Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 02 & 03 - Tháng 11/2023

Bà Chấp sự Xuân Sinh của Hội Thánh Tin Lành Hà Nội.


“Lòng nhiệt thành về nhà Chúa thiêu đốt tôi.” (Thi thiên 69:9)

Trong quá trình tìm hiểu về Lịch sử Hội Thánh Tin Lành Hà Nội năm 2016, tôi có được nghe kể về nhiều tôi tớ Chúa phục vụ Chúa tại Hội Thánh. Và một người nữ mà tôi đã rất ấn tượng là cụ Chấp sự Nguyễn Thị Loan, còn được biết đến với biệt danh là cụ Xuân Sinh, một người tin kính Chúa, nhiệt thành về nhà Chúa, một người vợ, một người mẹ tần tảo, chăm lo cho chồng, con; một người yêu thương giúp đỡ các tôi tớ Chúa, đứng bên cạnh Hội Thánh trong các thời khắc thăng trầm nhất của lịch sử; và cũng một người có tinh thần yêu nước nhiệt thành.

Không chỉ được các tín hữu lớn tuổi kể cho nghe về cụ, nhờ ơn Chúa, tôi có cơ hội biết nhiều hơn về cụ Xuân Sinh qua hồi ức của con trai út của cụ, là Giáo sư Lê Văn Lan, một sử gia nổi tiếng. Tôi gặp lại Giáo sư Lê Văn Lan vào tháng 5/2022, lần này với mong muốn có thể sưu tầm tư liệu và viết về những con dân Chúa, dù không thuộc hàng giáo phẩm nhưng hết lòng hầu việc Chúa, đặc biệt là những người Nữ như cụ Chấp sự Xuân Sinh, để giới thiệu cho Hội Thánh và thế hệ hệ mai sau được biết.

Trong hai buổi phỏng vấn làm việc, đôi mắt của vị Giáo sư 90 tuổi này không phải chỉ là ánh mắt của một nhà nghiên cứu, một người làm khoa học, mà tôi thấy nhiều hơn ở đôi mắt ấy đầy sự thương nhớ, trìu mến của một “chàng thiếu niên” thời đó, của một người con từ nhỏ cho đến trưởng thành, rồi lập gia đình, nhớ về mẹ của mình trong sự trân trọng, yêu mến từng khoảnh khắc, ký ức về mẹ; trong sự hiếu kính, tự hào về thân mẫu của mình.
 
Với bài này tôi chỉ chọn để viết đôi nét về cụ Xuân Sinh và sẽ cố gắng biên tập một tiểu sử chi tiết hơn về Cụ qua hồi ức của GS Lê Văn Lan, để có thể giới thiệu trong phiên bản khác.[1] Cuộc đời đầy biến động của Chấp sự Xuân Sinh gắn liền với Hội Thánh, với các tôi tớ Chúa cùng những thăng trầm của lịch sử tại miền Bắc Việt Nam.[2]

Cuộc Đời Cụ Chấp Sự Xuân Sinh

Chấp sự Xuân Sinh có nhũ danh là Nguyễn Thị Loan, bà sinh năm 1891 mà trong một gia đình nghèo khó ở Nam Định. Bà lớn lên với những bữa ăn mà mỗi người trong nhà chỉ được ăn một bát cơm. Các con thì ăn rau và chủ yếu là rau sống, rau diếp thái nhỏ ra thành các sợi và chấm tương, ai cũng tranh thủ nén cơm vào trong cái bát vì chỉ được ăn một bát thôi nên đã nén cơm thật chặt để được ăn nhiều cơm, còn nếu đói thì ăn thêm rau diếp chấm tương và có cả rổ rau diếp để ăn như vậy.

Sau quãng thời gian thơ ấu, bà trở thành một tiểu thương, một cô gái đi buôn rươi Nam Định, Hà Nam, Hà Đông… là những nơi có đồng trũng là nơi làm tổ của những con rươi, vốn làm nên những món ăn rất ngon thường được chuyển lên Hà Nội để bán. Bà là một  người bán rươi nhưng không gánh đi bán ở Hà Nội mà tập kết thu mua các thúng rươi tại ga Lạc Đạo tỉnh Hưng Yên, một cái ga rất quan trọng trên tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Từ ga Lạc Đạo, những thúng rươi của cô Nguyễn Thị Loan được chuyển lên những toa hàng đưa lên Hà Nội. Bấy giờ Trưởng ga Lạc Đạo là ông Lê Châu Lãng (bố của Giáo sư Lê Văn Lan). Ông Lãng là học trò của cụ cử Can (Lương Văn Can) nên ông có cả kiến thức Tây học, Tân học.

