Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 02 & 03 - Tháng 11/2023

Bà Võ Thị Thu - Cô Giáo tiếng Việt cho Bà Giáo Sĩ Grace Cadman.

Hình trên được Họa sĩ Đinh Nhật Tân họa lại theo một tấm hình cũ, được dùng phục vụ triển lãm Kỷ Niệm 100 năm Tin Lành đến Việt Nam 2011, hiện được lưu trữ ở phòng Trưng Bày Lịch Sử Tin Lành Việt Nam tại Thư Viện Cơ Đốc - R3-84 Hưng Gia 1, Tân Phong, Quận 7, TP Hồ Chí Minh.

(Bài này giữ theo lối văn cổ cách đây hơn bảy tám mươi năm) [1]
Như một bông hoa nở ra trong ánh nắng ấm áp của mặt trời, cô ấy mở tâm hồn cho ánh nắng công chính và học biết yêu Chúa như là Cứu Chúa của chính mình.

Trong một làng nhỏ trong nước Annam, khoảng năm mươi năm trước đây, một cô bé được sinh ra đời. Cô là một cháu bé may mắn lạ thường, vì cha mẹ cô giàu có, người cha làm quan lớn trong chính quyền. Cô bé này được trưởng dưỡng trong sang giàu và hưởng được cuộc đời trong kiêu hãnh, khiến cho cô tự coi mình là người rất khác thường.

Nhà của cô xây bằng gạch ngói thay vì bằng tre và lợp rơm, cũng chia thành nhiều phòng đẹp đẽ. Cô có người hầu hạ và thường ngồi trên cáng có trang trí rất đẹp và luôn có người khiêng khi phải đi đâu xa. Khi khôn lớn, cô được đến nhà một thầy giáo để học, nhà ông thầy này cũng như ký túc xá ở bên ta. Tại nơi này cô bé được học chữ nghĩa Văn Tự; cô khôn ngoan và thông minh nên học giỏi và mau. Được có nền giáo dục như cô bé này thật là hiếm hoi ở đất nước này, và chỉ có những cô gái nhà giàu mới được dịp học hành như thế. Người ta thích được học hành như thế; và người phụ nữ dạy tôi tiếng Việt này cho hay rằng, nhiều người giàu có họ hàng với cô cũng muốn mở các lớp 

dạy học như vậy. Có lẽ chúng ta cũng có thể làm như thế một ngày nào đó. Còn bây giờ nhu cầu cấp bách là chúng ta phải cung ứng văn phẩm Cơ-đốc cho những người đã biết đọc chữ, và như thế chuẩn bị cho tương lai về sau.

Cô bé mà chúng tôi gọi là “Bà” này tên là Võ Thị Thu. Cô đã được trưởng dưỡng và giáo dục như thế. Năm mười tám tuổi, cô Thu lấy chồng và về nhà chồng. Chồng cô Thu cũng là quan chức cao cấp trong nhà nước, trên áo những quan chức này có tước hiệu ghi trên tấm vải nhỏ ghim trên áo. Để có phẩm hàm này, chàng phải vượt qua nhiều kỳ thi cử. Vì vậy, chàng rất thông hiểu đạo Khổng và các cổ thư Trung Hoa viết bằng ngôn ngữ Văn Lý hồi đó mà người Tàu, người Nhật, người Triều Tiên và người Annam có học đều đọc được. Ngôn ngữ này cũng như tiếng Latin mà người ta dùng tại Âu châu trong thời Trung Cổ vậy.

Trong ngôn ngữ Annam có rất ít văn chương, thành ra chúng tôi dịch Kinh Thánh ra tiếng Annam theo ngôn ngữ bình dân. Chúng tôi cũng dịch Kinh Thánh từ tiếng Trung hoa sang tiếng Annam[2]. Ông Luther cũng đã phải dùng Kinh Thánh bằng tiếng Đức cho người Đức bình dân đọc là như vậy. Vì Kinh Thánh không phải chỉ cho những người có học thức mà còn cho mọi người bình dân nữa.

Qua thời gian, gia đình cô Thu mất hết tài sản và trở thành nghèo nàn theo sau cái chết của người cha, và chiến tranh đã làm cho đất nước khốn khổ. Nhưng chúng tôi tin rằng trong trường hợp người phụ nữ này, cũng như nhiều người trong nước, Chúa có dành cho cô ấy những điều quý trên Trời hơn là giàu sang và tiếng tăm trong đời. Chúa đã chuẩn bị những phước hạnh cao quý trên trời không hư nát, không bị tàn phá hay phai tàn cho cô và tất cả những ai vác thập giá mình theo Chúa, là chủ của chúng ta.

