Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 02 & 03 - Tháng 11/2023

Trích phỏng vấn Mục sư Rick Warren về việc phong chức nữ Mục sư.

LỜI BAN BIÊN TẬP

Như nhiều người đã biết, mục sư Rick Warren, lãnh đạo Hội Thánh Saddleback thuộc Giáo Hội Báp Tít Nam Phương Hoa Kỳ (Southern Baptist Convention-SBC), là người đã đem lại sự tăng trưởng vượt bậc cho HT trong suốt 43 năm kể từ khi ông đảm nhiệm chức vụ quản nhiệm. Vừa qua, chúng ta biết tin SBC đã khai trừ ông khỏi Giáo Hội vì vi phạm nguyên tắc phong chức mục sư.

Để hiểu rõ vấn đề hơn, Thư Viện Cơ Đốc trích dịch và tóm tắt cuộc nói chuyện giữa mục sư Rick Warren và mục sư Russel Moore là tổng biên tập của báo Christianity Today. Chương trình nằm trong loạt phỏng vấn hằng tuần Russel Moore Show do báo Christianity Today tổ chức. Chương trình bao gồm những đối thoại và câu hỏi để giúp bạn cách theo Chúa giữa thời đại rối ren. Thư Viện Cơ Đốc chỉ thông tin đến bạn đọc, những quan điểm được trình bày trong khuôn khổ cuộc phỏng vấn này không nhất thiết là quan điểm của TVCĐ. Bài phỏng vấn được đăng lại ở đây chỉ trích phần nói chuyện về chức vụ nữ mục sư. Bài được trình bày theo nguyên văn dưới dạng Hỏi Đáp, có lược bỏ một số câu luộm thuộm do văn nói, và có thêm phần chú thích của BBT.

Russel Moore: Rick Warren, một tên tuổi không cần phải giới thiệu. Ông đã gầy dựng và quản nhiệm HT Saddleback ở California ít nhất 43 năm qua, tác giả của nhiều cuốn sách, bao gồm Sống Đúng Mục Đích (Purpose-Driven Life) đã được dịch ra 137 ngôn ngữ và bán được hơn 50 triệu quyển.  Một tác phẩm sắp ra mắt của mục sư có tựa đề Sinh Ra Để Ước Mơ (Created to Dream) sắp được xuất bản vào mùa xuân năm nay 2023. 
Buổi nói chuyện này được lên lịch từ rất lâu (trước biến cố Hội Thánh Saddleback bị khai trừ khỏi Giáo Hội Báp-tít), mục đích để nói về quá trình chuyển giao trách nhiệm, cách biết được thời điểm trao đuốc, chuyển đổi mục vụ (MS Rick đã giao quyền quản nhiệm Saddleback lại cho mục sư Andy Wood) và làm sao biết được bước đi sắp đến của mình là gì. Tuy nhiên, khi đến lịch nói chuyện thì việc khai trừ đã xảy ra.

HỎI. (Russel Moore) Điều gì đang xảy ra thưa Mục Sư?
ĐÁP. (Rick Warren) Chuyện xảy ra vào tuần trước, tôi đã bị khai trừ khỏi Giáo Hội Báp Tít Nam Phương (SBC), điều này không có gì ngạc nhiên với tôi. Tôi là người theo đạo Báp-tít Nam Phương thế hệ thứ tư, ông nội tôi, Chester Armstrong, có quan hệ họ hàng với Annie Armstrong[1] ông cố của tôi đã được Charles Spurgeon[2] cầu nguyện tin Chúa; ông đến Mỹ để mở hội thánh vào những năm 1860; vì vậy tôi có một nền tảng Báp-tít lâu đời. Nhưng bạn biết không, tôi đã làm rất nhiều điều không theo quy cách. Vào năm 1980, cách đây 43 năm, khi tôi thành lập Hội Thánh Saddleback, chúng tôi đặt tên HT không có chữ "Baptist.” Điều này chưa từng có 43 năm trước. Ngày nay thì điều này rất phổ biến, nhiều nhà thờ Báp-tít không có chữ Báp-tít trong tên gọi. Và rất nhiều thứ khác nữa.

