Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 04 - Tháng 12/2023

Đọc Tác Phẩm "Tội Ác và Hình Phạt" của Dostoevsky Qua Cái Nhìn Đối Chiếu với Một Số Nội Dung trong Kinh Thánh

Nguồn ảnh dẫn từ trang Blogspot: Study Dostoevsky

Lời BTT: Ban Biên Tập xin giới thiệu một phần bài viết “Đọc Tác Phẩm Tội Ác và Hình Phạt của Dostoevsky Qua Cái Nhìn Đối Chiếu với Một Số Nội Dung trong Kinh Thánh” của Hương Bá Li Băng.

Hương Bá Li Băng là bút hiệu của tác giả trẻ yêu mến Chúa. Xuất thân từ gia đình có đạo Công Giáo, và sau nhiều năm sinh hoạt trong Giáo Hội Công Giáo, anh đã đi đến nhận thức cần phải có niềm tin đặt nơi Lời Chúa trong Kinh Thánh thay vì dựa trên giáo điều. Anh bắt đầu đọc Kinh Thánh nhiều lần, có sách anh say mê đọc hằng trăm lần để khám phá những lẽ thật sâu xa trong Lời Chúa. Anh chia sẻ rằng giờ anh tin vào “thẩm quyền tối thượng và vẻ đẹp không tì vết của Lời Chúa.”
Là một kỹ sư, nhưng anh ham mê đọc sách và thường lấy nền tảng Kinh Thánh để soi rọi cho nội dung sách anh đọc. Trong bài viết này, Hương Bá Li Băng nêu lên những nội dung sâu sắc đáng suy nghĩ và đặt cái nhìn đối chiếu với một số nội dung trong Kinh Thánh và tác phẩm kinh điển văn học Nga và cũng của văn đàn thế giới, Tội Ác và Hình Phạt, tác giả Dostoevsky, dày 600 trang. Suy nghĩ và cách đặt vấn đề của tác giả có thể khá mới lạ đối với nhiều độc giả. TVCĐ muốn là diễn đàn cho sự bày tỏ những suy tư của tôi con Chúa, không nhất thiết là quan điểm của TVCĐ.
BBT giữ nguyên từ ngữ và văn bản Kinh Thánh Công Giáo (bản dịch 2011 của Nhóm NGKPV) để bài viết được liền mạch, tuy nhiên có chú thích văn bản Kinh Thánh Tin Lành tương đương (bản dịch TTHĐ). 

***

Đại văn hào Dostoevsky của nước Nga chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi Kinh Thánh và các tác phẩm của ông thường toát lên ảnh hưởng này, đặc biệt là tác phẩm "Tội Ác và Hình Phạt" (Crime and Punishment). Bài viết này sẽ phân tích và đối chiếu một số nội dung tương đồng trong Tội Ác và Hình Phạt và Kinh Thánh. 

Sơ Lược Tác Phẩm: 

Tác giả của "Tội Ác và Hình Phạt", Fyodor Dostoevsky, thời còn trẻ đã tham gia một nhóm hoạt động ngầm mang tư tưởng chủ nghĩa Xã Hội Không Tưởng, chống chế độ Sa Hoàng. Giống như nhân vật chính Raskolnikov trong "Tội Ác và Hình Phạt", ông đã bị bắt rồi bị kết án tử hình, nhưng trong những giây cuối cùng ngay trước nòng họng súng, ông đã được ân xá. Sa Hoàng muốn cho ông một cơ hội làm lại cuộc đời nên án tử hình được ân giảm còn sáu năm lưu đày khổ sai ở vùng Siberia (Tây Bá Lợi Á), miền đất băng giá và lạnh lẽo nhất thế gian.

Cũng giống như Raskolnikov, trên con đường vạn dặm xuyên qua nước Nga bao la hùng vĩ đến vùng Tây Bá Lợi Á xa xôi, Dostoevsky được tặng một cuốn Tân Ước, và Kinh Thánh là cuốn sách duy nhất anh đọc suốt sáu năm cấm cách ở nơi lưu đày. Lời Chúa, theo như lời kể lại của Dostoevsky, là nguồn mạch duy nhất, là niềm an ủi giữ cho ông sống sót giữa cảnh khắc nghiệt không chỉ đến từ thiên nhiên băng giá mà còn từ sự nô dịch nặng nề của hình án lao động khổ sai.

