Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 04 - Tháng 12/2023

Trải Nghiệm Lễ Giáng Sinh của Gia Đình Giáo Sĩ Ziemer Tại Ban Mê Thuột

Lời BBT: Để có thêm thông tin về công việc Chúa trong quá khứ, là một phần trong kho sử liệu về Hội Thánh, chúng tôi xin trích dịch một số mẩu chuyện về các giáo sĩ trong những ngày Giáng Sinh cách đây hơn 70 năm. Dưới đây là câu chuyện kể về gia đình ông bà giáo sĩ Ziemer qua lời thuật của bà giáo sĩ Gordon Smith và của bà Beth Drummond (con gái của ông bà Ziemer)-lời dịch và chú thích của nữ TĐ Lệ Thanh.

Lời Dịch Giả: Khi đến một đất nước xa xôi như Việt Nam để truyền giáo trong những năm đầu thế kỷ 20, các giáo sĩ trong Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp thuộc nhiều quốc tịch đã hòa lòng với Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, tìm thấy niềm vui, kỷ niệm không thể nào quên; họ đã xắn tay áo tham gia những hoạt động chuẩn bị kỷ niệm Chúa Giê-xu Giáng sinh vào tháng 12 mỗi năm. Dù có những khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ, các giáo sĩ vẫn có thể trải nghiệm nét đặc biệt của lễ Giáng Sinh ở quốc gia cách xa nửa vòng trái đất. 

Trích Hồi Ký “Farther Into the Night”  của bà giáo sĩ Gordon H. Smith:

Khi Lễ kỷ niệm Chúa Giê-xu giáng sinh đến gần, chúng tôi mải mê trong việc chuẩn bị cho buổi lễ được thật sự trọng thể với người dân tộc Ra-đê. Vào giờ nghỉ giữa giờ của các lớp học Kinh Thánh và buổi thờ phượng tối, thầy (Truyền Đạo) Nguyễn Hậu Nhương và tôi cùng nhau tập dượt cho các học viên tiết mục của họ trong chương trình Giáng Sinh để họ có thể diễn lễ thật tốt.

Tôi còn nhớ, vào ngày 22 tháng 12 năm 1950, chúng tôi đã trang trí nhà thờ bằng những chiếc lá cọ quanh các cửa sổ và những vòng hoa nguyệt quế có kết nơ đỏ gắn ở chính giữa. Chúng tôi cũng treo nhiều ngôi sao bằng giấy có bóng đèn bên trong với chuỗi vòng hoa bằng giấy xanh đỏ khắp nhà thờ. Các học viên của chúng tôi ra ngoài đốn cây thông mọc dại về làm cây thông Nô-ên.


Giáo sĩ Gordon điều khiển chiếc máy bay Stinson tới Đà Lạt để đón các giáo sĩ đồng nghiệp mới của chúng tôi là Bob và Marie Ziemer và hai đứa con của họ, Beth và Bobby Tim cùng đến thăm các khu vực người dân tộc. Trong vòng vài tiếng đồng hồ, anh ấy đã cùng họ trở lại chỗ của chúng tôi. Họ lập tức tham gia giúp chúng tôi gói những món quà nhỏ cho các trẻ em và sau đó chúng tôi lái xe đến Ban Mê Thuột để dự Lễ Kỷ niệm Chúa Giáng Sinh.

Nhà nguyện hôm đó chật kín người, và còn có khoảng ba trăm người đứng bên ngoài. Do có nhiều tín hữu từ Buôn Ea Mdroh, Buôn Kheet và nhiều làng khác đến dự nên chúng tôi cần phải lên chương trình cho nhiều đêm liên tiếp trong nhà nguyện nhỏ mà chúng tôi phụ trách. Các học viên ca hát và đọc thuộc lòng những bài thi ca thật hay và cũng có 50 người Pháp đến dự cách hào hứng. Mỗi thành viên trong gia đình Ziemer đứng lên nói lời chào mừng những người mới đến.

Mặc dù chúng tôi lặp lại chương trình Giáng Sinh cho hai đêm kế tiếp, nhưng đêm nào nhà nguyện cũng chật cứng người. 

Vào buổi sáng Giáng Sinh, chúng tôi có buổi nhóm thật phước hạnh; và lần đầu tiên Giáo sĩ Bob Ziemer giảng Lời Chúa cho người dân tộc, giáo sĩ Gordon phiên dịch, và có ba người đã đáp ứng tin Chúa.