HỎI. Tôi thấy ngã ngửa về các cuộc khủng hoảng phụ nữ gần đây, như cách xử lý vấn đề phụ nữ bị lạm dụng tình dục trong SBC. Người ta nói rằng … vấn đề lạm dụng tình dục không thực sự là vấn đề ở SBC. Tôi không ngờ rằng họ nói như vậy.
ĐÁP. Họ nói rằng “Chúng tôi không thể bảo vệ phụ nữ (khỏi sự lạm dụng tình dục) vì các HT Báp-tít là những tổ chức tự trị.” Nhưng cũng chính họ là người nói rằng, “Chúng ta có thể ngăn cản phụ nữ hầu việc trong chức vụ mục sư.” Như vậy quyền tự chủ của HT chỉ quan trọng khi nó thuận tiện cho quan điểm của bạn. Giáo Hội có tiếng nói quyết định trong HT về chức danh nhân sự; nhưng trong vấn đề lạm dụng tình dục thì Giáo Hội không thể làm gì được, Giáo Hội không chịu trách nhiệm về sự lạm dụng tình dục đang diễn ra vì tất cả HT đều là chi hội độc lập với chủ quyền riêng biệt. Lý luận như vậy thật vô lý.

HỎI. Có người sẽ nói rằng Tuyên Ngôn Đức Tin (confession of faith) của Giáo Hội Báp-tít (SBC) chỉ định rằng chức vụ mục sư chỉ do đàn ông đủ tiêu chuẩn theo Kinh Thánh đảm nhiệm, trong lúc đó nhà thờ Saddleback hiện có nữ mục sư… MS giải thích điều đó như thế nào?
ĐÁP. Thứ nhất, Báp-tít Nam Phương là một giáo hội chống giáo điều. Tôi lớn lên với câu nói nằm lòng “Chúng tôi không có tín ngưỡng nào ngoài Đấng Christ, chúng tôi không có sách nào ngoài Kinh Thánh.” (There’s no creed but Christ. There’s no book but the Bible.)
Đây không phải là cuộc chiến giữa những người theo chủ nghĩa tự do cấp tiến và những người bảo thủ. Những người cấp tiến đã rời khỏi Giáo Hội Báp-tít từ lâu. Chúng ta đang nói về những cách giải kinh khác nhau, những đoạn Kinh Thánh cụ thể đó (Tít, Ti-mô-thê, Cô-rinh-tô) thực sự có hàng trăm cách giải thích. 
Chúng ta có thể bị khai trừ khỏi giáo hội vì phạm tội, vì phân biệt chủng tộc, lạm dụng tình dục, các tội lỗi tình dục khác và những thứ tương tự… nhưng đây đang nói về vai trò của phụ nữ. Chúng ta có thể không đồng ý với nhau về sự chuộc tội, về bầu cử…, về sự tái lâm, về bản chất tội lỗi nhưng chúng ta không thể không đồng ý về cách đặt tên hay tên gọi chức vụ cho nhân sự trong hội thánh. Đây là sự khác biệt. Đã có tranh cãi diễn ra hàng trăm năm nay trong SBC giữa những người Báp-tít bảo thủ (Conservative Baptists) và người Báp-tít chính thống (Fundamental Baptists). “Chủ nghĩa chính thống” là một từ đã dần thay đổi ý nghĩa. 
Vào thời điểm 100 năm trước, tôi cũng sẽ tự xưng mình là một người chính thống, bởi vì vào những năm 1920, chủ nghĩa chính thống chỉ có nghĩa là các vấn đề liên quan đến học thuyết lịch sử HT, sự chuộc tội bằng huyết của Đấng Christ, về thẩm quyền của Kinh Thánh … nói chung là về tất cả các học thuyết cơ bản của đạo Tin Lành. Nhưng từ này đã biến đổi ý nghĩa theo thời gian. Bây giờ chúng ta có những người Hồi giáo chính thống, Phật giáo chính thống, người vô thần chính thống, người cộng sản chính thống, người theo chủ nghĩa thế tục chính thống... 
Ngày nay, một người theo chủ nghĩa chính thống lại có nghĩa là họ ngừng lắng nghe (không nghe ai hết). Đó là đặc điểm số 1 của nó. Bản thân tôi tin vào thẩm quyền của Kinh Thánh, nhưng tôi không tin rằng cách giải nghĩa Kinh Thánh của những người chính thống là vô ngộ (inerancy). Mà tôi cũng không dám chắc cách giải nghĩa KT của tôi là vô ngộ. Đó là lý do tôi phải nói rằng tôi có thể sai. Chúng ta phải tiếp cận Kinh Thánh một cách khiêm nhường. 
Bạn chưa bao giờ nghe một người chính thống nói rằng họ có thể sai. Một người theo trào lưu chính thống tin rằng cách giải thích KT của họ là không thể sai lầm. Một người Báp-tít bảo thủ thì tin rằng Kinh Thánh không thể sai lầm, nhưng cách giải kinh thì có thể sai. Đây là một sự khác biệt lớn.

