Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 02 & 03 - Tháng 11/2023

Những nữ sinh đầu tiên của Trường Kinh Thánh Tourane.


KHÓA HỌC KINH THÁNH NỮ GIỚI 1923: 
Hàng ngồi, từ trái qua phải: giáo sĩ Edith Frost Olsen (thứ nhì) và Giáo sĩ Celma Ailshouse (thứ tư). Các học viên nữ người Việt ghi nhận được 8 tên như sau: (1) Bà Hoàng Trọng Thừa, (2) bà Phạm Thành, (3) bà Phan Đình Liệu, (4) bà Thông Tuấn, (5) cô Hầu, (6) cô Hậu (7) cô Út, (8) cô Công Tôn Nữ Tú Oanh (tức bà Lê Văn Thái sau này). Còn thiếu tên 2 học viên; và chưa nhận diện được từng cá nhân học viên.[4] *

* Danh sách trên được tổng hợp theo 4 nguồn sau: [5]
- Kỷ yếu “Trường Kinh Thánh và Thần Học viện 50 Năm” (bà cụ Hầu và bà cụ Hậu.)
- Hồi ký của Mục sư Lê Văn Thái “46 Năm Chức Vụ” trang 34: ông kết hôn với cô Công Tôn Nữ Tú Oanh (đang là nữ sinh trường Kinh Thánh) vào ngày 30/05/1924.
- Trong sách “Lịch sử Tin Lành Truyền Đến Việt Nam”, MS Phan Đình Liệu có ghi: Nữ học sanh: Bà Hoàng Trọng Thừa, bà Phạm Thành, bà Phan Đình Liệu, bà Thông Tuấn, cô Hậu (vợ cụ Viên, và là chị bà MS Lê Văn Thái), cô Công Tôn Nữ Tú Anh (tức bà Lê Văn Thái sau này).
Biên bản của Ban Điều Hành Hội Truyền Giáo ngày 11/9/1923, trang 2.

Sau khi Tin Lành được truyền đến Việt Nam vào năm 1911, các giáo sĩ rất quan tâm đến việc huấn luyện nhân sự người Việt để giúp họ trở thành những người gieo hạt giống Phúc Âm, giãi bày lẽ thật và gây dựng đời sống tâm linh trên nền tảng lẽ thật của Lời Chúa, trên chính đất nước, bằng chính ngôn ngữ của mình. 

Tháng 11/1920, Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp (C&MA) đã có chủ trương về việc tổ chức trường Kinh Thánh và chọn Tourane[1] để làm nơi xây dựng trường. 

Giai đoạn từ giữa năm 1919 đến năm 1921, Giáo sĩ E. F. Irwin và bà đã bắt đầu dạy một số nhân sự tại chuồng ngựa của Hội Truyền Giáo, do cơ sở nhà trường chưa được xây. Đến tháng 3/1921 thì Giáo Sĩ J.I. Jeffrey được bổ nhiệm phụ trách Trường Kinh Thánh dành cho nam giới. Đến năm 1922, khi nhà thờ Tin Lành Tourane (Đà Nẵng) được xây dựng thì cơ sở vật chất của trường Kinh Thánh cũng bắt đầu được hình thành.

Ở Việt Nam, người phụ nữ thường đóng vai trò “nội tướng.” Do đó, nếu họ có cơ hội tin nhận Chúa, thì điều đó cũng có nghĩa là sự chống đối theo đạo trong gia đình cũng xem như không còn. Người làm chứng tốt nhất cho phụ nữ cũng chính là những phụ nữ được huấn luyện và trang bị Lời Chúa. Thông thường, nếu một người đàn ông bước vào nhà để nói chuyện với người đàn ông trong nhà, thì phụ nữ sẽ rút lui vào trong. Vì vậy, nếu không có những người phụ nữ đến nhà để nói về Phúc Âm thì những người nữ trong gia đình sẽ rất khó có cơ hội được nghe Tin Mừng về tình yêu của Chúa Giê-xu Christ.

Đứng trước nhu cầu cần trang bị Lời Chúa cho phụ nữ, các giáo sĩ Foster và cô Frost được giao phụ trách Trường Kinh Thánh dành cho nữ giới. Đến mùa thu năm 1923, giáo sĩ Edith Frost Olsen và phụ tá Ailshouse từ Hà Nội vào Đà Nẵng để tổ chức các lớp học Kinh Thánh cho nữ giới.[2]
Như vậy, khóa Kinh Thánh cho nữ giới đầu tiên được tổ chức vào tháng 10 năm 1923.

