Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 02 & 03 - Tháng 11/2023

Người Thầy Thầm Lặng.


Người Thầy Thầm Lặng. [1]

Sáng nay khác với mọi ngày, trên đường từ nhà thờ về sau buổi nhóm cầu nguyện, khi đi ngang qua chợ tôi thấy có rất nhiều hoa tươi xinh đẹp bày bán hai bên đường, tôi chợt nhớ ra hôm nay là ngày hiến chương nhà giáo Việt Nam… Bỗng nhiên, cảm xúc nhớ thầy trào dâng trong lòng tôi – từng gương mặt khả kính, từng lời dạy, từng ánh mắt nụ cười, từng cử chỉ thân thương rất đáng trân trọng của những người Thầy xưa vẫn còn lưu lại trong tâm tôi…

Tôi hồi tưởng lại thời thơ ấu của mình: những ngày đầu tiên được cắp sách đến trường học lớp mẫu giáo với người Thầy mà ba năm trước đây có lần tôi được đến thăm khi Thầy tôi đang nằm liệt trên giường trong ngôi nhà rất đơn sơ. Nền nhà cũ là nơi mà hơn 50 năm về trước tôi được Thầy tôi dạy những bài học lễ nghĩa đầu tiên, viết những mẫu tự đầu tiên…. Thầy đã gắn bó với quê hương và đám học trò nghèo suốt những năm dài bom đạn, Thầy đã ân cần kiên nhẫn cầm bàn tay của từng học trò nhỏ nắn nót từng chữ viết… Bây giờ khi nhớ về Thầy thì cũng là lúc Thầy tôi đã qua đời hơn một năm.

Người Thầy thứ hai rất ấn tượng trong tôi là người đã dạy tôi trong năm học lớp nhất (bây giờ gọi là lớp năm). Thầy rất lạc quan và năng động trong mọi việc dù bị cụt tay một tay bên phải. Thầy phải dùng tay trái để viết, chữ viết của Thầy rất đẹp, cách dạy toán của Thầy rất dễ hiểu. Thầy là sự khích lệ rất lớn cho chúng tôi khi phải ôm vở đến trường giữa những năm quê hương có chiến tranh.

Nhớ về thời trung học, các Thầy Cô đáng kính đã để lại trong tôi những cảm tình sâu sắc như: cô giáo dạy Lý Hóa mới ra trường, thỉnh thoảng cô chở tôi đi một chặng đường vì trời mưa nước ngập làm tôi không thể tự đạp xe của mình đến trường được; cô giáo dạy Việt văn lúc nào cũng mỉm cười và thường gọi chúng tôi là các con; Thầy dạy Anh văn rất hoạt bát; Cô dạy Toán rất thông minh; thầy dạy Triết rất uyên thâm…

Giai đoạn vào Tu Viện, tôi được đánh thức mỗi sáng khi đang ngủ ngon. Lúc đó, sau những giờ đến lớp, chúng tôi được học về chăm sóc trẻ bị bỏ rơi. Các Soeur dạy và làm gương cho chúng tôi nếp sống kỷ luật, sự phục vụ và tận hiến.[2]

Rồi khi vào Thần Học Viện, tôi được học với cụ Mục sư Ông Văn Huyên – một người Thầy khả kính và rất chuẩn mực. Những bài dạy của Cụ rõ ràng, chính xác đã gây dựng đức tin và chức vụ cho tôi cũng như cho nhiều tôi tớ Chúa. Những lời khuyên dạy đầy linh quyền, dù cứng rắn song nhẹ nhàng, đúng người, đúng việc của Cụ rất hữu ích cho chúng tôi; sự quan tâm sâu sắc đầy yêu thương của Cụ đối với từng sinh viên trong Viện như Phao-lô đối với Ti-mô-thê, Cụ như một người cha thuộc linh của mọi người.

Sau khi nhớ về những người Thầy cũ, tôi và một số chị em đã sắp xếp đến thăm một người đang ở gần chúng tôi, một người rất đặc biệt đối với tôi: Cụ bà Quả phụ Mục sư Kiều Toản.

Cụ bà Quả phụ Mục sư Kiều Toản năm nay 91 tuổi.[3] Cụ sinh tại Sơn Tây, cách Hà Nội 30km. Cụ là một nữ học viên ưu tú của trường Kinh Thánh Đà Nẵng niên khoá 1942-1943. Cụ lập Gia đình với Cố Mục sư Kiều Toản ngày 24/08/21943. Hai Cụ có tám người con. Hiện nay các con Cụ đều là những người hầu việc Chúa.

Cụ bà Quả phụ Mục sư Kiều Toản là một phụ nữ đảm đang: trong khi hầu việc Chúa có hai lần ông bị ở tù, Cụ ở nhà quán xuyến lo cho các con và thay ông thăm viếng, nâng đỡ, gây dựng đức tin cho bầy chiên Katu tại An Điềm – Quảng Nam. Làm công việc của một người chăn bầy, Cụ không nề hà gian khổ trong suốt những năm tháng cùng ông lăn lộn trên cánh đồng thuộc linh miền núi.

Sau năm 1975, tại khu dưỡng lão của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam ở Hòn Chồng – Nha Trang, Cụ Bà Quả phụ Mục sư Kiều Toản đứng ra tổ chức nhóm cầu nguyện phụ nữ vào mỗi chiều thứ 7, từ nhà này sang nhà khác. Thỉnh thoảng Cụ quét dọn những con đường trong khu dưỡng lão, thu gom những bẹ dừa làm củi nấu nướng cho gia đình. Cụ tận dụng từng chút đất trồng rau, Cụ rất hiếu khách, dù kinh tế có chật vật nhưng cụ luôn ân cần mời những người từ quê đến dùng những bữa cơm thân tình…

Cụ cũng làm gương cho tôi về sự nhẫn nhục: có một lần nghe người ta nói rất xấu về Cụ – tôi nghĩ Cụ buồn nên đến thăm – nhưng thấy Cụ thản nhiên, tôi hỏi: “Cụ có buồn không? Sao Cụ vẫn thản nhiên khi người ta nói Cụ như thế?” Cụ nói: “Tôi đã chết rồi.” Nghe vậy, tôi chỉ biết lặng yên và thầm tạ ơn Chúa.