HỎI. Nhưng MS có đồng ý rằng nếu HT Saddleback bắt đầu làm phép báp tem cho trẻ sơ sinh chẳng hạn, thì chắc chắn ta sẽ nghe nói “Saddleback làm vậy thì chắc chắn đó không phải là HT Báp-tít.”
ĐÁP. Đúng. Nhưng vấn đề là như thế này: Tôi tin rằng HT đúng đắn nhất là HT đầu tiên (the church at its best is the church at its birth). Thành thật mà nói, tôi đã không định nói, nhưng trước tiên tôi hiểu tại sao mọi người lại khó chịu về điều này (phong chức nữ mục sư) bởi vì chính tôi cũng tin như thế cho đến khoảng 3 năm sau này… Và thực sự tôi thay đổi quan điểm dựa trên chính Kinh Thánh.
Bạn phải biết văn hóa không thể thay đổi tôi về vấn đề này. Các giai thoại được kể không thể thuyết phục tôi về vấn đề này. Áp lực từ những người khác không thể thay đổi tôi về vấn đề này. Nhưng khi tôi đối đầu với 4 câu Kinh thánh mà chưa ai từng nói đến, tôi cảm thấy thuyết phục mạnh mẽ về ý nghĩa của các câu này đối với chức vụ nữ mục sư. Tôi biết các đoạn Kinh Thánh ở Tít, Ti-mô-thê, I Cô-rinh-tô…, và mỗi khi mọi người hỏi tại sao HT tôi có nữ mục sư, tôi nói hãy cho tôi xem Kinh Thánh, cho tôi một câu KT chống lại điều đó, thì tôi sẽ xem xét, bởi vì tôi là một người chăm xem Kinh Thánh.
Tôi không thể chỉ nói “Mọi người cũng đang làm vậy” hoặc “Tôi đã đến 165 quốc gia và họ có những nhà thờ với 40-50 nghìn người, do một nữ mục sư lãnh đạo cũng là người sáng lập, và họ cũng làm vậy.” Điều đó không đủ đối với tôi, tôi phải có cơ sở Kinh Thánh.
Ba năm trước, ngay sau khi tôi bắt đầu khởi động bàn giao mục vụ tại Saddleback cho mục sư khác – đây là việc sẽ bàn sau. Lúc ấy dịch Covid tấn công, và tôi đã đọc mọi cuốn sách có thể tìm được về Đại Mạng Lệnh và về lịch sử hội thánh, và tôi đã đọc hơn 200 cuốn sách về đại mạng lệnh cũng như lịch sử truyền giáo. Tôi đặt ra 2 câu hỏi: tại sao trong 300 năm đầu tiên hội thánh phát triển nhanh nhất? Chúng ta bắt đầu với 120 người trong phòng cao và trở thành tôn giáo chính thức của Đế chế La Mã.
Trong thư viện của tôi có đồng tiền La Mã mà trên đó hình ảnh của Caesar được thay thế bằng thập tự giá. Đây là một thay đổi lớn về văn hóa. Giáo hội tăng trưởng 50% mỗi thập kỷ trong 300 năm đầu tiên. Và tôi đã lập danh sách 25 điều họ đã làm mà ngày nay chúng ta không làm. Tôi cũng lập một danh sách những thứ mà chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải có mà họ không có. 
Họ không có ô tô, nhà thờ, tôi đã từng đến ngôi nhà thờ xưa nhất ở Jordan. Nhà thờ nhỏ, không có bục giảng; khái niệm có một người đứng sau bục giảng để giảng dạy, đó không phải là cách thờ phượng lúc đó. Mọi người đều có một bài hát, một câu KT, họ tụ họp trong một ngôi nhà và mọi người cùng chia sẻ. Có một người đứng sau bục giảng là một áp đặt văn hóa. Họ không có máy in, internet, TV… nhưng họ đã phát triển nhanh hơn trong 300 năm đầu tiên so với bất kỳ thời kỳ nào khác.

