Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 02 & 03 - Tháng 11/2023

Dì Tôi - Một cuộc đời bình dị.

Tôi viết về Dì – Đào Thị Lực – người đàn bà mộc mạc, giản dị, cười nhiều hơn nói. Người ta thường cười bằng đôi môi, cái miệng, còn Dì tôi, bà cười bằng cả đôi mắt và trái tim rộng mở.

Những ngày còn bé, tôi ít có dịp gần gũi vì gia đình Dì sống ở thành phố còn gia đình tôi ở tận cao nguyên. Dù vậy, trong suy nghĩ của tôi, Dì là người hiền lành, đơn sơ nhất mà tôi từng biết. Khi tôi lớn lên, phải vào thành phố để thi cử, học hành, nhà Dì là nơi tôi tá túc. Căn nhà chật chội không phải vì nhỏ mà vì quá đông người ở - nào là chị gái phía bên chồng với gần nửa tá con nheo nhóc, nào là người phụ nữ có hoàn cảnh cơ nhỡ, nào là bà con tỉnh lẻ lên ở nhờ để đi học, đi làm… Và tôi cũng từng là người đến đó để góp phần tăng thêm vẻ lộn xộn cho ngôi nhà của Dì. Dù có những nỗi bất tiện, nhưng đó là nơi duy nhất thoải mái so với mọi chỗ… vì chủ nhân của ngôi nhà là người thoải mái. 

Gian nhà phía trước là cửa hàng tạp hóa. Dì bán đủ loại từ than đến muối, từ nước mắm, xì dầu đến tuýp kem đánh răng, chai dầu gió… Cái lối đi nhỏ duy nhất trong nhà lúc nào cũng có người qua lại, không phải là những người đến mua đồ mà là những người sống ở trong nhà. Sau tấm vách có cái sạp gỗ, vừa là nơi ăn uống ban ngày, vừa là nơi ngả lưng ban đêm. Tôi còn nhớ, dưới chân cái cầu thang bé xíu dẫn lên gác là một mớ rất đông giày dép. Muốn lên gác phải bỏ dép ra, và phải rất khó khăn để tìm lại nó khi trở xuống. Ngôi nhà lúc nào cũng đầy tiếng người qua lại, lên xuống, tiếng cười giỡn, khóc la của trẻ con. Chẳng có chỗ nào gọi là góc riêng tư cho Dì ngoài cái chái nhỏ xiên xiên, nóng bức sát nóc nhà. 

Dì sống như thế nhưng trông Dì nhàn hạ hơn bất cứ con người nhàn hạ nào trên đời. Giữa muôn vàn lộn xộn của cuộc sống, Dì cầm chiếc quạt tay, vừa quạt vừa hát thánh ca, giọng trầm bổng, lên xuống tùy thích. Tôi tìm thấy bên trong Dì là một tâm hồn trẻ thơ. Cách Dì nhìn sự việc và nhìn cuộc đời cũng rất lạ. Tôi không nói đến việc hay, dở, đúng, sai… Điều tôi muốn nói, Dì thường làm tôi ngạc nhiên vì lối suy nghĩ khó tìm thấy ở những người khác – nó cực kỳ giản đơn!

Khi tôi lập gia đình, về sống ở thành phố, Dì đến nhà tôi chơi, lúc ấy đứa con trai sáu tuổi của tôi đang mếu máo vì bị bạn hàng xóm giật mất đồ chơi. Là mẹ, tôi muốn con cứng rắn, mạnh mẽ nên nói:
 - Đừng khóc! Nếu muốn, thì con tìm bạn rồi lấy lại!
Dì mỉm cười, kéo thằng bé của tôi vào lòng và nói:
 - Đứa nào hiền lành thì được Chúa thương! Cho nó luôn đi con!
Rồi có hôm, mọi người đông đúc ngồi chuyện trò, Dì đến cạnh tôi, vừa cười vừa nói nhỏ:
 - Cho Dì hai chục!
Tưởng việc cần kíp, dè đâu, Dì cầm tiền đi ra dăm phút rồi trở về với chục hũ yaourt trên tay, mời mỗi người một hũ… Riêng Dì không ăn vì nó lạnh. 

Tôi ngạc nhiên hỏi:
 - Dì không thích ăn, sao lại mua?
 - Thì mua cho mọi người ăn!
Dì cười tỉnh bơ, nhưng sau đó tôi mới biết, Dì tội nghiệp người bán yaourt, đông con mà bán ế ẩm, và đó là cách Dì giúp đỡ bà ta khi không có tiền trong túi.