Sau khi phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do Lương Văn Can lập ra bị Pháp đàn áp phải giải thể tháng 12/1907, ông Lê Châu Lãng về làm việc cho Công ty Hỏa xa Vân Nam, trở thành Trưởng Ga Lạc Đạo; tại đây cô Loan và ông Lãng đã quen nhau và đi đến hôn nhân. Gia đình Ông Bà Lãng có 12 con, đủ cả trai, gái nhưng chỉ giữ được bảy.

Trong số các con của ông bà, có thể kể đến chị cả là bà Lê Thị Hợp về là vợ chấp sự Hoàng Đình Giáp, là nhà giáo, hai vợ chồng đều là tín đồ trụ cột của Hội Thánh Tin Lành Hà Nội; chị Lê Thị Thục là vợ của Mục sư Vũ Văn Cư.[3] Được Chúa ban phước trên công việc, cô Nguyễn Thị Loan trở thành một doanh nhân thành đạt tại Hà Nội, kinh doanh gạo, ngũ cốc, sở hữu nhiều ngôi nhà, tài sản. Các cụ đặt tên cho một số cửa hàng xuất phát từ tám chữ Hán là “Xuân Sinh, Hạ Trưởng, Thu Thâu, Đông Tàng”, mùa Xuân thì sinh sôi nảy nở, mùa Hạ thì lớn lên trưởng thành, mùa Thu thì thu hoạch và mùa Đông thì cất (tàng trữ) các sản vật vào kho. Cho nên Xuân Sinh nghĩa là mùa Xuân sinh sôi nảy nở làm thương hiệu cho cửa hàng của mình; và từ đấy nẩy thêm ra cửa hàng Đức Sinh chuyên dành kinh doanh gạo. Như vậy, cha mẹ con cái sum vầy trong một bối cảnh gia đình vừa có chữ nghĩa, vừa có nghề nghiệp, vừa kinh doanh phát đạt giữa Hà Nội.

Vào những năm 1930-1940, Tin Lành bắt đầu phát triển ở Hà Nội. Mục sư Trần Văn Đê cùng Hội Thánh Hà Nội thường xuyên tổ chức những buổi truyền giảng vào tối thứ Bảy hàng tuần gọi là “Giảng Đạo cho người ngoại”. Bà Xuân Sinh cùng gia đình đến nghe giảng và được Chúa cảm động; cả nhà từ đấy đi theo Đạo Tin Lành và cụ trở thành nữ tín đồ, chấp sự năng nổ, có nhiều hoạt động đóng góp cho các công việc của Hội thánh và tài chánh. Bà thường ngồi ở hàng ghế thứ hai ở phía giữa nơi dành cho Nữ tín đồ. Điều nổi bật nhất trong ký ức của con trai Giáo sư Lê Văn Lan, là bà siêng năng chăm chỉ làm viêc, trung tín dâng tiền cho Chúa. Bà là người hay cầm gậy có túi nhung đến từng hàng ghế để nhận tiền dâng. Bà không chỉ đi nhà thờ vào thứ Bảy, Chúa nhật mà hầu như tất cả các ngày, nhất là sau khi chồng về với Chúa năm 1943. Bà thường đến nhà thờ thăm hỏi Mục sư Trần Văn Đê, Mục sư Lê Văn Thái và rất thân thiết với hai người vợ của hai vị Mục sư đáng kính này và bà luôn tìm cách giúp đỡ gia đình họ. 

Với con cái, bà luôn khích lệ các con mình trong đức tin, tạo điều kiện để tham gia công việc trong Hội Thánh. Một trong những điều mà những người con bà yêu thích -- đó là âm nhạc của nhà thờ, người con Lê Văn Nguyên học Clarinet, Saxophone tham gia trong dàn nhạc của thầy Ngôn trong nhà thờ.

