có nước mắt mặn và hít thở không khí bình thường như mọi người khác. Không chỉ vậy, Thiên Chúa đích thực với trọn vẹn thần tính đó lại hóa thân thành một hài nhi, đến từ một phôi thai, một em bé không thể tự chủ, hoàn toàn yếu đuối và phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác.

Thế giới cổ đại có những câu chuyện về các vị thần linh phối giao với người trần thế và sinh ra những đứa con bán thần. Nhưng câu chuyện kỳ lạ của Cơ Đốc nhân thì cho rằng Đấng Tạo Hóa duy nhất đã trở thành con người, một hài nhi, mà lại là một hài nhi sinh ra trong nghèo khó, không có sức mạnh hay quyền lực; một hài nhi sinh ra trong một gia đình thuộc tầng lớp thấp hèn, thuộc một dân tộc thiểu số đang sống dưới quyền lực của một đế quốc hùng mạnh cai trị bằng cách đàn áp và bạo lực. Ngài bị đẩy ra rìa xã hội, bị coi thường, và chết cách nhục nhã như cái chết của một tên tội phạm.

Câu chuyện này quả là kỳ diệu, nhưng ngày nay người ta phải cố hình dung lại và xua bỏ sự quen lờn cũng như rào cản của thời gian 2,000 năm lịch sử, để có thể tìm lại được cái cảm giác kỳ diệu đó. 

Đối với một người sống ở phương Tây, câu chuyện Giáng Sinh thường ngấm sâu và định hình cuộc sống và thế giới quan của họ. Họ không nhất thiết phải tin vào Chúa Giê-xu, hoặc thậm chí suy nghĩ về Ngài, để chấp nhận câu chuyện Giáng Sinh. Tom Holland, một sử học gia người Anh và tác giả cuốn "Dominion: How the Christian Revolution Remade the World” nhận định: "Chúng ta xem việc những người thấp hèn nhất thuộc giai cấp thấp nhất vẫn có nhân phẩm như một điều hiển nhiên." 

Theo tiến sĩ Larry Siedentop trong cuốn “Reinventing the Individual” thì trước khi tư tưởng Cơ Đốc giáo đem lại khái niệm bình đẳng triệt để này thì hầu hết mọi xã hội cổ đại đều được tổ chức theo hệ thống giai cấp; và họ cho rằng tầng lớp giai cấp xã hội khác nhau thể hiện giai cấp bẩm sinh của mỗi người.

Aristotle (và những người theo trường phái của ông) cho rằng có một số nhóm người là "nô lệ tự nhiên," về bẩm sinh là thấp kém và sinh ra để bị thống trị - đây là tư tưởng phổ biến thời đó. Chúa Giê-xu ra đời trong thế giới La Mã trong thời kỳ mà “cái lý thuộc về kẻ mạnh” là tư tưởng thống trị. Theo tư tưởng này, nếu một người là nô lệ hoặc là phụ nữ, có khuyết tật, hay thuộc một dân tộc hoặc tôn giáo thiểu số, có nghĩa là người đó xem như không có nhân phẩm và giá trị; và điều này được xem là tự nhiên và tất nhiên.

Nhưng câu chuyện về Chúa Giê-xu, như nhà thần học Maximus thế kỷ thứ VII mô tả, "là một cách nhìn nhận con người hoàn toàn mới." 

Hội Thánh dần dần khám phá ra rằng biến cố Thiên Chúa nhập thế đã thay đổi hoàn toàn hiểu biết của chúng ta về bản chất con người. Chúa cho thấy rằng, giá trị con người không chỉ dành riêng cho một quốc gia, giới tính, hoặc giai cấp nào đó. Thay vào đó, con người có giá trị thiêng liêng. Và giá trị của người yếu đuối được xem là quan trọng hơn đặc quyền của kẻ mạnh. Hoặc như Holland nói, “Tư tưởng bình đẳng của Cơ Đốc giáo đã dẫn tới khái niệm về nhân phẩm và nhân quyền".

