Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 02 & 03 - Tháng 11/2023

Lễ kỷ niệm Một trăm năm Tin Lành truyền đến Campuchia.

Cuối tháng 1 năm 2023 vừa qua, Hội Thánh Tin Lành tại Cam-pu-chia đã tổ chức Lễ Kỷ Niệm 100 Năm, một sự kiện quan trọng và đầy ý nghĩa đối với cộng đồng Cơ Đốc Campuchia. Hội Thánh có dịp nhìn lại công việc kỳ diệu Chúa đã làm trên xứ chùa tháp cổ kính, đầy biến động và đã có nhiều năm chìm ngập trong khổ đau.

Các sự kiện lớn được tổ chức tại 2 nơi ở thủ đô Phnom Penh:

Ngày 26/01/2023 Tổng Hội C&MA tổ chức chương trình Kỷ niệm tại Moha Mongkul Sen Sok Center với khoảng 2.500 người tham dự. 

Ngày 27-28/01/2023 là chương trình của các Cộng Đồng Hội Thánh Tin Lành Cam-pu-chia tại Quảng trường 
Koh Pich (Diamond Island) với khoảng 10.000-15.000 người mỗi ngày tham dự.

Đức Chúa Giê-xu Christ đã phán: “…Ta sẽ lập Hội Thánh Ta trên đá nầy, các cửa âm phủ chẳng thắng được hội đó” (Ma-thi-ơ 16:18). Hội Thánh Tin Lành Cam-pu-chia là bằng chứng hùng hồn cho lẽ thật nầy: Chính Chúa Giê-xu xây dựng Hội Thánh, bảo tồn và phát triển vương quốc của Ngài giữa vòng dân tộc Cam-pu-chia qua những đau thương, mất mát, thất bại và thách thức.

Ông Hun-sen, thủ tướng của Cam-pu-chia tại buổi Lễ Khai Mạc Kỷ Niệm 100 năm Tin Lành truyền đến đất nước nầy cũng đã phát biểu: “Cơ Đốc nhân và đời sống của họ có ảnh hưởng trong xã hội cách rõ rệt. Hiện nay, có những Cơ Đốc nhân đang phục vụ trong chính phủ. Thật không thể tưởng tượng được khi tất cả những điều nầy xảy ra chỉ trong vài thập sau khi chiến tranh chấm dứt.”

Khởi Đầu Công Cuộc Truyền Giáo

Noi theo gương vị lãnh đạo dày dạn kinh nghiệm A.B. Simpson, nhà sáng lập Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (C&MA), giáo sĩ Robert A. Jaffray, đã cưu mang việc truyền bá Phúc Âm cho các dân tộc vùng Đông Nam Á, trong đó có Cam-pu-chia. Vào đầu thế kỷ 20, giáo sĩ Jaffray đã cho ra đời một cuốn sách nhỏ 12 trang có tựa đề “Cam-pu-chia.”  Qua cuốn sách này, Cam-pu-chia, một “bộ lạc” chưa từng được truyền bá Phúc Âm, đã được giới thiệu đến Cơ Đốc nhân Hoa Kỳ. Lúc bấy giờ hầu như dân Hoa Kỳ chưa hề biết có sự tồn tại của một đất nước Cam-pu-chia trên thế giới! Thế nhưng, Đức Chúa Trời đã sử dụng cuốn sách nhỏ nầy, cảm động lòng nhiều người cầu nguyện cho đất nước Cam-pu-chia. Có một người tên Gilbert, sống bằng nghề chăn cừu ở tiểu bang Montana, đã cầu nguyện suốt 23 năm để cánh cửa Phúc Âm được mở cho Cam-pu-chia. Lời cầu nguyện được Chúa nhậm và Tin lành đã được truyền đến xứ sở Cam-pu-chia.

Vào năm 1923, Arthur Hammond, nhà truyền giáo đầu tiên do Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (C&MA) được sai phái đến Phnom Penh. Ngày 28 tháng 12 cùng năm, David Ellison được cử đến Battambang. Giáo sĩ Hammond được giao nhiệm vụ biên dịch Kinh Thánh, và giáo sĩ Ellison tập trung vào việc mở trường Kinh Thánh.