Giáo sư Lê Văn Lan nói ông đi nhà thờ tin Chúa một phần vì tin theo mẹ và cha nhưng mà cũng vì say mê Đạo là say mê cái âm nhạc, ấy là cái đàn Harmonium của thầy Ngôn. Ông cũng như bao con trẻ khác cùng hát thánh ca, tham gia thi Kinh Thánh tại nhà thờ.

Trong bối cảnh các phong trào yêu nước nổ ra thời bấy giờ, các tín hữu trong Hội Thánh cũng có sự phân hoá. Mỗi người có những lựa chọn khác nhau. Như Thư ký Hội Thánh Hà Nội ông Đặng Thế Khải, cùng các con của Chấp sự Xuân sinh và cả một số tín hữu khác, đã cùng nhau sử dụng nhạc Thánh ca và chuyển thành ca từ cách mạng. Bà Xuân Sinh, một mặt vẫn nhiệt thành với Chúa, một mặt cũng rất nhiệt thành tham gia phong trào yêu nước, chống Pháp, giúp đỡ các con cái tham gia kháng chiến, tham gia cách mạng. Bà có dẫn hai người con là Lê Thị Thục và Lê Văn Lan tham gia ngày trọng đại 02/09/1945, đứng tại quảng trường Ba Đình, hô khẩu hiệu. Khi Pháp trở lại, phải tản cư thì bà dẫn các con về làng Kẻ, rồi lên Vĩnh Yên và ở đó đến năm 1946-1947. Ngay cả trong thời gian này, bà ráng sức gồng gánh lo cho các con, đặc biệt là cố tác thành cho con gái Lê Thị Thục với Mục sư Vũ Văn Cư (1948). 

Năm 1948 khi hồi cư trở lại Hà Nội, dù chứng kiến những căn nhà của mình bị đổ nát, trái tim của người Nữ này không hề tan nát. Lúc đó tiền cũng hết, nhưng bà vẫn trung tín với Chúa. Câu nói in đậm, hằn sâu trong ký ức của con cái bà, đó là bà luôn dạy dỗ các con rằng, “Chúa đã cho thì Chúa cũng có quyền lấy đi,” “dù khổ đến đâu cũng đi nữa vẫn phải trung tín dâng 1/10 cho Chúa.” Và bà tìm chỗ ở nhờ nhà người quen để tiếp tục làm ăn, chăm sóc các con, giúp các con biết tự chăm sóc bản thân mình. Trong ký ức của chàng thiếu niên Lê Văn Lan là ông đã giúp mẹ bán phở, rồi đi bán kem khắp khố phường bên cạnh việc học tập. Và chỉ sau một năm sau, Chúa lại ban cho gia đình bà sự sung túc, thành đạt, việc kinh doanh trở lại còn hơn trước và bà vẫn giữ sự nhiệt thành về Nhà Chúa, dâng hiến rời rộng, tham gia vào việc phát triển các Điểm nhánh khác của Hội Thánh Hà Nội, hết lòng giúp đỡ các tôi tớ Chúa. Bà mời gọi nhiều người đến những Điểm nhánh mới này. Bà đi hết điểm này đến điểm khác rất năng nổ. Các tín hữu ở những nơi này, đặc biệt ở xa như Bạch Mai, đều yêu mến bà hết mực.

Luôn nghĩ cho con cái, ngay cả những người con ở xa, bà nhờ con trai út Lê Văn Lan của mình khi đó 13-14 tuổi mua vé máy bay vào Đà Nẵng để đưa cho con gái Lê Thị Thục cùng chồng là Mục sư Vũ Văn Cư một khoản tiền để giúp cuộc sống đỡ vất vả.

Bà vẫn giữ mối quan hệ rất thân thiết với các tôi tớ Chúa như: Mục sư Trần Văn Đê, Mục sư Dương Tự Ấp, Mục sư Hoàng Kim Phúc, Mục sư Bùi Hoành Thử, Mục Sư Huỳnh Kim Luyện, Mục sư Âu Thái Bình, Mục sư Lư Văn Nên ...

Bên cạnh đó bà vẫn hoạt động bí mật, lo toan cho con khi gặp cảnh khó khăn. Khi con cái hoạt động cách mạng bị Pháp bắt giữ, bà tìm cách chuộc ra. Một người con là Lê Văn Nguyên đã hy sinh trong khi tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, với Hiệp định Geneve được ký kết, kéo theo một sự giằng xé đi hay ở lại miền Bắc của nhiều tín hữu, và có sự phân hoá xảy ra cả bên trong mỗi gia đình con dân Chúa. Người đi, kẻ ở lại. Giáo sư Lê Văn Lan cho biết lúc đó khi chọn ở lại, mẹ ông đã nghĩ ngay đến việc Đạo sẽ hoạt động ra sao dưới chế độ vô thần.