Nhưng nhân vật Raskolnikov không bị bắt và cầm tù vì chống chế độ, y bị bắt vì tin vào khái niệm siêu nhân cho rằng có một số siêu nhân có thể phạm tội để phục vụ mục đích lớn hơn. Anh chàng sinh viên vĩ cuồng Raskolnikov đã quyết định cầm rìu bổ xuống đầu bà già chủ tiệm cầm đồ để cướp của, cho rằng bằng cách sát hại bà lão cầm đồ, y vừa tiêu diệt một con người mà y cho là chỉ đáng phận sâu bọ, lại có tiền của để giúp đỡ người nghèo. Nhưng điều mà y không thể ngờ được là từ giây phút giết người trở đi, y đã phải đối diện với một cuộc chiến đấu nội tâm khốc liệt. Y bị hành hạ, dày vò đến mức cuối cùng phải đầu thú và chấp nhận hình phạt cho tội giết người. Quá trình nội tâm của nhân vật Raskolnikov để đi đến ăn năn, hối cải và trả giá cho tội của mình chính là điểm nhấn của tác phẩm. 

Câu chuyện trên là cuộc song hành với cuộc đời tác giả. Từ sáu năm có cơ hội suy tư Chân Lý trong Kinh Thánh trong nhà tù, Fyodor Dostoevsky bắt đầu hối cải để rồi "Tội Ác và Hình Phạt" ra đời, thấm đẫm chất Phúc Âm, như là một lời sám hối và như là giọt nước mắt ăn năn cho chính ông và cho cả nước Nga mà khi đó thanh niên ai cũng nghĩ mình là siêu nhân, tự cho mình cao quý, có quyền quyết định số phận của người khác.

Về Bản Chất Con Người

Fyodor Dostoevsky chỉ ra cho chúng ta thấy khu vườn Eden từ lúc khởi đầu khi Thiên Chúa sáng tạo nên Trời Đất cùng với muôn vật muôn loài, được ghi lại trong Sáng Thế Ký, đó chính là khu vườn tồn tại trong tâm trí chúng ta. Còn cây “biết phân biệt Thiện-Ác” chính là hình ảnh ẩn dụ về khả năng lý luận mà chúng ta hay dùng để chống lại Đấng Sáng Tạo.

Raskolnikov đã quyết định chọn cầm cây rìu bổ vào đầu bà lão cầm đồ, mặc dù lương tâm có nhiều nghi vấn. Lý luận của y để biện giải cho tội ác của mình là bà lão này thuộc hạng người sâu bọ không đáng sống, tiền của của bà có thể được sử dụng để giúp người khác có cần hơn, xứng đáng hơn, trong đó có chính y. Nhưng y quên rằng cây biết Thiện-Ác, hình ảnh cho sự tự do lựa chọn, cho sự lý luận đúng sai, là do chính tay Thiên Chúa đặt trong tầm với của khả năng hạn hẹp con người.
Nhưng cớ làm sao Đấng Quyền Uy Vô Thượng lại làm như vậy? Chẳng phải chỉ cần Thiên Chúa rút bỏ “cây Thiện-Ác” đó đi thì đã chẳng có tội lỗi cùng với tất cả hậu quả của nó là cái chết, đau khổ, bệnh tật, thiên tai, chiến tranh… đó sao?  