Như vậy thì trong 1,700 năm tiếp theo điều gì đã xảy ra?

Năm 1988, Ban Truyền Giáo Quốc Tế của Báp-tít (International Mission Board) đã thuê nhà nghiên cứu David Barrett[3] để nghiên cứu vấn đề này và ông đã viết một cuốn sách có tựa đề “700 Kế Hoạch Truyền Giáo”[4]
Tôi đã dùng cuốn sách đó trong 3 năm qua như một danh mục để nghiên cứu lý do tại sao chúng ta không làm được như HT đầu tiên. Chúng ta đã làm gì sai? Họ đã không đưa ra câu trả lời. Bạn có thể đọc trong sách đó về cách truyền giáo của phái Lutheran, phái Ana Báp-tít… tất cả. Tôi đã nghiệm ra điều mà chúng ta làm sai. Nghiên cứu trên đã khiến tôi thay đổi quan điểm của mình về chức vụ nữ mục sư. 
Tôi khám phá rằng những kế hoạch họ đặt ra đều không có dẫn chứng KT. Trước tiên là vấn đề đại mạng lệnh. Những người Báp-tít tự gọi mình là những người thi hành đại mạng lệnh. Tôi tin rằng Đại Mạng Lệnh được ban cho tất cả mọi người để thi hành, nam giới lẫn nữ giới. 
Có 4 động từ trong đại mạng lệnh: đi, đào tạo môn đệ (môn đệ hóa), làm phép báp tem và giảng dạy. Phụ nữ phải ra đi, đào tạo môn đồ, làm phép báp têm và giảng dạy. Không chỉ đàn ông mới làm. 
Hiện tại, Hội Thánh Saddleback đã làm phép báp tem cho nhiều người hơn bất kỳ HT nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ.
Có đến 50.000 người lớn được làm phép báp tem trong 43 năm qua, làm sao được như vậy? Bởi vì trong HT của chúng tôi, bất cứ ai cũng có thể làm báp tem cho bất kỳ ai, một người vợ có thể làm báp tem cho người chồng mà cô ấy đã dẫn đến Chúa. Đây là sự giải phóng mọi người để có thể thi hành mục vụ. Chúng ta không thể nói 2 động từ đầu (đi, đào tạo môn đệ) là dành cho cả nam lẫn nữ và 2 động từ sau (làm phép báp tem và giảng dạy) là dành cho nam.
Ai cho phép phụ nữ giảng dạy? Chúa Giê-xu. Tất cả thẩm quyền được trao cho ta, do đó hãy giảng dạy, do đó hãy làm phép báp tem…
Tôi đã phải ăn năn khi xem xét đại mạng lệnh. Nó không chỉ dành cho những người nam được xức dầu, mà nó dành cho tất cả mọi người.

Điều thứ hai khiến tôi thay đổi suy nghĩ là…"HT đúng đắn nhất là HT đầu tiên." (the church at its best is the church at its birth.)
Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, chúng ta biết có phụ nữ ở trên phòng cao. Chúng ta biết phụ nữ được đầy dẫy Đức Thánh Linh. Phụ nữ đã giảng bằng các thứ tiếng khác. Chúng ta biết rằng phụ nữ, không chỉ nam giới, đã giảng dạy vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Chúng ta biết điều đó vì Phi-e-rơ cảm thấy phải giải thích trong Công-vụ Chương 2 rằng, các phụ nữ này không say rượu. Đây là điều đã được tiên tri Giô-ên báo trước. Điều các ngươi đang chứng kiến (phụ nữ giảng dạy và nói tiếng lạ vào ngày đầu của HT đầu tiên) đã được báo trước. Sứ đồ Phi-e-rơ thuật lại lời tiên tri Giô-ên: trong những ngày sau rốt, ta sẽ đổ Thần ta khắp trên các đầy tớ trai và gái ta, chúng nó đều nói lời tiên tri… 