Các Cơ Đốc nhân đầu tiên đã được biết đến qua công tác giải cứu và nuôi dưỡng trẻ em bị "bỏ rơi," tức là những con trẻ không mong muốn đã bị bỏ ra ngoài trời cho chết - một thói quen phổ biến trong thế giới cổ đại. Những Cơ Đốc nhân này, phần lớn là phụ nữ và nô lệ, đã trở nên nổi tiếng vì tự nguyện ở lại trong thành phố giữa những đợt dịch bệnh để chăm sóc người bệnh và người khốn khó. Họ hành động như vậy vì tinh thần Cơ Đốc hấp dẫn họ. Đây chính là động lực giúp Hội Thánh đầu tiên phát triển nhanh chóng - một sự thật mà thế giới La Mã đã nhìn nhận lẫn chế nhạo.

Tư tưởng mang tính cách mạng này vang vọng qua nhiều thế kỷ, cho đến lúc nó trở thành nguyên nhân thúc đẩy sự ra đời của bệnh viện, nền giáo dục phổ thông, và sự biết chữ lan rộng. Nó cũng truyền cảm hứng và ảnh hưởng lên tư tưởng đương đại về nhân quyền phổ cập cho mọi người.

Charles Malik, một Cơ Đốc nhân Li-băng, người góp phần soạn thảo bản Tuyên Ngôn Quốc tế về Nhân Quyền năm 1948, nói: "Nền tảng tối hậu của sự tự do chính là giáo lý Cơ Đốc về quyền bất khả xâm phạm của con người." 

Câu chuyện gây kinh ngạc mà Hội Thánh vẫn kể vào mỗi dịp Giáng Sinh – câu chuyện về Chúa hóa thân làm một người thuộc tầng lớp thấp nhất trong xã hội - chính là khởi đầu của việc xem những người yếu đuối nhất trong xã hội là có giá trị như mọi người khác.

Tiếc rằng, giống như một câu chuyện quen thuộc đến mức không còn làm chúng ta choáng sốc, ý nghĩa biến đổi thế giới của câu chuyện đó cũng không còn làm chúng ta kinh ngạc nữa. 

Vậy thì làm thế nào để câu chuyện Giáng Sinh trở nên mới lại và có thể gây kinh ngạc? Ta hãy nhìn sự nhập thế của Chúa thông qua cặp mắt của người cổ đại. Đối với những người này, đây là một sự đảo lộn thế giới quan. Hoặc ta hãy nghe thử nghe câu chuyện này thông qua thính giác của những người từ trước tới nay chỉ từng được nghe cụm từ "Con Trời/Thiên Tử" là chỉ về Sê-sa Au-gút-tơ - một hoàng đế và nhà chỉ huy quân sự uy quyền – mà thôi. Họ không thể tưởng tượng cụm từ “thiên tử” có thể chỉ về một người thuộc giai cấp nghèo khó, lang thang đây đó và bị đàn áp. Ta hãy thử nghe câu chuyện này từ những người không bao giờ tưởng tượng được rằng Thượng Đế không đứng về phía những kẻ chiến thắng hay kẻ mạnh, thay vào đó, Ngài đứng với những người đói, khát và bị giam cầm?  

Chúng ta cũng hãy thử nghe câu chuyện này từ nhãn quang của những người đã bị đánh đập và bầm dập, những người sẽ vô cùng kinh ngạc khi thấy Thiên Chúa chấp nhận hiện ra trong cơ thể con người, và cơ thể đó sẽ bị đánh đập và bầm dập?

Tất nhiên, không phải Cơ Đốc nhân qua các thời đại đã luôn tuân thủ đạo đức triệt để này; có những người ủng hộ chế độ nô lệ và thực dân đã sử dụng quan điểm "nô lệ tự nhiên" (natural slaves) của Aristotle để biện giải cho hành vi bạo lực của mình đối với người khác. Nhưng ít nhất là thế kỷ thứ hai trở đi, Cơ Đốc nhân đã xem việc mở rộng và nâng cao nhân phẩm phổ cập cho con người như là chiến thắng của Chúa và vương quốc của Ngài trên đất, chiến thắng đã được mở màn cách không ồn ào vào một đêm khuya thanh vắng khi Chúa được sinh ra đời tại tiểu thôn Bết-lê-hem.

Đây là thời điểm mà chúng ta cần nhớ lại tin tức gây chấn động đó, rằng Đấng Tạo Hóa, theo lời Phao-lô trong thư Phi-líp, "đã tự bỏ mình đi, lấy hình tôi tớ, và trở nên giống như loài người" và Ngài đã vâng phục cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự. Câu chuyện này vẫn đang tiếp tục mời gọi chúng ta ngày hôm nay.