Trong thời buổi nhiều người tránh né khi phải giúp đỡ người khác, thì Dì tôi lại tìm kiếm những cơ hội như vậy. Đó là lý do chẳng mấy khi Dì có tiền trong túi, vì người nghèo thiếu quanh Dì vốn đã nhiều mà người lạm dụng lòng tốt của Dì cũng không ít. Con cháu nói Dì tào lao! Chẳng sao, Dì vẫn sống theo những nguyên tắc rất riêng của mình. Con gái của Dì là người hiểu rõ tánh mẹ, có những buổi sáng, Dì rủng rỉnh tiền trong túi, buổi chiều đã sạch trơn. Chẳng cần phải hỏi cũng biết, khi thì Dì giúp người khó, khi thì Dì thăm người đau. Có điều lạ là Dì chẳng tiêu riêng cho mình!!! Nhiều khi thấy mẹ không màng ăn sáng mà tiền cũng hết (!?) cô con gái nóng ruột nghĩ mẹ tiêu xài vô lý. Nhưng rồi…

Một ngày Chúa nhật nọ, giữa đám đông vừa tan ra trước cổng một nhà thờ nọ, cô con gái gặp khuôn mặt quen cười chào: 
 - Mẹ em có khỏe không?
 - Sao chị biết mẹ em? Cô gái ngạc nhiên vì mẹ mình không hề sinh hoạt ở Hội Thánh này.
 - Biết chớ! Ngày trước gia đình chị sống ở Đà Lạt, mẹ em cũng từng ở đó…
Và rồi với giọng kể nhỏ nhẹ rất ư Đà Lạt, chị người quen kể cho cô con gái câu chuyện của nhiều chục năm trước: “Ngày ấy cuộc sống vất vả, ba má chị phải lang thang qua nhiều tỉnh: Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, rồi cuối cùng lên tới Đà Lạt. Tuy nghèo nhưng con cái vẫn luôn là niềm ước ao của hai ông bà, vậy mà sống với nhau 9 năm vẫn chưa có con. Ông bà gần như không còn hy vọng, nhiều lần đã tính chuyện xin con nuôi của những người sắc tộc.

Đến năm 1944, khi Hội Thánh Đà Lạt xây dựng nhà thờ, ba má chị làm phụ hồ chung với những người sắc tộc Kơ Ho tại đó. Đây là công việc nặng nhọc, phải bưng bê, khiêng vác. Một hôm, vì gánh nặng, mẹ chị bị đuối sức, bí tiểu tiện chịu không nổi. Ba chị phải dắt bà ra tiệm thuốc Bắc “Con Cua” để thầy lang bắt mạch hốt thuốc. Không ngờ, sau khi bắt mạch, thầy thuốc báo tin vui: bà có thai gần hai tháng, cần hốt 4 thang thuốc, mỗi thang 5 đồng để chữa bệnh và dưỡng thai. Ba má chị vừa mừng vừa lo, mừng vì đây là đứa con bao năm trông đợi, lo vì trong túi chỉ có 3, 4 đồng bạc, lấy đâu ra những 20 đồng để hốt thuốc? Thế nhưng, trong sự sắp đặt lạ lùng của Chúa, đang lúc bối rối thì bà Lực tình cờ đi ngang qua. Vì cùng là tín đồ trong Hội Thánh Đà Lạt nên vừa nghe xong chuyện là bà cho tay vào túi, đưa ngay 20 đồng để ba má chị có tiền hốt thuốc. Nhờ tấm lòng rời rộng ấy mà mẹ chị có được cậu con trai (sau này trở thành một đầy tớ Chúa), rồi tiếp theo là chị. Ba má chị ngày còn sống cứ nhắc mãi về chuyện ấy.” 

Câu chuyện cũ làm mới lại suy nghĩ của cô con gái về mẹ. Có lẽ cô bắt đầu nhận ra nét đáng yêu trong những việc tưởng như tào lao mà mẹ mình đã làm. Và tôi biết, con gái của Dì cũng đã học được ít nhiều từ mẹ mình cái tâm tình đó.
 