Lúc đầu chỉ có 3 học viên nội trú. Họ được sắp xếp ở chung phòng với những người giúp việc.Kế đến, có thêm 4 phụ nữ có gia đình và 1 người độc thân đăng ký. Vào tháng 01/1924, có thêm 3 phụ nữ nữa. Nhà trường chỉ có thể sửa lại phòng chứa than cho một người, hai người còn lại vẫn chưa có nơi ở. Học viên cuối cùng của khóa này là vợ của một nhân sự truyền giáo. Như vậy, khóa đầu tiên có tổng số 10 phụ nữ. Qua lời thuật lại của Giáo sĩ Stebbins thì trong số này, có thể có một nữ tín hữu đã được Chúa chữa lành bệnh điếc qua lời cầu nguyện của các tôi tớ Chúa.[3] 

Thời gian đầu, lớp học được tổ chức trong một căn nhà, nhưng sau đó, vì thấy bất tiện, nên các giáo sư đã chuyển lớp học đến nhà thờ, và học viên ngồi ở hai băng ghế phía trước. Trong số các nữ sinh đầu tiên, một số là phu nhân của các nhân sự truyền giáo, một số là độc thân.

Sang năm sau 1924, có tổng cộng 16 học viên nữ trong độ tuổi từ 16-50, hầu hết là vợ của những học viên nam đang theo học tại trường Kinh Thánh. Trình độ của họ không giống nhau, có người biết chữ, có người không, có người khá thông minh, có người thì chậm chạp…. Các giáo sư khá khó khăn trong việc sắp xếp lớp học. Cũng trong năm này, một tòa nhà dành cho các học viên nữ đã được xây dựng mới, có phòng ngủ cho phụ nữ độc thân và các cặp vợ chồng.
Những năm sau, số lượng học viên nữ tăng dần và chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số học viên của trường Kinh Thánh Tourane:[6]

Các giáo sĩ của Hội Truyền Giáo Phước Âm Liên Hiệp gặp rất nhiều cản trở, khó khăn trong công tác truyền giáo và thành lập hội thánh, do miền Trung Việt Nam thập niên 1920 của thế kỷ 20 nằm dưới quyền cai trị của Khâm Sứ Trung kỳ do Pháp bổ nhiệm, người dân vừa phải ở dưới sự áp bức của Pháp vừa chịu sưu cao thuế nặng của triều đình nhà Nguyễn.
 
Việc giảng dạy cho các học viên nữ quả là khó khăn hơn học viên nam, bởi vì hầu hết họ không biết đọc và do đó tiếp thu chậm. Điều này đòi hỏi các giáo sư phải trình bày thật tỉ mỉ và rõ ràng để giúp cho các học sinh có thể nhớ được nội dung trình bày. Điều thật khích lệ là các học viên rất ham học. Dầu trình độ, hoàn cảnh, tuổi tác của họ có khác nhau, nhưng với sự hướng dẫn, dạy dỗ tận tình của các giáo sĩ, sự nỗ lực của bản thân và ơn ban của Chúa, đến cuối năm học, họ đã có thể đọc và viết thành thạo, đồng thời thuộc lòng nhiều câu Kinh Thánh, sẵn sàng ra đi làm chứng cho mọi người. Họ đã vượt qua được những rào cản tưởng chừng như không vượt qua được để trở thành những tay đánh lưới người kết quả. Theo thời gian, đến nay chỉ còn hơn 1 tháng nữa là tròn100 năm từ khi khóa nữ sinh đầu tiên của trường Kinh Thánh Tourane được tổ chức. Các giáo sĩ và khóa sinh đã để lại cho các thế hệ tương lai tấm gương mẫu mực về tấm lòng yêu mến Chúa, khao khát Lời Ngài, mong muốn trở thành con gặt của Chúa, tiến bước vào cánh lúa đang chín vàng khi mùa gặt đang tới.

Dù nguồn tư liệu tham khảo tương đối ít và chưa tái hiện được bức tranh đầy đủ, những gì đã tìm được vẫn đủ để chúng ta dâng lời cảm tạ Chúa đã yêu thương và đồng hành Hội Thánh Ngài qua từng thời kỳ trong bước đường mở mang Nước Trời trên đất. Ước ao các thế hệ tiếp theo sẽ nối gót tiền nhân, để ngày càng có thêm nhiều người dâng mình hầu việc Chúa, đem ánh sáng Tin Lành của Chúa Cứu Thế Giê-xu đến cho mọi người. 