Sáng nay chị em tôi đến thăm Cụ, chúng tôi thấy Cụ thật gầy, song Cụ rất vui. Chúa cho tai Cụ không nặng, mắt Cụ không mờ; Cụ nghe và hiểu rõ lời người đối diện nói, Cụ chăm chỉ đọc Kinh Thánh và sách bồi linh mỗi ngày.

Khi được hỏi về mong ước của Cụ hiện nay là gì, Cụ chẳng nói gì về nhu cầu mình, Cụ chẳng than về tuổi già sức yếu, Cụ chẳng mong con cháu Cụ giàu sang. Cụ chỉ quan tâm đến công việc Hội Thánh chung, quan tâm đến các tôi tớ Chúa, đến anh chị em Katu ở Quảng Nam, đến đồng bào bị lũ lụt, đến phụ nữ cô đơn, đến trẻ em cần được dạy dỗ….
Nhìn khuôn mặt sạm nắng vì đã dấn thân trong thời trung tráng, nhìn mái tóc bạc phơ vì tuổi già chồng chất, nghe những lời tâm sự của Cụ… lòng tôi thật cảm động.

Cảm tạ Chúa về tấm lòng của Cụ với Chúa, với gia đình, với Hội Thánh, với tha nhân. Cảm tạ Chúa về tâm thần dịu dàng im lặng của Cụ.

Cảm tạ Chúa vì Cụ thực sự là một phụ nữ xinh đẹp như trong I Phi-e-rơ 3:4 “…tìm kiếm sự trang sức bề trong giấu ở trong lòng, tức là sự tinh sạch chẳng hư nát của tâm thần dịu dàng im lặng, ấy là giá quí trước mặt Đức Chúa Trời.”

Tôi chưa từng được học nơi Cụ một chữ nào, tôi chưa từng nghe Cụ có bằng cấp gì, tôi cũng chưa tận mắt thấy Cụ đứng trên bục giảng, nhưng đối với tôi, Cụ là một người thầy, một người Thầy thầm lặng dạy chúng tôi nhiều điều qua chính gương sống của cụ, một tấm gương sáng đáng cho chúng tôi, những người phụ nữ Tin Lành thời nay và cả ngày sau, noi theo.

Núi Sạn, 20/11/2013 
Nữ Truyền Đạo Trần Thị Liễu

---
[1] Bài viết này đã được đăng trong trang Ủy Ban Phụ Nữ của HTTL Việt Nam (miền Nam). Thư Viện Cơ Đốc được tác giả cho phép đăng lại. Tuy bài được viết năm 2013, giá trị về đời sống theo Chúa của nó vượt thời gian. (BBT) 
[2] Tác giả xuất thân là một nữ tu Công Giáo đã đến với Tin Lành năm 1974 và hầu việc Chúa không mỏi mệt trong HTTL cho đến hiện tại, đặc biệt cho truyền giáo phụ nữ sắc tộc và cộng đồng người phung. (BBT)
[3] Bài viết này được viết cách đây 10 năm. Bà cụ MS Kiều Toản đã về với Chúa ngày 13/4/2017 tại Nha Trang.

CÁC NỘI DUNG TRONG SỐ NÀY

Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 02 & 03 - Tháng 11/2023 2

Thông báo

Buổi Tọa đàm về chức vụ của Ông Bà giáo sĩ Livingston được thay thế bằng buổi Triển lãm tư liệu và giới thiệu sách 3

Kêu gọi đóng góp sử liệu về cô Hoàng Thị Thanh. 4

Tin tức

Hội thảo chuyên đề về Bản dịch Kinh Thánh năm 1925 - Lịch sử ra đời và những đóng góp về tôn giáo, văn hóa và xã hội ở Việt Nam. 5

Viện Thần học Tin Lành Việt Nam - Union University Of California (UUC) - Lễ tốt nghiệp năm 2023 7

Dư âm "Hội sách Thư Viện Cơ Đốc - Lần I" 8

Hội nghị Giáo dục Cơ Đốc (GDCĐ) ở Đông Nam Á. 10

Phỏng vấn - Tường thuật

Trích phỏng vấn Mục sư Rick Warren về việc phong chức nữ Mục sư. 12

Danny Porter và Mục vụ tiền xu. 19

Lễ kỷ niệm Một trăm năm Tin Lành truyền đến Campuchia. 27

Sử liệu

Khóa tu nghiệp truyền thông tại Taipei, Đài Loan năm 1971. 33

Những nữ sinh đầu tiên của Trường Kinh Thánh Tourane. 34

Bà Võ Thị Thu - Cô Giáo tiếng Việt cho Bà Giáo Sĩ Grace Cadman. 38

Bài viết

Dì Tôi - Một cuộc đời bình dị. 36

Tạm biệt Cô Hoàng Thị Thanh - Nữ Truyền đạo tình nguyện trên đường đến vĩnh cửu. 43

Bà Chấp sự Xuân Sinh của Hội Thánh Tin Lành Hà Nội. 45

Người Thầy Thầm Lặng. 52

Điểm sách

Tìm Hiểu Xứ Thánh qua Hình Ảnh. 56

Đồng Hành Cùng Thư Viện Cơ Đốc. 63

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2024 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 104,847 | Online: 0