Tôi đã xem 300 bài bình luận về những đoạn đó, và đúng vậy, trong hội thánh, mọi người được góp phần thuyết giảng, nói tiên tri. Những người không thích đoạn KT đó thì không đề cập đến nó, ví dụ như tác giả John McArthur chỉ lướt qua đoạn này trong các sách của mình.
Đây là điều đã thay đổi suy nghĩ của tôi. Điều này không liên quan gì đến văn hóa. Nó liên quan đến Kinh Thánh. Bài giảng đầu tiên của Cơ Đốc giáo, thông điệp Phúc âm về tin mừng và sự phục sinh, Chúa Giê-xu đã chọn một người nữ để rao báo cho người nam. Chúa phán bảo Mari-Ma-đơ-len đi nói với các môn đệ. Đây rõ ràng không phải là chuyện tình cờ. Đây là sự cố ý. Đây là một thế giới hoàn toàn mới, thưa bạn: Chúa sai người nữ đi rao báo cho các môn đồ. Như vậy phụ nữ có thể giảng dạy không? Chúa đã chọn người nữ làm người đầu tiên rao giảng Tin Mừng phục sinh vào ngày đầu của Hội Thánh ban đầu.

HỎI. Vì vậy, trong 3 năm qua, ông ủng hộ việc đàn ông cũng như phụ nữ phục vụ trong tư cách là trưởng lão và mục sư trưởng như tại hội thánh đầu tiên?
ĐÁP. Đúng vậy. Nhưng tôi cũng phải nói rằng, đây là cách giải thích, cách hiểu KT của tôi. Tôi phải khiêm tốn nói rằng, tôi sẽ không phiền hà nếu bạn không đồng ý với tôi. 
Trong 2 nghìn năm, HT đã tranh luận về vai trò của phụ nữ trong văn hóa. Việc biến quan điểm này thành bài kiểm tra xác định một người có phải thật là theo đạo Báp-tít hay không là điều vô nghĩa.
Tuyên ngôn đầu tiên của Báp-tít nói rằng quan chức của hội thánh là trưởng lão, chấp sự chứ không phải mục sư. Đó là bản gốc của Tuyên Ngôn Báp-tít. 
Tuyên ngôn không mang tính ràng buộc với bất kỳ người nào hay hội thánh nào, nhưng bây giờ, họ (SBC) đang biến tuyên ngôn đó thành một tín điều. Họ mở cuộc điều tra. Và nếu tuyên ngôn này được trở thành tín điều thì chúng ta có thể đứng đây mỗi tuần để tuyên bố cần phải khai trừ hội thánh này hoặc hội thánh kia…
Chúng ta nên khai trừ một hội thánh vì phạm tội, hoặc những hội thánh làm tổn hại đến lời chứng của Giáo Hội. Vấn đề chức vụ nữ mục sư không làm tổn hại đến lời chứng, sự truyền giảng của bất cứ ai. Và chúng ta có quy trình để giải quyết tranh cãi nếu có. Vấn đề với những người chính thống là đối với họ không có vấn đề nào được xem là vấn đề phụ.