Mùa thu năm 1913, khi tôi đến Tourane tôi cảm thấy là cần cô giáo dạy tiếng Việt cho tôi, là người mà tôi sẽ huấn luyện để làm việc trong tương lai. Tôi cầu nguyện khẩn thiết và xin Chúa đáp ứng nhu cầu này. Cầu nguyện và chờ đợi. Sau mấy tuần, cô Thu từ Huế đến, vì chồng cô làm việc tại Huế. Một buổi sáng, một trong những người dạy tiếng Việt cho chúng tôi đưa cô Thu đến gặp tôi và bảo rằng cô ấy sẽ dạy tôi tiếng Việt. Trông cô ấy nhỏ và trẻ, chắc cũng hơi ngại ngùng vì phải dạy cho một bà ngoại quốc. Tuy nhiên sau khi làm quen với cô, tôi thấy tinh thần cô ta rất vững và có tư cách. Những thử thách và rủi ro về sau không làm cho cô ấy buồn. Chúng tôi thường ngạc nhiên về sự trong sáng và tháo vát dù bây giờ cô đã lớn tuổi và dù rằng hiện tại nghèo và bị gia đình bắt bớ vì tin Chúa.[3]

Tháng này sang tháng nọ tôi và cô ấy học chung với nhau. Tôi kể cho cô ấy 

nghe những chuyện Kinh Thánh, là những chuyện mới lạ đối với cô. Mỗi ngày cô mỗi thấm nhuần sứ điệp Phúc Âm ngọt ngào của Chúa Giê-xu và tình thương của Ngài một cách tự nhiên, như một bông hoa nở ra trong ánh nắng ấm áp của mặt trời, cô ấy mở tâm hồn cho ánh nắng công chính và học biết yêu Chúa như là Cứu Chúa của chính mình.

Một hôm hai mắt của cô ấy trở nên khó chịu, khiến cô không đọc được và chúng tôi khó làm việc. Tôi bảo, Chúa Giê-xu có thể chữa cho cô như Ngài đã từng chữa lành nhiều người khác. Cô ấy xin tôi cầu nguyện. Sau đó cô ấy được Chúa chữa lành hoàn toàn. Rồi cũng như người mù ngày xưa, cô nói cho mọi người quen biết về việc ấy. Khi cùng đi thăm nhà người quen với tôi, cô ấy chân thành giúp tôi kể câu chuyện Phúc Âm và đọc Kinh Thánh cho mọi người nghe.

Mùa thu năm 1914, cô Thu nhận báp tem một cách công khai và bạo dạn, ngay trên biển gần trụ sở truyền giáo của chúng tôi. Đó quả là một sự can đảm cho một phụ nữ lớn tuổi quyết định như vậy, nhưng cô Thu rất vui vẻ khi nói rằng Chúa Giê-xu thương yêu cô và cô kính mến Ngài. Trên thực tế, cô Thu phải vác thập tự mà đi theo Chúa mỗi ngày, vì sau khi nhận báp tem mấy tháng, cô phải rời khỏi nhà con rể. Cô đến với chúng tôi khóc lóc thảm thiết, vì cô có tấm lòng thương cảm đối với con gái của cô cũng như những đứa cháu ngoại. Cô Thu kể rằng người con rể đuổi cô ra khỏi nhà vì cô làm tội ác, cô không chịu thờ phượng tổ tiên. Việc thờ phượng tổ tiên này là theo Khổng giáo, có sức mạnh chế ngự lòng và suy nghĩ của người Annam. Nghĩa là ai từ chối không tham gia vào các nghi lễ thờ phượng này là bị cắt đứt mọi quan hệ với bà con và bạn bè.[4]

Từ sau khi nhận báp tem, cô Thu đã làm công việc của một phụ nữ Kinh Thánh: đi thăm viếng các bà khác, đọc cho họ nghe, và dạy họ về Chúa Giê-xu. Lúc này cô sống trong một phòng nhỏ phía sau cơ sở truyền giáo của chúng tôi, xa cách những người quen thuộc nhưng vui vì cô kính yêu Chúa Giê-xu và có thể phục vụ Ngài.