Ngay cả khi viết những dòng này, tôi nhận ra chính mình đôi khi vẫn tin rằng thế giới thuộc về kẻ thắng và kẻ mạnh. Hội Thánh ngày nay, cũng giống như bao người, nhiều khi muốn trở nên người có tiền, thành công và quyền lực - giống Sê-sa Au-gút-tơ - hơn là giống Người đã trở nên yếu đuối, bất lực và bị khinh dễ và chán bỏ. Chúng ta thường tìm kiếm Thiên Chúa tại rừng quà dưới cây Giáng Sinh hoặc trong niềm hạnh phúc nào đó của mình, hơn là tìm kiếm Ngài qua sự bất lực của một hài nhi, trong những nét lo lắng trên khuôn mặt những người khốn khổ, hay qua sự đau đớn một mình của một người đang chết trên thập giá. 

Nhưng một lần nữa trong năm nay, câu chuyện này mời gọi chúng ta hãy bị bắt phục cách mới mẻ và một lần nữa góp phần làm thay đổi thế giới cách toàn diện.

----------
[1] Bài viết được tác giả cho phép dịch trích đoạn từ nguồn: https://www.nytimes.com/2021/12/26/opinion/how-christmas-changed-everything.html?searchResultPosition=5. Các chú thích trong bài viết này là của Ban Biên Tập.
[2] Tác giả bài viết là mục sư giáo hội Episcopal tại Bắc Mỹ, cũng là tác giả cuốn sách "Prayer in the Night: For Those Who Work or Watch or Weep" (tạm dịch: Cầu Nguyện Giữa Đêm Khuya: Viết cho Những Ai Làm Việc hoặc Thức Canh hoặc Than Khóc) – đoạt giải Sách của Năm 2022 của báo Christianity Today. Bạn đọc có thể tìm đọc "Prayer in the Night" nguyên bản tiếng Anh tại Thư Viện Cơ Đốc.
[3] Chấp nhận câu chuyện Chúa giáng sinh làm người, mà không nhất thiết tin Chúa là Cứu Chúa của nhân loại.
[4] Thông qua sự nhập thể vào trong một gia đình thuộc giai cấp thấp trong xã hội, Chúa Giê-xu đã nâng giai cấp đó lên và cho thấy người nghèo vẫn có giá trị và nhân phẩm bình đẳng với mọi người khác – điều này đi ngược với những giả định xã hội đương thời vốn dựa nền tảng trên hệ thống giai cấp và cho rằng mỗi người bẩm sinh đã thuộc về giai cấp khác nhau, và người thuộc giai cấp thấp sinh ra để làm nô lệ cho người thuộc giai cấp cao.
[5] Aristotle: triết gia Hy Lạp cổ đại có tầm ảnh hưởng lớn.
[6] Thế giới của kẻ mạnh xem việc bênh vực người thấp hèn và khốn khổ không phải là việc làm của kẻ mạnh.
[7] Universal Declaration of Human Rights – Tuyên Ngôn Toàn Cầu về Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc ra đời ngày 10/12/1948, nêu rõ những quyền cơ bản và tự do mà tất cả mọi người đều có quyền được hưởng.
[8] Việc Thượng Đế nhập thế và chọn đứng trong hàng ngũ tầng lớp thấp nhất trong xã hội lẽ ra gây kinh ngạc tột cùng, nhưng ngày nay người ta quen thuộc đến nỗi không còn thấy ngạc nhiên.
[9] Thế giới cổ đại quan niệm trật tự xã hội dựa trên nền tảng giai cấp. Thượng Đế đúng ra thuộc về giai cấp cao nhất, nhưng Ngài đã chọn giáng sinh vào giai cấp thấp nhất, là sự đảo lộn những gì thế giới lúc đó từng biết.
[10] Caesar Augustus, hoàng đế đầu tiên của đế quốc La Mã (63 trước CN – 14 sau CN).
[11] Qua việc đứng cùng giai cấp với những người khốn khổ nhất trong xã hội, Chúa cho thấy mỗi con người đều bình đẳng và có giá trị như nhau. Tư tưởng này hoàn toàn mới lạ đối với xã hội thời đó.

CÁC NỘI DUNG TRONG SỐ NÀY

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2025 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 480,236 | Online: 4