Kinh Thánh được Dịch ra Tiếng Khmer

Hai cặp vợ chồng giáo sĩ đầu tiên, Arthur & Esther Hammond và David & Muriel Ellison, đã rao giảng Phúc Âm tại Cam-pu-chia Krom. Họ ưu tiên tập trung vào việc dịch Kinh Thánh và đã tổ chức một Ủy ban phiên dịch Kinh Thánh tiếng Khmer dựa trên Bản American Standard Version (1901) có tham chiếu bản Kinh Thánh tiếng Pháp, bản gốc tiếng Hê-bơ-rơ và Hy Lạp. Bốn thành viên của Ủy ban là các học giả về ngôn ngữ Khmer.
 
Tân Ước đã được dịch sang tiếng Khmer vào năm 1934. Cựu Ước được dịch xong vào năm 1954. Toàn bộ Kinh Thánh tiếng Khmer  do Thánh Kinh Hội Anh Quốc (British Bible Society) xuất bản đầu tiên vào năm 1954. Như vậy, phải mất hơn 30 năm (1923-1954), công tác dịch Kinh Thánh mới được hoàn tất. Hiện nay, tín hữu Tin Lành người Cam-pu-chia đã có trọn bộ Kinh Thánh Cựu và Tân Ước bằng tiếng mẹ đẻ của mình.

Sự Tăng Trưởng của Hội thánh Cam-pu-chia

Những tín đồ Tin Lành đầu tiên năm 1923 chỉ có có bảy người (2 người Cam-pu-chia và 5 người Việt Nam), và đã được làm phép báp-têm. Cuối năm 1924, số tín hữu ở Cam-pu-chia lên đến 10, đến năm 1925 con số tăng lên được 80 (chưa kể số tín hữu Cam-pu-chia ở phía Nam). Đây là điều rất khích lệ cho các giáo sĩ đầu tiên.

- Năm 1925: Trường Thánh Kinh đầu tiên cho tín hữu Cam-pu-chia với 5 sinh viên học tại nhà của một giáo sĩ C&MA.

- Năm 1927: số sinh viên tăng lên 12 người và họ bắt đầu truyền giáo đến các vùng nông thôn.

- Năm 1935, giáo sĩ David Ellison mở trường Kinh Thánh ở Battambang. Năm 1954, trường Kinh Thánh được chuyển từ Battambang đến Takhmau, phía nam của Phnom Penh.

- Ông Ock Sot ở Battambang là người Cam-pu-chia đầu tiên tiếp nhận Chúa, cũng là người đầu tiên dâng mình hầu việc Chúa. Ông được học tại các trường Pháp ở Phnom Penh và có thể đọc Kinh Thánh bằng tiếng Pháp. Ông và vợ đã giúp đỡ rất nhiều cho gia đình giáo sĩ Ellison trong việc tiếp cận người bản địa, làm chứng và dịch thuật. Một trong những nhà thờ đầu tiên ở Campuchia ra đời vào những năm 1920 như một tia sáng nhỏ trong bóng tối tâm linh của một ngôi làng xa xôi.

Tên gọi của Hội Thánh Tin Lành Cam-pu-chia là Cambodia Christian Alliance, được sử dụng từ năm 1954-1957. Vào năm 1958, Tổng Hội chọn tên là Hội Thánh Tin Lành Khmer (Khmer Evangelical Church- KEC) và tên gọi này được sử dụng cho đến ngày nay. 

- Hội Thánh Tin Lành Khmer (KEC) do Hội C&MA thành lập không có nhiều kết quả từ năm 1923 đến năm 1965 vì ngay từ đầu Hội Thánh đã phải đối mặt với sự phản đối và đàn áp từ chính quyền và người dân địa phương. Đến năm 1965, Hội Thánh đã có được một số mục sư và khoảng 2.000 tín hữu. Như vậy Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp đã đặt nền móng cho các Hội Thánh Cơ Đốc ở Cam-pu-chia qua việc rao truyền Tin lành và phiên dịch Kinh Thánh ra tiếng Khmer.