Lo sợ con mình mất Đạo, bà đã cố gắng tác thành cho Lê Văn Lan và Âu Thị An là con gái của Mục sư Âu Thái Bình. Mục sư Dương Tự Ấp đã giúp họ làm đám cưới tại nhà thờ dù không có cỗ bàn gì vì đã không còn tiền. Và vẫn với bài học quen thuộc bà dạy cho con cái luôn ghi nhớ đến bài học của Gióp: “Chúa đã cho thì Chúa có quyền cất đi”; hay “đừng như vợ Lót mãi ngoái lại nhìn tài sản mà hoá thành tượng muối”; “đừng giống như Giu-đa con nhé”… Thế rồi, Chúa thương xót, gia đình bà cùng các con được Mục sư Dương Tự Ấp cho phép ở trong dãy khu nhà Giáo sĩ và nhà in khi đó. Từ một doanh nhân thành đạt đến việc chỉ nhận năm (05) đồng mỗi tháng nhưng bà vẫn vui vẻ với 05 đồng. Khi ấy một bữa cơm trị giá ba (03) hào, nhưng bà vẫn như ngày nào, trung tín dâng phần 1/10 tức là 05 hào dâng cho Chúa. Một sự trung tín rất đặc biệt của cụ, dù hoàn cảnh nào, dù chịu mất mác khủng khiếp, cuộc sống từ giàu có rơi xuống vực sâu - không nhà, không tiền, phải lo cho bầy con, biết bao đau khổ đổ xuống cuộc sống, bà vẫn một lòng trung tín, không một lời than trách Chúa, vẫn yêu Chúa và hầu việc Ngài cách hết lòng. Nghịch cảnh như ngọn lửa luyện vàng nên thuần chất, Chúa dùng hoạn nạn để phô bày đức tin của bà Xuân Sinh là thật, là mạnh mẽ dường nào.

Mặc dầu là người yêu nước nhưng sau ngày giải phóng thủ đô, gia đình cụ Xuân Sinh vẫn bị liệt vào thành phần cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh. Giáo sư Lê Văn Lan kể: “Mấy cái nhà, bao nhiêu tiền vốn, đều thành khẩn kê khai và cuối cùng bị mất hết vì hiến hết cho nhà nước. Nhưng bà vẫn giấu đi được một cái dây chuyền và một cái kiềng mấy chỉ, mấy vàng đấy để tặng cho cô vợ tương lai của tôi lúc ấy mới trốn từ Vinh ra.”  Tuy nhiên, sau khi đã hiến tất cả các tài sản cho nhà nước thì bà được đổi thành phần. Từ thành phần tư sản vốn được xem là tệ nhất thì trở thành Nhân sĩ, được tham gia vào Mặt Trận Tổ Quốc, trở thành thành viên đại diện cho Tin Lành thời ấy. Bà rất ham học, khi trường Kinh Thánh mở khóa đầu tiên (1962-1964), bà đã xin vào học. Khoá có 10 học viên  trong đó có 2 Nữ, trong hai người nữ chỉ có bà học cho đến tốt nghiệp và sau đó trở thành Uỷ Viên trong Ban Thường Vụ Tổng Hội miền Bắc.

Lời Chúa và Hội Thánh đã giúp bà vượt qua những khó khăn trong cuộc sống. Giữa những thách thức, bà lại có thể bắt đầu làm thơ. Tôi tin rằng chính Hội Thánh và Lời Chúa đã giải thích vì sao người ta lại có được một cái tâm hồn, một cái tinh thần trong sáng, hồn nhiên đến như thế ở một người phụ nữ mà đau khổ, oan ức, mất mát rất nhiều như thế! Ta hãy xem, từ một doanh nhân thành công mà ở cái độ tuổi 70, 80 sống với đồng lương chỉ có 5 đồng.