Qua ngày hôm sau, chúng tôi đưa gia đình Ziemer đến Pleiku, cách Ban Mê Thuột về hướng Bắc khoảng 200 ki-lô-mét để thăm Thầy Cô Phạm Xuân Tín, lúc bấy giờ là truyền đạo người Việt lo cho dân tộc Gia-rai ở đó. Chúng tôi dùng bữa ăn đậm chất địa phương với gia đình của Thầy Tín trong căn nhà bé nhỏ của họ dưới ánh đèn măng xông thắp bằng dầu lửa, sau đó chúng tôi đến dự chương trình lễ Giáng Sinh trong nhà nguyện bằng tre. Gia đình Thầy Tín đã chinh phục được một số người Gia-rai và Hdrung (nhóm địa phương) trở về với Chúa và thật vui khi nghe những người dân tộc tham dự và ca hát  trong buổi nhóm thú vị đó.

Khuya đó, khi lái xe về nhà dưới ánh sáng trăng, chúng tôi thấy một con thú gì đó trên đường ở phía trước, chúng tôi nghĩ đó là con trâu của dân địa phương. Gordon không tỏ ra lo lắng gì và giương súng chuẩn bị bắn. Sau đó, khi tiến đến gần hơn, thì thấy đó là một con hổ lớn! Gordon hành động rất nhanh nhưng đã bắn trượt và con thú chạy mất.

Khi xe chúng tôi đang tiếp tục tăng tốc chạy thì Bob Ziemer, lúc ấy đang ngồi giữa Leslie and Gordon ở băng ghế phía trước đã thốt lên giọng kinh sợ và lo lắng, “Ồ, có con báo đang nằm bên đường kìa!” Chúng tôi chạy băng qua nó nhưng không thấy nó. Bỗng nhiên, Gordon có cảm nhận có gì đó khác thường và kêu lên, “Cái gì đây, cái gì?” và bật đèn chiếu hậu. Chúng tôi quay lại nhìn qua cửa sổ phía sau, qua ánh đèn của xe hơi, thì Marie, Stan và tôi thấy con báo đốm rất đẹp đang nằm yên, cách chúng tôi chỉ hơn 1 mét!

Chuyến đi đầu tiên đến Pleiku thật là thú vị khó tin, nhất là đối với gia đình Ziemer, chỉ trong một đêm mà thấy hai con hổ, một con báo và hai con nai. Không những vậy, chúng tôi còn thấy nhiều thỏ, và Bob đã bắn được hai con. Anh ấy rất hài lòng vì đây là lần đầu tiên trong cuộc đời anh ấy bắn súng. Khu vực rừng Đông Dương nầy thật sự là vùng đất săn bắn đầy thú vị. Đêm hôm đó giống như một cuộc săn bắn trên đường đi.

Suốt tuần lễ Giáng Sinh năm đó, chúng tôi được mời đến tiệc khoản đãi của chính quyền Pháp tại Tòa Nhà Chính Phủ thật đẹp ở Ban-mê-thuột. Tất cả chúng tôi đều mặc trang phục đẹp nhất, kể cả Leslie và Stanley,  để đi dự tiệc; họ bắt đầu đón khách lúc 9 giờ tối. Khi mới đi được một quãng ngắn, chúng tôi thấy con nai lớn ngay trước mặt. Mặc dù đang mặc trang phục đẹp vậy, nhưng Gordon vẫn nhảy ra khỏi xe và bắn con nai. Gordon, Stanley và Tim chạy theo vào các bụi rậm đến chỗ con nai bị bắn chết. Thật ra, chúng tôi cần thịt để thết đãi các con cái Chúa người dân tộc từ các làng xa xôi đến nhóm họp với chúng tôi trong tuần lễ Giáng sinh đó nên mới cố săn bắn như thế.”