Thật như lời Chúa có chép trong Châm-ngôn 19:17 “Ai thương xót kẻ nghèo, tức là cho Đức Giê hô va vay mượn; Ngài sẽ báo lại việc ơn lành ấy cho người”. Lúc hơn 80 tuổi, trong khi nhiều người chỉ nằm một chỗ, Dì tôi lại có thể lái xe đạp để đi thăm viếng gần nhà và đến nhà thờ. Tôi nhìn Dì, dáng nhỏ bé trên chiếc xe đạp mi-ni, chầm chậm giữa vòng quay hối hả của cuộc đời. Lo lắng, tôi khuyên Dì không nên lái xe đạp vì đã lớn tuổi, Dì cười: “Có sao đâu! Chỉ đi một đường thẳng là tới nhà thờ Trần Hưng Đạo!” 

Rồi đến thời gian Dì không còn đi lại được nữa, phải nằm nhà. Nhiều người đến thăm Dì cho Dì vui, nhưng họ ra về cho biết, đến thăm Dì về họ đã rất vui, được khích lệ vì đã được thấy một gương sống thanh thản, vui thỏa bình an trong Chúa. Dù quên lãng nhiều những năm cuối đời, Dì vẫn vui vẻ ca hát và cầu nguyện, đặc biệt là nụ cười không bao giờ tắt trên môi.

Bên trong dáng vẻ của một bà cụ, trái tim Dì vẫn trẻ. Có lần đi chơi xa tận Phước Hải, đến ngày thứ Bảy Dì một mực đòi về với lý do duy nhất - Dì phải hát ca ngợi Chúa trong ban hát Lão niên của Hội Thánh. Ai cản sao cũng không được. Tôi nhìn Dì vui thỏa tuổi già với những niềm vui thật giản dị. Một người nữ Tin Lành suốt đời tận trung với Chúa và đơm hoa kết quả cho Chúa. Thật khích lệ khi nghĩ rằng có bao nhiêu người nữ Tin Lành như vậy, họ sống một cuộc đời xem ra bình thường, nhưng bằng cách nào đó đã trở nên phi thường – sống theo lời Chúa dạy. 
 
Dì tôi, Cụ Bà Đào Thị Lực, đã được Chúa rước đi cách nhẹ nhàng ngày 10-3-2023, được Chúa cho sống đúng một thế kỷ, hưởng thượng thọ 100 tuổi.

Đinh Thị Thành Tín

CÁC NỘI DUNG TRONG SỐ NÀY

Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 02 & 03 - Tháng 11/2023 2

Thông báo

Buổi Tọa đàm về chức vụ của Ông Bà giáo sĩ Livingston được thay thế bằng buổi Triển lãm tư liệu và giới thiệu sách 3

Kêu gọi đóng góp sử liệu về cô Hoàng Thị Thanh. 4

Tin tức

Hội thảo chuyên đề về Bản dịch Kinh Thánh năm 1925 - Lịch sử ra đời và những đóng góp về tôn giáo, văn hóa và xã hội ở Việt Nam. 5

Viện Thần học Tin Lành Việt Nam - Union University Of California (UUC) - Lễ tốt nghiệp năm 2023 7

Dư âm "Hội sách Thư Viện Cơ Đốc - Lần I" 8

Hội nghị Giáo dục Cơ Đốc (GDCĐ) ở Đông Nam Á. 10

Phỏng vấn - Tường thuật

Trích phỏng vấn Mục sư Rick Warren về việc phong chức nữ Mục sư. 12

Danny Potter và Mục vụ tiền xu. 19

Lễ kỷ niệm Một trăm năm Tin Lành truyền đến Campuchia. 27

Sử liệu

Khóa tu nghiệp truyền thông tại Taipei, Đài Loan năm 1971. 33

Những nữ sinh đầu tiên của Trường Kinh Thánh Tourane. 34

Bà Võ Thị Thu - Cô Giáo tiếng Việt cho Bà Giáo Sĩ Grace Cadman. 38

Bài viết

Dì Tôi - Một cuộc đời bình dị. 36

Tạm biệt Cô Hoàng Thị Thanh - Nữ Truyền đạo tình nguyện trên đường đến vĩnh cửu. 43

Bà Chấp sự Xuân Sinh của Hội Thánh Tin Lành Hà Nội. 45

Người Thầy Thầm Lặng. 52

Điểm sách

Tìm Hiểu Xứ Thánh qua Hình Ảnh. 56

Đồng Hành Cùng Thư Viện Cơ Đốc. 63

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2024 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 338,106 | Online: 4