Một buổi chiều, cô Thu ấy cùng đi với chúng tôi đến một làng cách đó vài dặm, ở giữa ruộng lúa xanh ngắt. Chúng tôi được mời đến căn nhà sang trọng của vị Xã Trưởng của vùng. Ông ấy cao lớn và lịch sự tiếp đón chúng tôi tử tế. Thế rồi ông vội cởi áo nhung ngoài có thêu lụa viền, cả cái khăn quấn trên đầu tóc bạc, rồi ngồi xuống xếp bằng trên một tấm phản gỗ đánh bóng dùng làm bàn hay giường ngủ tùy theo nhu cầu, vì người Annam ít khi dùng ghế. Thế rồi ông lên tiếng gọi gia đình và bạn bè vào nghe chúng tôi giảng đạo. Nghe gọi, mọi người vội vàng vâng theo người cao tuổi và là trưởng của gian nhà, đây cũng là một đức tính[5] của những người này.

Trong khi đó một thanh niên lo pha trà bên cạnh bàn và rót vào những cái tách nhỏ và cô con gái trong nhà chuyền đi mời khách. Chúng tôi uống một chút trà không có sữa hay đường[6]. Nhưng mục đích chính của chúng tôi là nói về Phúc Âm, vậy nên sau khi hát một hai bài thánh ca và giải thích ý nghĩa[7], chúng tôi đọc Phúc âm Mác đoạn 16 trong tờ truyền đơn chúng tôi vừa in ra. Chúng tôi cũng phát cho những người xung quanh, và rồi cô Thu ấy bắt đầu nói. Cô Thu đúng là một thầy giảng.[8] 

Ngay những người đàn ông có học cũng chăm chỉ lắng nghe, đó là điều ngạc nhiên, vì trong vùng Á Đông này phụ nữ bị đánh giá thấp lắm. Tuy nhiên cô Thu của chúng tôi thường cũng nhân dịp như thế nói cho mọi người biết về thân phận của cô và địa vị trong xã hội của gia đình cô. Mặc dù điều này không phù hợp với Phúc Âm và sự khiêm cung theo Chúa của những người theo Ngài, nhưng cô Thu là người mới tin Chúa. Cô lại khiến cho mọi người kính phục, vì địa vị cao trọng trong xã hội như thế. Ngay sứ đồ Phao-lô, thỉnh thoảng, cũng đòi hỏi người ta phải tôn trọng ông vì có quốc tịch La-mã bẩm sinh.

Tôi cũng nói với họ bằng tiếng Annam; một thanh niên hiểu những gì tôi nói đã nhắc lại cho những người lớn tuổi nghe. Chúng tôi để lại nhiều truyền đạo đơn cho họ, đây là những truyền đạo đơn chúng tôi mới có bằng tiếng Annam. Mong rằng chúng tôi sẽ có nhiều truyền đạo đơn hơn khi chúng tôi có máy in nhỏ ở Annam.[9] 

Đây là một nhà sang trọng theo tiêu chuẩn Annam, trong nhà có nhiều tranh chạm trổ, nhưng buồn thay cũng có bàn thờ tổ tiên trang hoàng lộng lẫy. Xin Chúa cho khi họ đọc Lời Chúa, một vài tia sáng của “Lời Hằng Sống” sẽ chiếu vào cõi tối tăm của hệ thống ngoại đạo của họ.

Trong Rô-ma 16:5, sứ đồ Phao-lô nói: “Kính chào Ê-bai-nết, người bạn thân mến của tôi, và là trái đầu mùa cho Đấng Christ trong vùng A-si-a.” 

Tương tự như thế, chúng tôi cũng có thể nói: “Chị Thu thân yêu của chúng tôi là trái đầu mùa trong số những phụ nữ tại Annam, chào thăm các bạn trong Chúa.”

Sáng hôm nay khi tôi ra ngoài đi dạo, tôi gặp vài phụ nữ mời tôi về nhà họ, và họ rất vui khi tôi bằng lòng. Tôi có mang theo Phúc Âm Giăng nên lấy ra đọc về những lời hứa ban bình an và niềm vui cho các môn đệ của Chúa. Rồi tôi cho họ biết về linh hồn bất diệt mà chỉ một mình Chúa cứu được mà thôi. Họ chăm chú nghe và xin thêm sách. Tôi hứa với họ sẽ cho họ những truyền đạo đơn mà tôi có. Tôi rời nhà nầy và sang nhà khác, các trẻ em mà tôi đã quen biết và thường đến trong các buổi hội họp và Trường Chúa Nhật hát lên tiếng trẻ thơ trong suốt của chúng:

Có gì rửa sạch tội cho tôi?

Không có gì khác ngoài huyết báu Chúa Giê-xu![10]

Sau gần hai nghìn năm Tin Lành được truyền rao, chân lý vinh quang về sự hiệu nghiệm của huyết Chúa Giê-xu bây giờ mới đến nước Annam tăm tối này. Nguyện con dân Chúa nắm lấy cơ hội và dâng thì giờ, tiền bạc và nếu có thể được chính bản thân họ nữa.