- 1975 đến 1979 là giai đoạn đất nước Cam-pu-chia chuyển qua một chương đen tối và kinh hoàng nhất trong lịch sử. Trong số 10.000 tín hữu Tin Lành lúc đó, đã có 8.000 bị giết suốt gần 4 năm dưới sự cai trị của Khmer Đỏ. Và cũng trong thời kỳ nầy, trong số 33 mục sư (C&MA) có 23 vị đã tử đạo!

- Từ 1980-1981: Hội Thánh bắt đầu nhóm lại một cách bí mật, thầm lặng.

- Từ 1990- 2001: Hội Thánh được tái lập. Các giáo sĩ C&MA, có cả ông bà giáo sĩ Rick và Beth Drummond (từng phục vụ ở Việt nam từ 1967 đến 1975), được phái đến Cam-pu-chia để truyền giáo cho người Cam-pu-chia, Việt, Lào và người sắc tộc Bunong ở Cam-pu-chia. Bên cạnh đó các tổ chức Cơ Đốc như Campus Crusade for Christ (CCC), World Vision, YWAM cũng như các giáo phái khác như Free Methodists, Anglican vv.. cũng được phép đến hoạt động.

- Năm 1993 đánh dấu sự tái sinh của Tổng Liên Hội C&MA tại Cam-pu-chia với sự ra đời của 15 Hội Thánh Tin Lành Khmer (KEC). Từ 2.000 tín đồ sống sót sau Cánh Đồng Chết (The Killing Fields), Hội Thánh Tin Lành ở Campuchia đã phát triển lên đến hơn 200.000 tín hữu, và cho đến nay lên đến 300.000 tín hữu Tin Lành. Quả là việc lớn lao Chúa làm.

Hiện nay, Hội Thánh và tín hữu Tin Lành tại Cam-pu-chia tiếp tục gia tăng và phát triển. Thống kê cho những số liệu như sau:

- Năm 2017, HTTL Cam-pu-chia (C&MA): 10,828 tín hữu và 208 Hội Thánh

- Năm 2019, HTTL Cam-pu-chia (hệ phái Trưởng Lão): 20,090 tín hữu và 136 Hội Thánh, 306 nhóm tế bào (cell groups)

- Năm 2018, HTTL Cam-pu-chia thuộc liên hệ phái: 95,196 tín hữu và 1,917 Hội Thánh

- Năm 2018, HTTL Cam-pu-chia (Free Methodist Church): 6,828 tín hữu và 140 Hội Thánh

Theo sử liệu, khoảng 2017-2018,  Hội Thánh và tín hữu Tin Lành Cam-pu-chia có khoảng 400,000 Tín Hữu và 2,500 Hội Thánh. 

Lịch sử cho thấy Hội Thánh thường mạnh nhất khi bị bách hại. Những cơn bắt bớ thúc đẩy tín hữu ra khỏi chốn bình yên của mình, vừa giữ đức tin vừa nhiệt thành rao truyền Phúc Âm, chuyên tâm cầu nguyện riêng cũng như công khai. Chúa Giê-xu phán, với tôi con Ngài khi bị bắt bớ: “Hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng của các con ở trên trời là rất lớn” (Ma-thi-ơ 5:12, TTHĐ).

Ngày nay, Hội Thánh Tin Lành ở Campuchia đã phát triển thành một cộng đồng lớn mạnh, với hàng trăm ngàn tín hữu trên khắp đất nước, tiếp cận mọi tầng lớp xã hội để giúp cộng đồng nhận biết ơn cứu rỗi của Chúa Giê-xu.

Các giáo sĩ C&MA đến Campuchia vào năm 1923, bởi đức tin, đã nhìn thấy Hội Thánh của Đức Chúa Trời sẽ được vững lập. Trải qua thời kỳ đau thương, chết chóc, có lúc thối lui và thất bại, Đức Chúa Trời vẫn theo dõi và thăm viếng đất nước Cam-pu-chia. Hội Thánh Tin Lành Cam-pu-chia được phước khi nhìn lại lịch sử 100 năm với lòng biết ơn Chúa để tiếp tục xây dựng và mở mang Vương quốc của Đức Chúa Trời.