“ ....bất kỳ sự chết, sự sống, các thiên sứ, các kẻ cầm quyền, việc bây giờ, việc hầu đến, quyền phép, bề cao, hay là bề sâu, hoặc một vật nào, chẳng có thể phân rẽ chúng ta khỏi sự yêu thương mà Đức Chúa Trời đã chứng cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta” (Rô-ma 8:38-39)

Khi tiếp tục phải đi sơ tán vì chiến tranh, bà mang bốn cháu nội ngoại về Nhà Thờ Thọ Lão ở Đan Phượng (HT Thọ An) nơi Mục Sư Lư Văn Nên phụ trách, trước đây bà từng thân quen và giúp đỡ Mục sư. Và vẫn với 05 đồng ấy, bà dâng hiến phần mười cho Chúa trong suốt thời kỳ khó khăn ở miền Bắc và vẫn trung tín nhóm lại tại Hội Thánh với bốn cháu nhỏ của mình.

Sau năm 1975, Chúa cho bà gặp lại con gái Lê Thị Thục - vợ Mục sư Vũ Văn Cư - lúc này đã cùng chồng nắm giữ chức vụ cao trong Hội Thánh Tin Lành Việt Nam (miền Nam). Bà Lê Thị Thục ngược đường trở ra Bắc thăm mẹ vào cái lúc cuối đời sau khi đất nước thống nhất năm 1975. Lúc này, cụ Xuân Sinh đã già yếu nhưng vẫn hằng ngày vẫn xuống cầu thang để sang bên nhà thờ, vẫn giữ sự trung tín. Bà Thục cũng là người chịu mất mát nhiều, bà tiết kiệm được một khoản tiền đem gửi vào ngân hàng trước 1975 nhưng rồi ngân hàng phá sản vì chiến tranh và bà đã mất hết. Tuy vậy, bấy giờ hai mẹ con họ lại cùng nhau ôn lại câu nói ngày nào “Chúa đã cho thì Chúa có quyền cất đi”.

Rồi đến những năm tháng gần về với Chúa, cụ được các con cháu chăm sóc và thanh thản trở về Nước Ngài, trở về trong vòng tay yêu thương của Cứu Chúa mà cụ đã kính mến và hầu việc cả cuộc đời. Cụ bà đã được yên nghỉ trong Nước Trời vĩnh an. Vốn thân thiết với các Mục sư, luôn đối với các MS như người thân trong nhà, bà được các Mục sư yêu mến, tôn trọng và khi về với Chúa thì Mục sư Bùi Hoành Thử cử hành tang lễ theo nghi thức của Hội Thánh Tin Lành.

Giáo sư Lê Văn Lan trải lòng: “Với cái niềm tin, họ sống rất là phơi phới trong những quãng thời gian cực kỳ khó khăn của cuộc đời. Tôi nghĩ cái phép lạ của Chúa và Hội thánh của Chúa là giúp cho những người tín đồ, những chấp sự, những người nào mà có niềm tin thì 

cái niềm tin ấy là cứu cánh, là phép màu nhiệm nữa để cho khó khăn đến mấy thì cuộc sống của những người ấy vẫn là thánh thiện, vẫn là ổn yên. Và đấy là cái tâm hương mỗi khi chiêm nghiệm thì tôi đều thấy cái giá trị rất tuyệt vời của nó.” 

Cụ Xuân Sinh đã một lòng tận trung với Chúa, trải bao sóng gió, hoạn nạn tưởng chừng không trụ nổi, nhưng chẳng ba đào nào nhấn chìm được đức tin và tình yêu đối với Chúa và Hội Thánh của Cụ. Có ai xứng hơn cụ với tiếng gọi của Chúa: “Hỡi đầy tớ ngay lành và trung tín kia, được lắm.... hãy đến hưởng sự vui mừng của Chúa ngươi” (Ma thi ơ 25:23)!

“Lòng nhiệt thành về nhà Chúa thiêu đốt tôi”- một cuộc đời trung tín hầu việc Chúa không ngừng nghỉ, một cuộc đời nóng cháy về nhà Chúa bất chấp hoàn cảnh. Thật đáng học gương đức tin của Cụ Chấp sự Xuân Sinh - Nguyễn Thị Loan, một đầy tớ thánh của Chúa.