Đó là vì như có Lời đã chép trong Kinh Thánh: “Thiên Chúa là Tình Yêu” một tình yêu muôn thuở, tình yêu càng lớn thì tự do cũng phải càng nhiều. Ngay như con người với nhận thức hữu hạn mà cũng hiểu là chúng ta không thể nói yêu một ai đó mà lại không cho họ quyền tự do để lựa chọn thì đó đâu phải là tình yêu, huống hồ là Đấng Toàn Năng. Chính Chúa đã ban cho chúng ta sự lựa chọn đó: “Hôm nay, tôi lấy trời đất làm chứng cáo tội anh (em): tôi đã đưa ra cho anh (em) chọn được sống hay phải chết, được chúc phúc hay bị nguyền rủa. Anh (em) hãy chọn sống để anh (em) và dòng dõi anh (em) được sống” (Đệ Nhị Luật 30:19) 

Cái “cây biết Thiện-Ác” đó chính là một ẩn dụ về sự Tự Do mà Thiên Chúa thương ban, Ngài không muốn dựng nên chúng ta như một cái máy chỉ biết tuân phục một cách vô điều kiện, Thiên Chúa vì đã yêu chúng ta trước nên cũng muốn chúng ta được toàn quyền tự do đáp lại tình yêu của Ngài hay không! 

Nhưng thật đau khổ là tất cả chúng ta, không chừa một ai cả đều đã chọn sai!!! Chúng ta đã chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa khi muốn tự mình quyết định đâu là Thiện đâu là Ác, đâu là Tốt đâu là Xấu cho bản thân mình, mà không cần quan tâm đến những hệ lụy của lựa chọn đó. 

Chúng ta như ông bà nguyên tổ  thuở ban đầu, đều muốn trở nên như những vị thần được phụng thờ, trong khi chỉ có một vị Thần duy nhất; chúng ta đã chẳng khác nào nói với Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên tất cả từ hư vô và trao vào tay chúng ta để làm bá chủ: “Chúa hãy biến đi cho khuất mắt, tất cả chúng tôi đều không cần Chúa nữa!”
Vậy mà Đấng Tối Cao, đã chẳng những không tiêu diệt chúng ta, quân phản loạn vô ơn không chừa một mống, mà còn: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban con một để những ai tin vào con của Người thì khỏi phải hư mất, nhưng được sống muôn đời.” (Gioan 3:16) 

Hành Trình Dẫn Đến Sự Cứu Rỗi

Sau khi xuống tay hạ sát bà chủ tiệm cầm đồ để cướp của với lý luận tưởng chừng vô cùng hoàn hảo: diệt trừ kẻ được xem như giòi bọ vừa có tiền giúp đỡ những người xứng đáng đồng thời mang lại cho bản thân một cuộc sống tốt đẹp hơn, Raskolnikov những tưởng cuộc đời sang trang từ đây. Nhưng điều mà y lại không thể ngờ tới là từ giây phút đó, y đã phải đối diện với một cuộc chiến đấu nội tâm khốc liệt: cố gắng đè ép tiếng lương tâm mách bảo, dùng lý trí để biến cái Ác thành điều Thiện, nhưng y đã không thể. 

Và cũng như ông bà nguyên tổ năm xưa, khi phạm tội dưới “cây biết Thiện Ác” nhìn xuống thấy thân mình lõa lồ nên kết lá vả làm khố che thân. Lá vả ẩn dụ cho lý luận của phàm nhân làm sao che được tấm thân trần truồng là hình ảnh của hậu quả bởi tội lỗi do chống lại chân lý của Thiên Chúa?  

Raskolnikov coi như đã chết về mặt tinh thần, gần như phát điên vì không thể chấp nhận được chính mình. Các mối tương quan với bản thân, với bạn bè và gia đình hoàn toàn đổ vỡ như ông bà nguyên tổ sau khi ăn trái cấm, Raskolnikov chỉ còn chờ cái chết về mặt thể xác. Y bỏ đi lang thang vô định đến căn phòng tối tăm nhỏ hẹp của một cô gái điếm nhưng có cốt cách thiên thần tên là Sonya. Giữa một gia cảnh tan nát, bố là một viên cựu thư lại tầm thường đã thất nghiệp còn sa vào chứng nát rượu, mẹ kế thì mắc bệnh lao trong khi ba đứa em đang thơ dại, Sonya nhỏ bé, dáng người khi nào cũng như tái xanh, đã phải bán mình nuôi sống cả gia đình.
 