Tóm tắt các giai đoạn lịch sử:

Lịch sử HTTL Cam-pu-chia có thể được phân chia như sau:

- Giai đoạn khởi đầu và vấp ngã (1923-1946)

- Giai đoạn thách thức và mở rộng (1946-1965)

- Giai đoạn thử thách (1965-1970)

- Giai đoạn ăn năn và phục hồi (1970-1975)

- Giai đoạn kinh hoàng và lời hứa truyền giáo (1975-1990)

- Giai đoạn khởi đầu mới của các nhà truyền giáo C&MA và thách thức khác (1990-nay)

Nhu Cầu Cần Cầu Nguyện

- Hiện nay, tại thủ đô Phnom Penh, có 8 Hội Thánh Tin Lành (C&MA) và 2 điểm nhóm dành cho người Việt. Có 2 mục sư và 3 vị truyền đạo. Ngoài ra một số Giáo Hội Tin Lành khác cũng có một số tín đồ và mở các nhà thờ, nhà nguyện. Xin Chúa tiếp tục mở mang Hội Thánh Tin Lành Cam-pu-chia và Hội Thánh cho người Việt Nam tại Cam-pu-chia. 

- Trường học dành cho con em người Việt của Mục vụ Hy Vọng do các giáo sĩ C&MA ở Mỹ, Ca-na-đa và Úc thành lập và hỗ trợ. Hiện nay, trường có 3 cơ sở tại Phnom Penh, mỗi nơi có 5 phòng học, tổng cộng có 212 học sinh từ lớp 1-5. Cơ sở vật chất của trường học còn đơn sơ, không có tủ sách hay thư viện, cũng như thiếu nhiều công cụ giảng dạy cho trẻ em. Xin Chúa mở đường cho có nhiều tình nguyện viên tham gia dạy trẻ và có sự giúp đỡ thêm về tài liệu, sách vở, và trang thiết bị.

L.T. L.T

CÁC NỘI DUNG TRONG SỐ NÀY

Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 02 & 03 - Tháng 11/2023 2

Thông báo

Buổi Tọa đàm về chức vụ của Ông Bà giáo sĩ Livingston được thay thế bằng buổi Triển lãm tư liệu và giới thiệu sách 3

Kêu gọi đóng góp sử liệu về cô Hoàng Thị Thanh. 4

Tin tức

Hội thảo chuyên đề về Bản dịch Kinh Thánh năm 1925 - Lịch sử ra đời và những đóng góp về tôn giáo, văn hóa và xã hội ở Việt Nam. 5

Viện Thần học Tin Lành Việt Nam - Union University Of California (UUC) - Lễ tốt nghiệp năm 2023 7

Dư âm "Hội sách Thư Viện Cơ Đốc - Lần I" 8

Hội nghị Giáo dục Cơ Đốc (GDCĐ) ở Đông Nam Á. 10

Phỏng vấn - Tường thuật

Trích phỏng vấn Mục sư Rick Warren về việc phong chức nữ Mục sư. 12

Danny Potter và Mục vụ tiền xu. 19

Lễ kỷ niệm Một trăm năm Tin Lành truyền đến Campuchia. 27

Sử liệu

Khóa tu nghiệp truyền thông tại Taipei, Đài Loan năm 1971. 33

Những nữ sinh đầu tiên của Trường Kinh Thánh Tourane. 34

Bà Võ Thị Thu - Cô Giáo tiếng Việt cho Bà Giáo Sĩ Grace Cadman. 38

Bài viết

Dì Tôi - Một cuộc đời bình dị. 36

Tạm biệt Cô Hoàng Thị Thanh - Nữ Truyền đạo tình nguyện trên đường đến vĩnh cửu. 43

Bà Chấp sự Xuân Sinh của Hội Thánh Tin Lành Hà Nội. 45

Người Thầy Thầm Lặng. 52

Điểm sách

Tìm Hiểu Xứ Thánh qua Hình Ảnh. 56

Đồng Hành Cùng Thư Viện Cơ Đốc. 63

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2024 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 338,106 | Online: 1