Nguyễn Trọng Bình
          Tháng 5/2023

------
[1] Tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc đến GS Lê Văn Lan, đến những người giúp đỡ tôi trong quá trình viết bài này. Xin cảm ơn Thư Viện Cơ Đốc đã tạo môi trường uy tín, đáng tin cậy cho tín hữu Tin lành Việt Nam có thể gửi những tài nguyên quý giá để có thể chia sẻ những gương đức tin giá trị cho cộng đồng Tin lành Việt Nam.
[2] Giai đoạn thập niên 20 đến 70 của thế kỷ 20 có bối cảnh khác hẳn ngày nay. Ngày nay chúng ta đã kế thừa những kinh nghiệm, những đánh giá hệ quả và thường có thể nhìn lại một vấn đề theo phán xét đúng / sai. Đề nghị quý độc giả đọc bài về cụ Xuân Sinh hãy đặt mình trong toàn bộ bối cảnh lịch sử Việt Nam, đặc biệt tại miền Bắc thời bấy giờ.
[3] Mục Sư Vũ Văn Cư xuất thân là thanh niên HTTL Hà Nội, học Trường Kinh Thánh Đà Nẵng năm 1936-1937, thực tập tại Cha-pa (Sa-pa)-Lào Cai, trở lại Trường năm 1940 và tốt nghiệp năm 1941, và thành hôn năm 1948 với cô Lê Thị Thục là ái nữ của cụ Xuân Sinh. Ông từng giữ các chức vụ như Giáo sư, Tổng Giám Thị, Tổng Thư Ký Trường Kinh Thánh Đà Nẵng và Thánh Kinh Thần Học Viện Nha Trang, Phó Hội Trưởng HTTL VN (miền Nam) nhiều nhiệm kỳ.

CÁC NỘI DUNG TRONG SỐ NÀY

Bản tin Thư Viện Cơ Đốc - Số 02 & 03 - Tháng 11/2023 2

Thông báo

Buổi Tọa đàm về chức vụ của Ông Bà giáo sĩ Livingston được thay thế bằng buổi Triển lãm tư liệu và giới thiệu sách 3

Kêu gọi đóng góp sử liệu về cô Hoàng Thị Thanh. 4

Tin tức

Hội thảo chuyên đề về Bản dịch Kinh Thánh năm 1925 - Lịch sử ra đời và những đóng góp về tôn giáo, văn hóa và xã hội ở Việt Nam. 5

Viện Thần học Tin Lành Việt Nam - Union University Of California (UUC) - Lễ tốt nghiệp năm 2023 7

Dư âm "Hội sách Thư Viện Cơ Đốc - Lần I" 8

Hội nghị Giáo dục Cơ Đốc (GDCĐ) ở Đông Nam Á. 10

Phỏng vấn - Tường thuật

Trích phỏng vấn Mục sư Rick Warren về việc phong chức nữ Mục sư. 12

Danny Potter và Mục vụ tiền xu. 19

Lễ kỷ niệm Một trăm năm Tin Lành truyền đến Campuchia. 27

Sử liệu

Khóa tu nghiệp truyền thông tại Taipei, Đài Loan năm 1971. 33

Những nữ sinh đầu tiên của Trường Kinh Thánh Tourane. 34

Bà Võ Thị Thu - Cô Giáo tiếng Việt cho Bà Giáo Sĩ Grace Cadman. 38

Bài viết

Dì Tôi - Một cuộc đời bình dị. 36

Tạm biệt Cô Hoàng Thị Thanh - Nữ Truyền đạo tình nguyện trên đường đến vĩnh cửu. 43

Bà Chấp sự Xuân Sinh của Hội Thánh Tin Lành Hà Nội. 45

Người Thầy Thầm Lặng. 52

Điểm sách

Tìm Hiểu Xứ Thánh qua Hình Ảnh. 56

Đồng Hành Cùng Thư Viện Cơ Đốc. 63

ĐỒNG HÀNH CÙNG THƯ VIỆN

Ủng hộ Thư viện Cơ đốc phát triển với mục đích cổ động việc đọc, học hỏi và nghiên cứu sách Cơ Đốc trong cộng đồng.

DONATE NOW

THƯ VIỆN CƠ ĐỐC

R3-84 Hưng Gia 1, Phường Tân Phong,
Quận 7, Tp. Hồ Chí Minh (Google Map)
(+84-28) 5410.9708
lienhe@thuviencodoc.org
© 2024 Bản quyền nội dung thuộc về
Thư viện Cơ Đốc
Lượt truy cập: 360,816 | Online: 1