Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 04 - Tháng 12/2023

Cụ Đỗ Đức Trí Qua Hồi Ức của Giảng Sư Nguyễn Hữu Ái

Cụ Đỗ Đức Trí là một học giả, và là một trong những tín hữu đầu đàn của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam. Ông cũng là một trong những thanh niên Tin Lành đầu tiên có cơ hội tiếp xúc và học hỏi với Nữ Giáo sĩ Homera Homer Dixion và ông bà Giáo sĩ Cadman tại Hà Nội trong thập niên 1930. 

Ông tin Chúa khi còn trẻ tuổi và đã theo học Trường Kinh Thánh Đà Nẵng. Trong thời gian theo học Trường Kinh Thánh Đà Nẵng, ông đã quen biết và đi đến hôn nhân với ái nữ của ông bà Dư Phước Thuận, tín hữu Hội Thánh Tin Lành Đà Nẵng. Ông có người anh làm mục sư, đó là Mục sư Đỗ Đức Thống. Tuy theo học trường Kinh Thánh nhưng bản thân ông không ông có hướng hầu việc Chúa qua cách chăn bầy. Thay vào đó, ông đã sử dụng vốn học thức của mình để hầu việc Chúa trong những lĩnh vực khác.

Trong khoảng những năm 1950, ông Đỗ Đức Trí có tham gia dạy Trường Chúa Nhật cho lớp Thanh Niên - Hội Thánh Tin Lành Hà Nội, mà trong đó tôi là một thành viên. Một hôm, trong khi đứng lớp thanh niên Trường Chúa Nhật, và học sách Ru-tơ đoạn 1, thoáng dưng Chúa dạy ông ý này: 5 câu đầu của Sách Ru-tơ đã nói đến 3 cái chết của ba người chủ gia đình tại xứ Mô-áp, một hoàn cảnh hết sức đắng cay và tuyệt vọng. Tuy vậy, phần còn lại của Sách là một trang sử mới và sáng lạng, mô tả cuộc hồi hương về Bết-lê-hem của bà Na-ô-mi và Ru-tơ, khởi điểm cho lịch sử tuyển dân của Chúa. 

Ông cũng có tính tinh nghịch; tôi có dịp được nghe ông kể lại: Khi mới tin Chúa và được nhận thánh lễ Báp-tem, ông đã dự định khi xuống bể Báp-tem và đứng trước khi Mục sư cử hành lễ, ông sẽ khèo chân mục sư để ông mục sư bị ngã xuống nước, mục đích để chọc cười chơi. Nhưng khi đến thời khắc nhận lễ Báp-tem, ông đã cảm nhận Thánh Linh hành động, lúc đó ông bị bắt phục, không thể thực hiện trò tinh nghịch đã dự định trước đó.

Ông Đỗ Đức Trí có lẽ có bằng Trung Học Phổ Thông thời Pháp và có khiếu ngoại ngữ đặc biệt. Ông thông thạo tiếng Pháp và tiếng Anh. Độ thông thạo tiếng Pháp và tiếng Anh của ông thuộc về bậc thầy tại Hà-nội thời đó (thập niên 1930.)

Vào khoảng năm 1952, có hai dịp ông mời chúng tôi tham dự hai sự kiện trong đó khả năng ngoại ngữ của ông được thi thố. Lần thứ nhất là trong một phiên toà ở Toà Án Hà Nội. Đó là một phiên xử án một kiều dân Ấn-độ. Ông Đỗ Đức Trí được toà mời làm thông dịch tiếng Anh cho phiên toà. Lần đầu tiên chúng tôi được nghe dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt lưu loát như vậy và khâm phục ông vô cùng.

Lần thứ nhì là tại giáo đường Tin Lành của kiều dân Pháp tại Hà-nội. Một chiều Chúa Nhật vào mùa hè năm 1953, có một vị Mục sư người Mỹ được mời giảng cho tín hữu người Pháp. Ông Đỗ Đức Trí được người Pháp mời dịch bài giảng từ tiếng Anh sang tiếng Pháp. Hôm ấy trong giáo đường chỉ có ba người Pháp và ba chúng tôi là người Việt được mời tham dự. Thật ra lúc đó chúng tôi chưa rành ngoại ngữ và chỉ hiểu lõm bõm tiếng Pháp cũng như tiếng Anh lúc đó, và chúng tôi phục tài ngoại ngữ của ông Đỗ Đức Trí vô cùng.

Ông Đỗ Đức Trí được Hội Truyền Giáo mời dịch nhiều tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt trong nhiều năm. Ông cũng mở lớp dạy tiếng Anh cho người lớn tại Hà Nội. Tập san Thánh Kinh Báo do ông bà Giáo sĩ W. M. Cadman chủ biên cũng đã mời thanh niên Đỗ Đức Trí dịch và viết nhiều bài cho thanh thiếu nhi. Một số bài mà tôi còn nhớ như: Thánh Kinh Báo tháng 12 năm 1932, cụ Đỗ Đức Trí đã dịch bài “Sao Sáng Đâu Rồi” của David de Forest Burrell; Thánh Kinh Báo tháng 12 năm 1936, cụ Đỗ Đức Trí có viết bài “Mẹ ơi! Chính Con Đây!” đăng trong mục Ngôi Sao Gia Đình.  

Nhiều thập kỷ đã trôi qua, nhưng hình ảnh nhà học giả đáng kính và uyên bác; một ngôi sao trong nền trời văn học Cơ Đốc thuở khởi đầu vẫn chưa phai nhòa trong tôi.  

--------------
[1] Thời kỳ này chưa có tài liệu cho giáo viên/học viên Trường Chúa Nhật. Giáo viên chỉ mở Kinh Thánh, đọc và dạy.
[2] Quý độc giả có ai quan tâm có thể truy cập tài liệu online về những bài viết của cụ Đỗ Đức Trí trên website của Thư Viện Cơ Đốc (thuviencodoc.org), mục Thánh Kinh Báo. (BBT)

CÁC NỘI DUNG TRONG SỐ NÀY

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2025 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 480,236 | Online: 1