Trích Lời Thuật của bà Giáo Sĩ Beth Drummond:

Chúng tôi nhớ Lễ Kỷ Niệm Chúa giáng sinh ở Ban Mê Thuột khi còn nhỏ. Tôi và em trai tôi đã tham gia cuộc diễu hành Giáng Sinh. Khi Hội Thánh phát triển, nhiều nơi đã tổ chức Lễ Giáng Sinh và chúng tôi thường cố gắng tham dự càng nhiều buổi càng tốt. Tôi nhớ có một nhà thờ ở trong một khu vực chưa có đường đi và chúng tôi phải cưỡi voi để đến đó. Tuổi thơ thật là vui và đáng nhớ. Mỗi năm, mùa Giáng Sinh là quãng thời gian rất thú vị đối với chúng tôi.

Lễ Giáng Sinh cuối cùng chúng tôi tham dự ở Ban Mê Thuột là vào năm 1967 khi tôi và Rick vừa mới đến Việt nam với tư cách là những giáo sĩ. Lúc đó các chương trình Giáng Sinh ở tỉnh Đắk Lắk đã được cả người Ê-đê lẫn người M’Nông tổ chức.

Sau khi đến Việt Nam 1967, chúng tôi vào Đà Nẵng học tiếng Việt (1969). Lúc đó, chúng tôi tham dự một chương trình Giáng Sinh do những con cái Chúa người Bru tổ chức. John và Carolyn Miller lúc ấy vừa dịch xong một phần Kinh Thánh sang tiếng Bru. Thông thường trong các cuộc thi Giáng Sinh, mọi người sẽ học thuộc lòng một đoạn Kinh Thánh. Nhưng đối với người Bru, họ rất vui khi giờ đây đã có một phần Kinh Thánh tiếng Bru, và họ đã đọc nguyên cả câu chuyện Giáng Sinh bằng tiếng mẹ đẻ của mình trước hội chúng.

----------
[1] Quý độc giả có thể tham khảo hồi ký "Farther into the Night" tại phòng Lưu Trữ Thư Viện Cơ Đốc.
[2] Giáo sĩ Gordon S. Smith phục vụ Chúa ở Việt nam Hội Truyền Giáo Phúc Âm Liên Hiệp (1929-1956), và với Cơ Đốc Truyền Giáo Hội (1956-1972) 
[3] Bob Ziemer: Nathaniel Robert Ziemer (1918-1968), phục vụ Chúa tại Việt nam suốt 20 năm cho đến khi tuận đạo vào Tết Mậu Thân năm 1968. 
[4] Marie Ziemer, vợ của giáo sĩ Robert Ziemer 
[5] Beth là vợ của Mục sư giáo sĩ Richard Drummond, phục vụ Chúa ở Việt nam từ 1967-1975. 
[6] Con gái của ông bà giáo sĩ Gordon H. Smith.
[7] Hai con của ông bà giáo sĩ Gordon H. Smith
[8] Beth, tên đầy đủ là Elizabeth Ziemer là con gái của ông bà giáo sĩ Robert Ziemer, cũng là vợ của Mục sư giáo sĩ Richard Drummond. Bà Beth đã sống ở VN với ba mẹ từ năm 1947 đến năm 1959. Bà học ở trường Villa Alliance, trường dành cho con cái của các giáo sĩ ở Đà Lạt từ lớp 1 đến lớp 9. Sau đó, bà trở về Mỹ học hết cấp 3 (lớp 10-12), 2 năm ở trường Cao đẳng Cơ Đốc và 3 năm ở trường điều dưỡng  (1962-1967). Tháng 9 năm 1967, vợ chồng giáo sĩ Richard Drummond sang Việt Nam phục vụ cho đến năm 1975.
[9] John và Carolyn Miller phục vụ với tổ chức Wycliffe ở VN và chủ yếu làm việc với người Bru ở vùng Ban Mê Thuột. Họ bị bắt làm tù binh vào tháng 3 năm 1975 cùng với Betty Mitchell, Phillips và Johnson, sau đó bị chuyển ra Hà Nội cho đến khi được trả tự do tháng 10 năm 1975. LuAnne, con gái 4 tuổi của họ, cũng bị bắt cùng họ. Sau khi được trả tự do, họ sống ở Chiangmai, Thái Lan và tiếp tục làm việc với cộng đồng người Bru và một số nhóm dân tộc khác ở VN. John Miller mới về với Chúa cách đây khoảng một năm nhưng vợ ông vẫn còn sống ở New York, Mỹ.

CÁC NỘI DUNG TRONG SỐ NÀY

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2024 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 338,106 | Online: 3