TỀ NGUYỆT NHĨ (tổng hợp)

----
[1] Tournane: tên gọi Đà Nẵng thời Pháp thuôc,
[2] Thời bấy giờ phần đông dân chúng nghèo khổ, thất học, đa số mù chữ; và trong một nền văn hóa ảnh hưởng nặng Khổng giáo, việc trường Kinh thánh Đà Nẵng tổ chức khoá học cho học viên nữ là một sự kiện đặc biệt so với thời đại. Vừa thể hiện tinh thần bình đẳng giới, tạo cơ hội cho người nữ học Lời Chúa, vừa chuẩn bị nhân sự để rao truyền Tin Lành cho mọi người, đặc biệt là nữ giới (BBT).
[3] History of the Christian & Missionary Alliance in Vietnam (1), trang 194.
[4] Xin quý bạn đọc góp ý nếu nhận diện được.
[5] Để có được danh sách các học viên nữ khóa đầu tiên của Trường Kinh Thánh, người viết phải thu thập từ nhiều nguồn nên có thể có sai sót. Có lẽ do hoàn cảnh thời bấy giờ, tên của các học viên nữ cũng không được công khai. Trong bản tin về lễ tốt nghiệp ngày 03/04/1931 của trường Kinh Thánh đăng trên Thánh Kinh báo số, tháng 5-6 năm 1931, cũng chỉ ghi như sau: “Cô Đốc học phát giấy chứng chỉ cho mười ba nữ học sanh, là các cô Bi, Cầm, Chữ, Chinh, Đặng, Giáo, Hối, Hòa, Phúc, Phán, Quảng, Quì, Châu”, dù rằng phía trên, các học sinh nam đều được ghi rõ họ và tên.
[6] History of the Christian & Missionary Alliance in Vietnam (1-2), trang 395, 521, 568, 605, 642, 653. Annual Report Of The French Indochina Mission Of The Christian And Missionary Alliance 1925, trang 10.

CÁC NỘI DUNG TRONG SỐ NÀY

Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 02 & 03 - Tháng 11/2023 2

Thông báo

Buổi Tọa đàm về chức vụ của Ông Bà giáo sĩ Livingston được thay thế bằng buổi Triển lãm tư liệu và giới thiệu sách 3

Kêu gọi đóng góp sử liệu về cô Hoàng Thị Thanh. 4

Tin tức

Hội thảo chuyên đề về Bản dịch Kinh Thánh năm 1925 - Lịch sử ra đời và những đóng góp về tôn giáo, văn hóa và xã hội ở Việt Nam. 5

Viện Thần học Tin Lành Việt Nam - Union University Of California (UUC) - Lễ tốt nghiệp năm 2023 7

Dư âm "Hội sách Thư Viện Cơ Đốc - Lần I" 8

Hội nghị Giáo dục Cơ Đốc (GDCĐ) ở Đông Nam Á. 10

Phỏng vấn - Tường thuật

Trích phỏng vấn Mục sư Rick Warren về việc phong chức nữ Mục sư. 12

Danny Porter và Mục vụ tiền xu. 19

Lễ kỷ niệm Một trăm năm Tin Lành truyền đến Campuchia. 27

Sử liệu

Khóa tu nghiệp truyền thông tại Taipei, Đài Loan năm 1971. 33

Những nữ sinh đầu tiên của Trường Kinh Thánh Tourane. 34

Bà Võ Thị Thu - Cô Giáo tiếng Việt cho Bà Giáo Sĩ Grace Cadman. 38

Bài viết

Dì Tôi - Một cuộc đời bình dị. 36

Tạm biệt Cô Hoàng Thị Thanh - Nữ Truyền đạo tình nguyện trên đường đến vĩnh cửu. 43

Bà Chấp sự Xuân Sinh của Hội Thánh Tin Lành Hà Nội. 45

Người Thầy Thầm Lặng. 52

Điểm sách

Tìm Hiểu Xứ Thánh qua Hình Ảnh. 56

Đồng Hành Cùng Thư Viện Cơ Đốc. 63

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2024 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 104,939 | Online: 2