HỎI. Ông sẽ bỏ qua và đi tới (theo hướng của mình) hay ông sẽ kháng cáo điều này tại Đại Hội SBC vào tháng 6 sắp đến?
ĐÁP. Trong thâm tâm, tôi chỉ muốn bỏ qua và đi tới. Dĩ nhiên bạn không muốn ở một nơi mà bạn không được chào đón, đúng không? Nhưng tôi không nghĩ mình sẽ làm thế vì tôi nghĩ làm như thế là ích kỷ. Tôi cần phải đứng lên bảo vệ những mục sư đang lo sợ vì cuộc điều tra dị giáo này, cho hàng triệu phụ nữ Báp-tít tin kính có ân tứ và khả năng lãnh đạo đang bị cản đường. Vì vậy, rất có thể tôi sẽ kháng cáo (quyết định khai trừ của Giáo Hội), không phải vì lợi ích của tôi, chúng tôi không cần (phải nằm trong Giáo Hội). Chính Giáo Hội cần 6,000 hội thánh có mục đích (purpose-driven church) trong nhóm thông công với chúng tôi. Nhưng việc kháng cáo sẽ vì lợi ích của người khác, không phải vì chúng tôi.
...

Chú thích

[1] Annie Armstrong: nữ giáo sĩ truyền giáo Báp-tít tiên phong, thành lập Hội Nữ Giáo Sĩ truyền giáo, tác giả sách “Rescue the Perishing”

[2] Charles Spurgeon là mục sư truyền giáo Báp tít trứ danh, được mọi hệ phái nể trọng về tư tưởng sâu sắc và diễn giải chính xác, được trích dẫn rộng rãi trong các sách giải kinh.

[3] David Barrett là một nhà tư vấn người tiên phong nghiên cứu về truyền giáo cho các nhóm dân trên thế giới chưa được tiếp cận với Tin Lành. Là một nhà toán học, ông đã dành hơn 10 năm để biên soạn và biên tập cuốn World Christian Encyclopedia và đã phục vụ trong nhiều tổ chức khác nhau về truyền giảng Tin Lành trên toàn thế giới.

[4] “700 Plans to Evangelize the World”, David Barrett, 1988. Có thể mượn đọc tại Thư Viện Cơ Đốc.

[5] Abert Mohler, hiệu trưởng thứ 9 của trường thần học Báp-tít ở Louisville, Kentucky, trường thần học Báp-tít lớn nhất Hoa Kỳ, thường podcast phân tích tin tức hiện đại từ góc nhìn của người Cơ Đốc.

CÁC NỘI DUNG TRONG SỐ NÀY

Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 02 & 03 - Tháng 11/2023 2

Thông báo

Buổi Tọa đàm về chức vụ của Ông Bà giáo sĩ Livingston được thay thế bằng buổi Triển lãm tư liệu và giới thiệu sách 3

Kêu gọi đóng góp sử liệu về cô Hoàng Thị Thanh. 4

Tin tức

Hội thảo chuyên đề về Bản dịch Kinh Thánh năm 1925 - Lịch sử ra đời và những đóng góp về tôn giáo, văn hóa và xã hội ở Việt Nam. 5

Viện Thần học Tin Lành Việt Nam - Union University Of California (UUC) - Lễ tốt nghiệp năm 2023 7

Dư âm "Hội sách Thư Viện Cơ Đốc - Lần I" 8

Hội nghị Giáo dục Cơ Đốc (GDCĐ) ở Đông Nam Á. 10

Phỏng vấn - Tường thuật

Trích phỏng vấn Mục sư Rick Warren về việc phong chức nữ Mục sư. 12

Danny Porter và Mục vụ tiền xu. 19

Lễ kỷ niệm Một trăm năm Tin Lành truyền đến Campuchia. 27

Sử liệu

Khóa tu nghiệp truyền thông tại Taipei, Đài Loan năm 1971. 33

Những nữ sinh đầu tiên của Trường Kinh Thánh Tourane. 34

Bà Võ Thị Thu - Cô Giáo tiếng Việt cho Bà Giáo Sĩ Grace Cadman. 38

Bài viết

Dì Tôi - Một cuộc đời bình dị. 36

Tạm biệt Cô Hoàng Thị Thanh - Nữ Truyền đạo tình nguyện trên đường đến vĩnh cửu. 43

Bà Chấp sự Xuân Sinh của Hội Thánh Tin Lành Hà Nội. 45

Người Thầy Thầm Lặng. 52

Điểm sách

Tìm Hiểu Xứ Thánh qua Hình Ảnh. 56

Đồng Hành Cùng Thư Viện Cơ Đốc. 63

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2024 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 104,847 | Online: 0