Cô Thu của chúng tôi là người đầu tiên trong số các phụ nữ cao quý tại Annam đi ra các khu xóm có hàng rào và thăm viếng nhiều ngôi nhà nằm ẩn giấu, có vườn bao bọc tại Annam và làm công việc mà chưa ai làm tốt đẹp như thế.

---------
NGUYỄN SINH (Sưu tầm và biên soạn qua tham khảo The Christian and Missionary Alliance in Indo-china 1925-1930, trang 102 và Alliance Weekly số May 1915, trang 73.) 

Ban Biên Tập Thư Viện Cơ Đốc hiệu đính và chú thích, tháng 9, 2022.

[1] Ban Biên Tập Thư Viện Cơ Đốc
[2] Ý nói dịch Kinh Thánh ra chữ Nôm (chữ Nôm được xem là ‘tiếng Trung Hoa cho tiếng Annam.’)
[3] Bài này được giáo sĩ Grace Cadman viết nhiều năm sau khi gặp bà Võ Thị Thu.
[4] Thần học bối cảnh (contextualized theology) ngày hôm nay đã bớt đặt nặng vấn đề từ bỏ văn hóa bản địa một cách lập tức đối với những “con đỏ” mới tin.
[5] “Đức tính” nói về văn hóa trọng thị người lớn của Việt Nam.
[6] Người Anh hay uống trà với sữa. Lúc đó bà Cadman hẳn chưa quen hết kiểu uống trà phương Đông.
[7] Các giáo sĩ khi đi thăm viếng giảng đạo thường hay mở đầu bằng một số bài Thánh Ca. Một số người đã tin Chúa chỉ do nghe lời Thánh Ca. Điều này nói lên tầm quan trọng của âm nhạc trong rao giảng lời Chúa.
[8] Bức hình đầu bài được chú thích bà Võ Thị Thu là nữ truyền đạo đầu tiên của HTTL VN, không với nghĩa bà được bổ nhiệm phong chức, nhưng với nghĩa bà làm nhiệm vụ của một người truyền đạo đúng nghĩa.
[9] Ông bà GS Cadman đã tích cực vận động cho việc mở nhà in Tin Lành đầu tiên ở Việt Nam.
[10] Văn dịch không tham khảo ca từ Thánh Ca 182 “Ấy chẳng nhờ chi khác đâu. Hoàn toàn nhờ huyết báu Chúa Giê-xu.”

CÁC NỘI DUNG TRONG SỐ NÀY

Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 02 & 03 - Tháng 11/2023 2

Thông báo

Buổi Tọa đàm về chức vụ của Ông Bà giáo sĩ Livingston được thay thế bằng buổi Triển lãm tư liệu và giới thiệu sách 3

Kêu gọi đóng góp sử liệu về cô Hoàng Thị Thanh. 4

Tin tức

Hội thảo chuyên đề về Bản dịch Kinh Thánh năm 1925 - Lịch sử ra đời và những đóng góp về tôn giáo, văn hóa và xã hội ở Việt Nam. 5

Viện Thần học Tin Lành Việt Nam - Union University Of California (UUC) - Lễ tốt nghiệp năm 2023 7

Dư âm "Hội sách Thư Viện Cơ Đốc - Lần I" 8

Hội nghị Giáo dục Cơ Đốc (GDCĐ) ở Đông Nam Á. 10

Phỏng vấn - Tường thuật

Trích phỏng vấn Mục sư Rick Warren về việc phong chức nữ Mục sư. 12

Danny Potter và Mục vụ tiền xu. 19

Lễ kỷ niệm Một trăm năm Tin Lành truyền đến Campuchia. 27

Sử liệu

Khóa tu nghiệp truyền thông tại Taipei, Đài Loan năm 1971. 33

Những nữ sinh đầu tiên của Trường Kinh Thánh Tourane. 34

Bà Võ Thị Thu - Cô Giáo tiếng Việt cho Bà Giáo Sĩ Grace Cadman. 38

Bài viết

Dì Tôi - Một cuộc đời bình dị. 36

Tạm biệt Cô Hoàng Thị Thanh - Nữ Truyền đạo tình nguyện trên đường đến vĩnh cửu. 43

Bà Chấp sự Xuân Sinh của Hội Thánh Tin Lành Hà Nội. 45

Người Thầy Thầm Lặng. 52

Điểm sách

Tìm Hiểu Xứ Thánh qua Hình Ảnh. 56

Đồng Hành Cùng Thư Viện Cơ Đốc. 63

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2025 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 480,236 | Online: 4