Raskolnikov, với lý luận của kẻ vô thần, không thể nào hiểu được tại sao một cô gái lâm vào tình cảnh như Sonya mà vẫn giữ được một niềm tin không hề lay chuyển. Người mà đã bước vào ngành nghề bán thân được xem nằm ở tận cùng xã hội đương thời: phải sống xa gia đình, phải đeo một loại như thẻ bài định danh trước ngực, ăn mặc phải để lộ ra vẻ đặc trưng nghề nghiệp không thể lẫn đi đâu được… Sonya chịu đủ thứ tủi nhục về thân xác để hy sinh cho gia đình, nhưng tinh thần cô lại đang sống dồi dào. Đau khổ mà Sonya đang mang vác đó khác gì Thánh Giá cô vác cùng Thiên Chúa trên đường lên đỉnh Gô-gô-tha!

Raskolnikov yêu cầu cô đọc một đoạn trong Phúc Âm Gioan, khi Chúa Giê-su phục sinh La-xa-rơ từ cõi chết. Như được Thần Linh thúc đẩy, Raskolnikov trong khoảnh khắc nhận ra hết tội lỗi của chính mình, nhận ra chính Thiên Chúa đã gánh hết tội lỗi của y. Khoảnh khắc khởi nguồn cho ơn Cứu Rỗi được tuôn trào, anh quỳ sụp xuống dưới chân Sonya: “I did not bow down to you, I bowed down to all the suffering of humanity.” (Tôi không nghiêng mình trước em, tôi xin nghiêng mình trước sự đau khổ của cả nhân loại.) 

Dostoevsky nhận ra ý niệm sự đau khổ, ăn năn dẫn đến sự cứu rỗi – đây là một quan niệm thần học Cơ Đốc. Sự đau khổ của Raskolnikov sau tội ác dẫn đến sự được chuộc tội của y. Điều này ta cũng được thấy trong câu chuyện về sự chịu khổ của Chúa Giê-xu trên cây thập tự trong Tân Ước, nơi sự đau khổ, hy sinh và cái chết dẫn đến sự phục sinh và cứu rỗi. Ơn Cứu Độ cho Raskolnikov khởi nguồn từ một hành trình chiến đấu nội tâm, là hành trình mà Chúa Jesus đã nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo.” (Mt 16:24)   Đó là một hành trình mà trên đó rất nhiều khi cám dỗ trở lại với con người cũ tội lỗi và yếu đuối, như bóng đen tử thần lăm le muốn che lấp hết ánh sáng từ Đấng Thiên Sai. Nếu ơn Cứu Độ chỉ là một khoảnh khắc thì tất cả chúng ta hẳn đã mãi mãi chìm trong cõi chết, ngoại trừ người kẻ trộm chịu đóng đinh cùng với Chúa Giê-su!

Tình Yêu và Sự Hy Sinh

Cả Kinh Thánh và tác phẩm Tội Ác và Hình Phạt tôn vinh sức mạnh cứu rỗi của tình yêu và sự hy sinh. 
Sonya đóng vai trò quan trọng trong quá trình biến đổi của Raskolnikov. Dù biết anh phạm pháp và sống trong mặc cảm tội lỗi, Sonya chấp nhận Raskolnikov và yêu anh vô điều kiện. Chính tình yêu của Sonya đã biến đổi Raskolnikov hoàn toàn. Sự hy sinh chính mình hiện rõ trong cuộc sống của Sonya. Tác giả Dostoyevski dường như đã dùng hình ảnh này để ám chỉ về Chúa Giê-xu vì tình yêu đã hy sinh sự sống mình vì tội lỗi loài người.

Đêm đầu tiên trở về nhà cầm theo ba mươi đồng bạc, bằng với giá bán Chúa năm xưa, chẳng nói chẳng rằng cô để nguyên áo xống nằm úp mặt. Phía đầu giường, bà mẹ kế quỳ gối hôn chân cô suốt đêm. Có khác gì đâu hình ảnh người phụ nữ tội lỗi trong Phúc Âm Lu-ca ôm chân Đấng Cứu Thế mà hôn, vừa hôn vừa òa khóc, bối rối đến nỗi xõa tung tóc rối mà lau chân Ngài. Sonya dịu dàng hết mực mà mạnh mẽ một lòng phó thác, phải chăng tác giả Dostoyevsky đang hình dung về Ngôi Hai Thiên Chúa: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng.” (I-sai-a 53:7)  

Rốt lại, Fyodor Dostoevsky đã viết nên một tuyệt tác vĩ đại trong lịch sử văn chương thế giới từ trải nghiệm của chính bản thân. Tác giả miêu tả một cách tài tình sự đấu tranh nội tâm của Raskolnikov, giữa biện minh của lý trí và gánh nặng của tội lỗi. Độ sâu tâm lý và sự phức tạp của nhân vật Raskolnikov khiến người đọc đồng cảm và cảm thấy như đứng bên trong cuộc đấu tranh nội tâm của anh và cảm thấy được giải thoát khi anh tìm được sự giải thoát.

Ta có cảm nhận sự vận hành của Đức Thánh Linh giúp nhân vật nhận ra bản thân mình là kẻ có tội, và chỉ khi chấp nhận tội lỗi của chính mình và ăn năn thì chúng ta mới được hưởng ơn cứu chuộc từ Thiên Chúa, Đấng vì yêu mà chấp nhận và tha thứ bản chất xấu xa của tất cả chúng ta ngay cả khi chúng ta còn không chấp nhận nổi chính mình. Tác phẩm thấm đẫm chất Phúc Âm, nhưng để nói lên hết vẻ đẹp của "Tội Ác và Hình Phạt" là rất khó, cũng như thật khó để có thể diễn tả hết nét đẹp của Kinh Thánh bằng khả năng hạn hẹp của con người.
 
Người viết cảm tạ Chúa vì đã được cứu ra khỏi vũng lầy tội lỗi của chính mình, và vì có trải nghiệm gần như tương đương nên mới có thể hiểu được vài tầng ý nghĩa Lời Chúa, dù vẫn còn nhiều giới hạn. Xin cảm ơn Thư Viện Cơ Đốc đã tạo điều kiện cho người viết có dịp được chia sẻ vẻ đẹp của Lời Chúa đến mọi người: “Các ngươi sẽ tìm Ta và các ngươi sẽ thấy, bởi vì các ngươi sẽ hết lòng kiếm Ta.” (Giê-rê-mi-a 29:13) 

(Các câu Kinh Thánh trong bài được trích từ bản dịch của Nhóm CGKPV, ấn bản 2011)

Hương Bá Li-Băng

----------
[1] “Ngày nay, ta bắt trời và đất làm chứng cho các ngươi rằng ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước lành và sự rủa sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng dõi ngươi được sống.” (Phục Truyền Luật Lệ Ký 30:19)
[2] A-đam và Ê-va, tổ phụ loài người
[3] “Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.” (Giăng 3:16)
[4] Hành động cúi đầu của Raskolnikov trước Sonya có thể được coi là một hành động biểu tượng nhận thức phổ quát sự đau khổ chung của nhân loại. Raskolnikov hiểu ra rằng hoàn cảnh cay nghiệt của cô không phải là cá biệt mà là một phần trong toàn cảnh trải nghiệm chung của con người. Sonya đóng vai trò biểu tượng của sự đau khổ, lòng trắc ẩn và sự tha thứ. Thông qua sự tương tác với cô và thấy sức sống và đức hạnh của cô trong hoàn cảnh đó, Raskolnikov bắt đầu nhìn ra bản chất phổ quát của nỗi đau của con người và sự cần thiết của tình yêu, lòng trắc ẩn và sự tha thứ.
[5] Ma-thi-ơ 16:24
[6] Ê-sai 53:7
[7] Giê-rê-mi 29:13

CÁC NỘI DUNG TRONG SỐ NÀY

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2024 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 338,106 | Online: 1